Từ hôm nay đến 30.9, nhiều trường hợp ở TP.HCM phải sử dụng giấy đi đường

17/09/2021 15:07 GMT+7

Theo Công an TP.HCM, các nhóm đối tượng được lưu thông (cán bộ công nhân viên chức, người lao động , hỗ trợ phòng chống dịch, tình nguyện viên, thiện nguyện viên..) phải có giấy đi đường do công an cấp.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM đã ký thông báo triển khai công tác kiểm soát việc thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 16.9 đến ngày 30.9 theo Công văn số 3072/UBND-VX ngày 15.9.2021 của UBND TP.HCM. Theo thông báo này, Công an TP quy định rõ một số trường hợp không phải sử dụng giấy đi đường, và một số trường hợp buộc phải kiểm tra giấy đi đường. 

Công an TP.HCM yêu cầu công an địa phương cấp giấy đi đường trong ngày cho dân

Thiếu tướng Lê Hồng Nam yêu cầu thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương triển khai đến cán bộ, chiến sĩ nắm vững nội dung quy định hướng dẫn về kiểm soát người lưu thông trên đường theo phụ lục hướng dẫn kiểm soát tại các chốt nội ô từ ngày 16.9 đến 30.9. 
Cụ thể, các phương tiện vận tải (xe tải, xe taxi, xe khách, xe chở công nhân...) được cấp mã QR của ngành giao thông vận tải được phép lưu thông theo khu vực, lộ trình, thời gian cấp phép thì không kiểm tra giấy đi đường. Kiểm tra mã QR khai báo y tế bằng phần mềm quản lý công dân vùng dịch của Bộ Công an.
Các xe tải hoặc bán tải vận chuyển sách, vở học sinh có giấy tờ chứng minh vận chuyển sách, vở cho trường học, cơ sở giáo dục (có hóa đơn, hợp đồng mua hàng với các trường, cơ quan giáo dục) không cần có giấy đi đường mà kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Ngoài ra, đối với xe chở nhân viên cơ quan, doanh nghiệp không được cấp mã QR phải có một người ngồi trên xe có giấy đi đường theo quy định (người ngồi trên xe phải có giấy tờ chứng minh cùng cơ quan, công ty, doanh nghiệp). Đồng thời, kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an; số người trên xe không vượt quá một nửa số chỗ ngồi đối với xe từ 12 chỗ trở lên.
Công an TP cũng quy định, với xe chở lương thực, thực phẩm thiết yếu chưa có mã QR, mà có giấy đi đường tạm thời do Công an TP cấp được lưu thông qua chốt vào và ra thành phố trong khoảng thời gian được cấp ghi trong giấy để giao nhận hàng hóa và đi qua thành phố. Giấy đi đường tạm thời được cấp tại các trạm, chốt kiểm soát đi vào thành phố khi có đủ điều kiện là phải khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an và có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, giấy tờ liên quan khác.

Bản tin Covid-19 ngày 17.9: Cả nước thêm 11.521 ca nhiễm mới | TP.HCM đã tiêm 8,5 triệu liều vắc xin

Shipper giao hàng phải có nhận diện theo quy định

Đối với các nhóm đối tượng được lưu thông (cán bộ công nhân viên chức, người lao động, hỗ trợ phòng chống dịch, tình nguyện viên, thiện nguyện viên..) phải có giấy đi đường do công an cấp (giấy do công an phường xã cấp chỉ đi trong quận, huyện).
Đối với shipper giao hàng (sử dụng ứng dụng công nghệ) được hoạt động giao hàng liên quận, huyện, TP.Thủ Đức và có nhận diện theo quy định. Có giấy xét nghiệm âm tính mẫu gộp 3, thời gian 2 ngày/1 lần.
Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh do công an quận, huyện cấp thì chỉ được phép hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP.Thủ Đức; có xét nghiệm âm tính với Covid-19 2 ngày/1 lần. Các trường hợp nói trên đều phải kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.
Khi qua lại chốt, công dân phải xuất trình mã QR cá nhân sau khi thực hiện kê khai y tế tại ứng dụng VNEID hoặc địa chỉ web https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và xuất trình giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp, CMND/CCCD hoặc thẻ công chức, viên chức, thẻ ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.