Gạo hút. - Gạo không có nhiều và đắt tiền: gạo thiếu đi, hụt đi, không có đủ cho người ta mua.
Hút chợ. - Thiếu đi không có mà mua bán tại chợ, Cá hút chợ; hàng hút chợ.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “kém hụt, có rất ít” với thí dụ: Đồ ăn hút, gạo hút. Rồi có mục phụ: “Hút chợ. Có rất ít hoặc không có bày bán ở chợ: Biển động, cá hút chợ”.
Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng hút là “hiếm” với thí dụ: Khi củi đước hút thì dùng củi vẹt. Món hàng ấy hút lắm.
Cuối cùng thì Từ điển từ ngữ Nam Bộ (ảnh) của TS Huỳnh Công Tín giảng hút là “hiếm, ít có, có số lượng nhỏ hơn so với nhu cầu”.
Rất tiếc là không có quyển nào ghi nhận hai tiếng hút hàng, một cấu “tính từ + bổ ngữ” chẳng những thông dụng mà còn rất quen thuộc với các bà, các chị nội trợ thời xưa vì chính họ là những người đi chợ để đảm đang công việc bếp núc cho gia đình. Còn thời nay thì cấu trúc đó được sử dụng rộng rãi trong cái thị trường đủ thứ thập vật thời @, từ con ngỗng trời cho đến cái điện thoại di động, từ đồ gỗ mỹ nghệ cho đến cái biệt thự to đùng, như có thể thấy dưới đây:
- Ngỗng trời 1,5 triệu đồng một kg hút hàng trước Tết (VnExpress, 11.12.2016).
- Nhãn “tiến vua” cuối vụ hút hàng (VOV, 9.9.2018).
- Đồ gỗ mỹ nghệ hút hàng dịp cận Tết (An Giang Online, 21.11.2018).
- Biệt thự triệu đô vẫn tự tin hút hàng (Dân Trí, 9.7.2018).
Chính hai tiếng hút hàng là cái mẫu đã đưa đến sự phát sinh của cái cấu trúc hút khách cực kỳ vô duyên, đang ngấp nghé bước vào từ vựng của tiếng Việt. Thì đây:
- Cổ hũ dừa hút khách, giá bị đẩy lên cao gấp 10 lần quả (24h, 28.11.2018).
- Cúc họa mi hút khách, người trồng hoa kiếm bộn tiền. (Soha, 20.11.2018).
- Toyota Vios hút khách nhờ gói kích cầu cuối năm (Báo Mới, 27.11.2018).
Vì hút khách ra đời sau khi hút hàng đã thông dụng và được biết đến gần như đều ở trong Nam nên nó đang đứng giữa hai dòng nước. Với những người am hiểu và/hoặc quen dùng hai tiếng hút hàng thì hút khách là “ít khách”, còn với một số thượng đế vô tư của lời nói thì hút khách lại là “ăn khách”.
Cách nói “mô-đẹc” này xuất phát từ bốn tiếng thu hút khách hàng, một cấu trúc chưa chính thức trở thành cố định nhưng vẫn đang có tần số cao hơn, và hơn hẳn, hai tiếng hút khách. Nhưng nếu không có một sự ngăn chặn kịp thời thì hút khách sẽ chiếm lĩnh lời nói để trở thành một cấu trúc cố định kiểu “động từ + bổ ngữ” và sẽ dần dần thay thế bốn tiếng thu hút khách hàng rồi chính thức ngồi vào tòa nhà từ vựng của tiếng Việt. Nếu nguy cơ này trở thành hiện thực thì, về lý thuyết, lúc đó người nói (speaker, sujet parlant) sẽ có thể hiểu hút hàng là “thu hút hàng hóa” (về tiệm, về cửa hàng, về kho...). Đây có thể cũng là một đề tài thú vị cho từ nguyên học chăng?
Bình luận (0)