Đại hội đã diễn ra đồng thời ở 4 thành phố lớn theo hình thức trực tuyến để phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Tất cả các đại biểu trước khi tham dự đại hội đều được tiến hành kiểm tra nhanh Covid-19.
Tại đại hội, các đại biểu đã thảo luận, biểu quyết thông qua các văn kiện báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 5 và đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 6, bầu Ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, cùng các chức danh chủ chốt Uỷ Ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ mới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng (thứ 3 từ phải sang) cùng đội tuyển Việt Nam |
MINH TÚ |
Mặc dù nhiệm kỳ 5 giai đoạn 2016 đến năm 2021 gặp nhiều khó khăn, trong đó hai năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nhưng Ủy ban Olympic Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định vai trò của mình là kênh thông tin, tham mưu cho lãnh đạo Bộ VH-TT-DL trong việc triển khai những kế hoạch lớn, là đầu mối của thể thao Việt Nam tại các sự kiện thể thao quốc tế.
Tại Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 6, các đại biểu đã bỏ phiếu lựa chọn 39 đại biểu vào Ban chấp hành thay vì 81 đại biểu như các khoá trước. Trên cơ sở các bước triển khai công tác nhân sự được Ban chấp hành nhiệm kỳ 5 thông qua, được phép của Bộ Chính trị, Đại hội đã giới thiệu và bầu ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL vào chức danh Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 6 giai đoạn từ năm 2021-2026.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và HLV Park Hang-seo |
MINH TÚ |
5 Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 6 gồm Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành Lê Văn Kiểm; Phó tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Trần Minh Hùng; Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Chủ tịch Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ; Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam Hoàng Xuân Lương. Đại hội bầu 11 đại biểu vào ban thường vụ. Ông Trần Văn Mạnh - Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 5 tiếp tục được bầu vào chức danh này của nhiệm kỳ 6. .
Tân Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Đại hội Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 6 đã thông qua nghị quyết mà trọng tâm xuyên suốt là phải quán triệt tinh thần Olympic, đó là nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn và cùng nhau. Đại hội đã giao nhiệm vụ cho các liên đoàn hiệp hội phải xây dựng kế hoạch rất cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ dưới sự điều hành quản lý nhà nước của Tổng cục TDTT nhằm hiện thực hóa những nội dung trong nghị quyết để thể thao Việt Nam có nhiều bước tiến mới”.
Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 6 sẽ tích cực chuẩn bị các công việc cho đoàn thể thao Việt Nam như cùng phối hợp để tổ chức thành công SEA Games 31 tại Việt Nam, tham dự Đại hội Thể thao trong nhà Võ thuật Châu Á tại Thái Lan năm 2022, Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Trung Quốc, SEA Games 32, ASEAN Para Games 12 tại Campuchia năm 2023, SEA Games 33 năm 2025, Thế vận hội Olympic tại Pháp năm 2024, Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông tại Hàn Quốc năm 2024, Đại hội thể thao châu Á tại Nhật Bản năm 2026….
Bình luận (0)