Từ lời “cầu cứu” đến lớp học tiếng Đức miễn phí
Ngày 17.3, trong nhóm Nhịp cầu sinh ngữ trên Facebook, cô Đoàn Huế, giáo viên dạy tiếng Việt tại Kharkov (Ukraine), đã đăng tải bài viết kêu gọi mở lớp học tiếng Đức miễn phí cho những Việt kiều từ Ukraine sang Đức lánh nạn. Nhóm này là tổ chức phi lợi nhuận do tiến sĩ Lê Phước Ân Điển (giảng dạy tại Viện Thánh kinh Đông phương, Mỹ) sáng lập vào tháng 6.2020, chuyên dạy tiếng Anh trực tuyến cho trẻ em nghèo ở Việt Nam.
Đội ngũ giáo viên của lớp Tiếng Đức cấp tốc |
NVCC |
Ngay sau đó, tiến sĩ Phan Hồng Đức, giảng viên Trường đại học RMIT (TP.Melbourne, Úc) - người đồng hành cùng nhóm trong năm qua, đã liên hệ với cô Đoàn Huế.
Tiến sĩ Hồng Đức, cho biết: “Sau khi nhận được bài viết “cầu cứu”, tôi nhắn tin, gọi điện, trao đổi với các giáo viên, nhóm tình nguyện viên ở khắp nơi để lên kế hoạch mở rộng một lớp tiếng Đức cuối tuần thành chuỗi lớp học 0 đồng cấp tốc”.
Tiến sĩ Hồng Đức cho hay các lớp học sẽ diễn ra mỗi ngày, vào khung giờ phù hợp cho ba nước Đức, Úc và Việt Nam để phục vụ nhu cầu cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả giáo viên và học viên.
Thế là, lớp học trực tuyến tiếng Đức 0 đồng đầu tiên đã chính thức khai giảng trên vào tối 18.3. Hiện có 3 lớp học dành cho 3 nhóm đối tượng bao gồm lớp tiếng Đức giao tiếp cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên), lớp dành cho thiếu niên (12 - 17 tuổi) và lớp dành cho thiếu nhi (dưới 12 tuổi).
Đến nay, gần 400 học viên tham gia học và số lượng người đăng ký vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày. “Chúng tôi sẽ tuyển thêm giáo viên, mở thêm nhiều lớp học ở nhiều khung giờ để việc dạy và học được tốt nhất”, tiến sĩ Hồng Đức chia sẻ. Ngoài ra, các lớp học này cũng phục vụ cho người Việt trên toàn thế giới nói chung, bất kỳ ai muốn biết thêm về tiếng Đức thì đều có thể đăng ký học miễn phí.
Buổi họp của tiến sĩ Phan Hồng Đức (người mặc áo màu cam) với đội ngũ giáo viên và tình nguyện viên của lớp học 0 đồng tiếng Đức |
NVCC |
Ấm áp tình đồng hương
Trong buổi khai giảng lớp học trực tuyến, cô Đoàn Huế đã nghẹn ngào bày tỏ lòng biết ơn đến toàn thể giáo viên và tình nguyện viên. Là một trong số những gia đình Việt Nam từ Ukraine sang Đức lánh nạn, cô Đoàn Huế cho biết: “Thoát khỏi bom đạn, sang vùng đất mới, khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ để hoà nhập cộng đồng. Do đó, mọi người cố gắng tranh thủ học càng sớm càng tốt”.
Theo cô Đoàn Huế, vào những ngày gần đây, người Việt trong các trại tị nạn đang tìm hiểu luật, chuẩn bị làm thủ tục nhập cư và học ngôn ngữ mới. Cũng là Việt kiều Ukraine sang Đức, Thùy Dung (30 tuổi) không giấu nổi sự xúc động khi biết tới lớp học tiếng Đức 0 đồng. “Cả nhà tôi từ nhỏ đến già đều là thành viên của lớp học này”, chị Dung chia sẻ trong buổi khai giảng.
Sẵn sàng dành thời gian quý báu để dạy lớp học đặc biệt
Dù lịch trình công việc dày đặc, chị Trần Thùy Giang (30 tuổi, ngụ tại Đức) đăng ký dạy tiếng Đức ngay khi đọc được bài viết “cầu cứu” và mẫu tuyển dụng của cô Hồng Đức. Cô giáo trẻ cho biết bản thân đồng cảm và muốn chia sẻ những lo lắng của đồng bào Việt tại Đức bằng cách giúp họ học ngôn ngữ mới.
Vì không có vở, nhiều học viên tại trại tị nạn phải ghi chép bài học trên túi giấy phát đồ ăn |
NVCC |
Chị Thùy Giang được sắp xếp dạy lớp thiếu niên và thiếu nhi lúc 16 giờ (theo giờ Đức). Những ngày có tiết thì cô gái trẻ phải xin công ty cho mình tan làm sớm để kịp giờ dạy. Có ngày dạy xong, cô lại tranh thủ quay lại hoàn thành công việc còn dang dở. Bận rộn như thế nhưng Giang không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại cô hạnh phúc khi thấy các học sinh hào hứng tham gia lớp học. “Tôi rất vui vì việc làm của mình đã giúp ích cho nhiều người, giúp đỡ được phần nào những gia đình người Việt trong lúc họ gặp khó khăn”, chị Giang nói.
Là giảng viên khoa Ngữ văn Đức, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cô Nguyễn Thị Thanh Bình phải đi dạy từ sáng sớm nhưng cô không ngần ngại nhận dạy lớp tiếng Đức vào 22 giờ.
“Được tham gia giảng dạy chuỗi lớp tiếng Đức 0 đồng hỗ trợ bà con người Việt từ Ukraine đến Đức, tôi rất mong các kiều bào xa xứ có thể mau chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này và sớm có thể đoàn tụ gia đình. Tôi cũng mong hòa bình sớm lập lại để không còn bất cứ ai chịu tổn thương”, cô Bình chia sẻ.
Về kế hoạch trong tương lai, tiến sĩ Phan Hồng Đức cho biết nhóm sẽ kết hợp với cộng đồng người Việt bên Đức để giới thiệu việc làm, hướng nghiệp và dạy nghề cho đồng hương đang tị nạn để họ sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, nhóm cũng đang lên kế hoạch mở thêm lớp học thứ 4, lớp này sẽ giảng dạy vào lúc 15 giờ hàng ngày.
Bình luận (0)