Tư Mã Thiên từng bị xử tội 'cung hình' (thiến), viết 'Sử ký' về 3.000 năm Trung Hoa

02/03/2021 18:00 GMT+7

Sử ký (tên gốc: 史記), công trình sử học đồ sộ của Trung Quốc và là một trong những quyển sử nổi tiếng nhất thế giới, được biên soạn bởi đại sử gia tên Tư Mã Thiên vào thời Tây Hán.

Cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên - một tác phẩm tổng hợp lịch sử đầu tiên ở Trung Quốc, ghi lại 3.000 năm từ thời Hoàng đế thần thoại đến thời nhà Hán, đồng thời là một trong những tác phẩm ưu tú của nhân loại. Do đây là một tác phẩm khó với dung lương đồ sộ nên ấn phẩm do Phan Ngọc dịch, Omega+ và NXB Thế Giới vừa ấn hành tại Việt Nam chỉ tuyển chọn dịch trọn vẹn những chương tiêu biểu nhất và lược bớt những đoạn ít quan trọng với sự góp ý của dịch giả Phan Duy Tiếp.

Cuộc đời nhiều chìm nổi của đại sử gia

Được biết tác giả Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCN) tên tự là Tử Trường. Ông sống thời thơ ấu ở Long Môn (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), cày ruộng, chăn cừu, làm bạn với những người nông dân bình thường và học các sách sử cổ. Lên 10 tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước.

Sử ký của Tư Mã Thiên vừa được Omega+ và NXB Thế Giới ấn hành, dịch trọn vẹn những chương tiêu biểu nhất và lược bớt những đoạn ít quan trọng với sự góp ý của dịch giả Phan Duy Tiếp

Ảnh: Q.Trân

Năm 20  tuổi, ông bắt đầu lên đường du hành để xem tận mắt những nơi sau này ông sẽ phải viết sử. Đến năm 108 TCN, ông thay cha làm Thái sử lệnh, rồi bị khép vào tội “coi thường nhà vua” và bị cung hình (thiến). Wikipedia ghi thông tin cụ thể về vụ việc này như sau: “Năm 99 TCN, ông bị vướng vào vụ án Lý Lăng. Lý Quảng Lợi và Lý Lăng, hai quan võ đương triều đã không hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến với Hung Nô ở miền Bắc. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực vị tướng này. Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng, đã ngầm chê Lý Quảng Lợi, anh vợ của Vũ Đế, là nhút nhát. Tư Mã Thiên bị tội tử hình, nếu không chuộc bằng tiền bạc hoặc bị cung hình (thiến). Do không đủ tiền chuộc, ông đành chọn bị thiến và bị cầm tù”. Sau này ông làm đến chức Trung thư lệnh và mất năm 60 tuổi.
Trong cuốn Sử ký nổi tiếng làm nên tên tuổi cho mình (gồm 5 phần: Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia, Liệt truyện), Tư Mã Thiên dám viết tới... 8 “thư” dành cho 8 mặt của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Trong đó, tác giả nêu rõ sự biến đổi, những cống hiến về lễ, nhạc, luật lệ, thiên văn... qua các thời đại. Điều hết sức ngạc nhiên là ông có những hiểu biết chính xác về mọi mặt và ở mặt nào ông cũng có những nhận xét tổng quát rất thấu đáo. Thiên Phong thiện thư nói về những mê tín, cúng tế của vua chúa với một giọng châm biếm chua chát. Thiên Hà cừ thư nói về các con sông đào ở Trung Quốc. Thiên Bình chuẩn thư nói về kinh tế...
Phần Thế gia của Sử ký bao gồm 30 thiên, chủ yếu nói đến lịch sử các nước chư hầu, chẳng hạn các nước Tề, Lỗ, Triệu, Sở...; những người có địa vị lớn trong giới quý tộc như các thái hậu, những người được phong một nước như Chu Công, Thiệu Công và những người có công lớn như Trương Lương, Trần Bình... Đáng chú ý nhất là tác giả xếp vào Thế gia hai thường dân không hề có một tấc đất phong. Đó là Khổng Tử, một người có địa vị đặc biệt trong lịch sử tư tưởng của Trung Quốc và Trần Thiệp, anh chàng cố nông đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa nông dân đầu tiên của lịch sử dân tộc Hán.

Một bản in cổ năm 1598 của Sử ký

Ảnh: Wikipedia

Ở phần cuối Liệt truyện có 70 thiên, bao gồm những nhân vật và những sự việc rất khác nhau. Với phần Liệt truyện dành cho những nước ngoài địa phận Trung Quốc, Tư Mã Thiên là người đầu tiên đưa vào lịch sử Trung Quốc những thông tin với tính chất những bản khái quát đúng đắn và khoa học (Nam Việt, Đông Việt, Triều Tiên, Tây Di, Đại Uyển, Hung Nô). Đặc biệt, ông đã nhìn thấy vai trò to lớn của những con người bình thường, không có chức tước gì nhưng có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với cả dân tộc.
Đối với những người yêu văn học Trung Quốc, tác phẩm Sử ký của Tư Mã Thiên đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây có cái biến ảo của Nam Hoa Kinh, có cái rạch ròi của Hàn Phi Tử, có cái hoa lệ của Tả truyện, có cái nghiêm khắc của Xuân Thu. Nhưng còn một điểm nữa mà văn học từ thời Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức bám chắc vào sự thực, không rời cuộc sống dù chỉ nửa bước. Có thể nói, với Sử ký, Tư Mã Thiên để lại cho thế hệ hậu sinh những tư tưởng lớn, dù cuộc đời ông cũng đã có lúc quá bẽ bàng khi bị xử hình phạt cung hình thật đau đớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.