Tư tưởng giáo dục bắt buộc xuất hiện rất sớm ở nước ta, từ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đến Hiến pháp những năm 1959, 1980. Hiến pháp năm 2013 quy định phổ cập giáo dục THCS, đồng thời Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra mục tiêu: "Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc (GDBB) 9 năm sau năm 2020".
GDBB 9 năm, miễn học phí là một chính sách nhân văn, phù hợp với xu hướng giáo dục của thế giới. Tuy nhiên, do điều kiện KT-XH của Việt Nam mà đến nay mới thực hiện GDBB 5 năm.
Thực hiện luật Giáo dục 2019, Nghị định 81/2021 ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, quy định: Tất cả học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (hưởng từ ngày 1.9.2025).
Như vậy, lộ trình thực hiện GDBB, giáo dục phổ cập và miễn giảm học phí đối với các cấp học nói chung và đối với cấp THCS nói riêng, đã được nhà nước quy định một cách cụ thể. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp trong giai đoạn 2020 - 2022, nên Chính phủ chủ trương miễn học phí sớm hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương tiên phong trong miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục phổ thông. Cụ thể, đến năm học 2022 - 2023, có 7 địa phương thực hiện miễn học phí gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Kạn, Cần Thơ, Quảng Bình.
Riêng TP.HCM, với đặc điểm là dân cư đông, địa bàn rộng, số người nhập cư lớn nhất cả nước, khoảng cách chênh lệch vùng miền, giàu - nghèo, mặc dù có giảm, nhưng vẫn còn rất lớn; cơ hội học tập của con em lao động nghèo, lao động nhập cư vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ học phí: Năm học 2021 - 2022, hỗ trợ 100% mức học phí công lập, với tổng kinh phí 604,5 tỉ đồng; Năm học 2022 - 2023, hỗ trợ phần chênh lệch do điều chỉnh mức học phí, với tổng kinh phí 604,5 tỉ đồng; Năm học 2023 - 2024, hỗ trợ phần chênh lệch do điều chỉnh mức học phí đối với mầm non, THPT và 100% học phí đối với THCS với tổng kinh phí 1.847 tỉ đồng. Trong đó, miễn học phí 100% cho học sinh THCS (công và tư) là 1.108 tỉ đồng. Đây là một chính sách đúng đắn, kịp thời, công bằng giữa công và tư, phù hợp với đặc thù của địa phương đông dân nhất cả nước.
Đừng nghĩ rằng chỉ vài chục ngàn đồng học phí mỗi tháng là quá nhỏ, nhưng đối với con em lao động nghèo là một khoản chi phí lớn, vì các em không chỉ đóng học phí mà còn nhiều chi phí khác.
Và nếu các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện được miễn học phí hoàn toàn cấp THCS thì sẽ có điều kiện để thực hiện GDBB 9 năm, như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra mà hơn 10 năm qua chưa thực hiện được. Điều này đảm bảo rằng, mọi người dân Việt Nam đạt được trình độ tối thiểu là giáo dục cơ bản (9 năm) như nhiều nước trên thế giới đã làm. Từ đó, người học tiếp cận với giáo dục trung học, giáo dục nghề nghiệp, đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
Như vậy, miễn học phí THCS là điều kiện cần cơ bản nhất cho GDBB. Để thực hiện GDBB 9 năm, cần thiết phải sửa luật Giáo dục 2019 hoặc Quốc hội phải ban hành nghị quyết về vấn đề này. Đồng thời, để chính sách miễn học phí này có hiệu quả thiết thực, cần thiết phải đi liền với chính sách chống lạm thu ở nhà trường; nếu không, miễn học phí hoàn toàn không có ý nghĩa.
Bình luận (0)