Từ một cao điểm, nhìn ra biển...

19/06/2023 13:37 GMT+7

Với 3 chữ Hán "vọng hải đài" (望海臺) khắc trên tảng đá sa thạch đặt ở ngọn Thủy sơn thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), tiền nhân đã xác lập "ký hiệu" về tư duy đại dương của người miền Trung.

TƯ DUY "ĐĂNG CAO VỌNG VIỄN"

"Khi tảng đá sa thạch trên Ngũ Hành Sơn được vua Minh Mạng cho khắc vào 3 chữ "vọng hải đài" thì đó không còn là một tảng đá nữa mà đã trở thành một loại tư duy - tư duy đại dương của người Đà Nẵng. Và không chỉ nhìn ra biển bằng tư duy đại dương đăng cao vọng viễn, người Đà Nẵng còn từng bước hình thành nền văn hóa biển". Nhận định này được nhà nghiên cứu Phạm Thị Tú Trinh nêu ra để minh chứng cho luận đề "tính sông nước trong văn hóa truyền thống Đà Nẵng", xét trong tri thức dân gian. Bởi theo nhà nghiên cứu Phạm Thị Tú Trinh, văn hóa biển đã thâm nhập vào người Đà Nẵng và trở thành vốn tri thức dân gian vô cùng độc đáo.

Từ một cao điểm, nhìn ra biển... - Ảnh 1.

Cụm danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao

H.X.H

Tôi đọc được những dòng này trong công trình Đà Nẵng - Miền Trung, những vấn đề lịch sử - văn hóa (NXB Văn hóa văn nghệ, 2017). "Đăng cao vọng viễn", tức lên cao nhìn xa. Lâu nay, lữ khách dạo chơi Ngũ Hành Sơn khi đến ngọn Thủy sơn cứ theo lối cũ mà đi, mà ngắm. Từ bên ngoài cổng tam quan chùa Tam Thai, khách theo đường rẽ khoảng 50 mét và leo một đoạn dốc là thấy nhà bia khắc chìm 3 chữ Hán "Vọng giang đài". Bia này quay mặt vào sông Cổ Cò… Ở hướng ngược lại, quay mặt ra Biển Đông, nhà bia "Vọng hải đài" dựng bên phải chùa Linh Ứng cũng với lối kiến trúc tương tự, 4 trụ, trên lợp ngói âm dương. Cả hai tấm bia cũng được dựng và khắc vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837).

Vọng hải đài, tức đài ngắm biển, nằm phía sườn đông của đỉnh Hạ Thai (một trong 3 đỉnh thuộc núi Tam Thai), chu vi rộng chỉ chừng 7 mét. Tấm bia cổ sa thạch (đá Trà Kiệu) đặt ở giữa, cao khoảng 2 mét, rộng 1 mét, dựng trên một đế đá lớn. Lâu nay, khách du ngoạn khi đứng ở đây sẽ thỏa sức phóng tầm mắt về vùng trời biển bao la phía đông, nhìn thấy khơi xa Cù Lao Chàm, thấy cả bán đảo Sơn Trà ở phía bắc, bên dưới là bãi cát mịn, dài…

Khi đến Thuận Hóa theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu sau đó vào Hội An, có dừng thuyền để lên chơi núi Tam Thai hồi tháng 8.1695, dĩ nhiên hòa thượng Thích Đại Sán (Trung Quốc) không hề bắt gặp "ký hiệu về tư duy đại dương" từ "Vọng hải đài", vì phải ngót 140 năm sau đó tấm bia ấy mới được vua Minh Mạng cho khắc dựng trên Ngũ Hành Sơn. Nhưng lần theo ghi chép trong Hải ngoại kỷ sự, rất có thể hòa thượng Thích Đại Sán đã từng ngang qua nơi đặt bia Vọng hải đài sau này. "... Đến sườn núi có hai viên đá dựng đứng như trụ cửa. Đứng trong cửa trông ra, mênh mông biển cả, gió lùa vào quá mạnh...", hòa thượng Thích Đại Sán mô tả trong Hải ngoại kỷ sự, đoạn thăm núi Tam Thai. Trong bài thơ vịnh núi Tam Thai thứ 2 chép liền sau đó, hòa thượng Thích Đại Sán cũng có mấy câu phóng bút (trích): "Mắt ngắm biển khơi xanh thẳm thẳm/ Chân giày dặm cát trắng phao phao".

Từ một cao điểm, nhìn ra biển... - Ảnh 2.

“Vọng hải đài” trên không gian mạng

Bản đồ du lịch số Đà Nẵng

CAO ĐIỂM ONLINE

Trong biên khảo Lịch sử Đà Nẵng 1306 - 1975, nhà nghiên cứu Võ Văn Dật cho phóng lớn tấm bản đồ do Le Floche de la Carrière vẽ năm 1787, với ghi chú: "Bản đồ chi tiết con đường nước nối liền Đà Nẵng và Hội An ngày xưa". Trên tấm bản đồ ấy, sông Cổ Cò nối cửa Hàn và Hội An được đánh số 4. Chính "con đường nước" này từng có đoàn thuyền chở hòa thượng Thích Đại Sán ngang qua rồi dừng lại để ông lên chơi núi Tam Thai, và có khác biệt lớn sau hơn 3 thế kỷ. Sông mắc cạn ở nhiều đoạn, đang chờ nạo vét khơi thông. Nhưng tấm bia "Vọng giang đài" dựng trên núi gần 190 năm nay thì vẫn quay về hướng sông, để nhắc nhớ rằng tiền nhân từng lên đài ấy để chiêm ngắm cảnh sắc.

Ở hướng ngược lại, quay nhìn ra Biển Đông, "Vọng hải đài" cũng vẹn nguyên. Và hơn thế, theo thời gian, tấm bia đá đã hóa thành một ký hiệu - ký hiệu của tư duy đại dương. Thậm chí giờ đây lữ khách có thể "leo" lên đài ngắm biển, đài ngắm sông chỉ bằng những cú... click chuột. "Bản đồ du lịch số" do Bảo tàng Đà Nẵng thiết lập tại địa chỉ bandodisandanang.vn đã dành hẳn "đất" cho 2 di tích quốc gia đặc biệt của Đà Nẵng: danh thắng Ngũ Hành Sơn và thành Điện Hải. Click vào xem chi tiết danh thắng Ngũ Hành Sơn, "lữ khách online" có gần 2 phút để xem những thông tin giới thiệu kèm hình ảnh về danh thắng, trước khi lần theo dấu mũi tên "đi tiếp", "quay lại", xoay 360 độ… để vào sâu các hang động, hay theo đường núi quanh co lên đài nhìn sông, nhìn biển.

Tầm nhìn đại dương không chỉ neo vào đâu đó ở di tích hiện hữu, trong sử liệu mà còn vượt lên trên không gian mạng. Hồi đầu tháng 3 năm nay, hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách núi) Ngũ Hành Sơn chính thức đón bằng công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dịp ấy, đại diện Bảo tàng Đà Nẵng tiết lộ đang số hóa hệ thống ma nhai ấy để đưa vào "Bản đồ du lịch số", càng gợi trí tò mò và biết đâu tư duy biển của "Vọng hải đài online" sẽ theo chân lữ khách bốn phương đi xa hơn.

Nhớ xưa, thi sĩ Phạm Hầu cũng từng tràn trề thi hứng trong giây phút dừng chân "Vọng hải đài" này. Hai câu cuối trong bài thơ dài 16 câu của ông quá đỗi quen thuộc với người yêu thơ: "Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Nào biết xa lòng có những ai".

Vẫy ngoài vô tận, từ cao điểm ven bờ biển miền Trung, nghe tha thiết như một lời mời gọi... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.