Ai cũng biết, vào thời điểm ấy, đất nước chúng ta vừa trải qua những chia cắt, loạn lạc, binh đao, phản bội... là thời điểm vô cùng khó khăn, thậm chí bi đát. Vậy mà khi quân xâm lược nhà Thanh nhân cơ hội tràn qua biên giới, tràn tới Thăng Long, Nguyễn Huệ đã bình tĩnh lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, để trên thuận ý Trời (thuận Thiên), dưới hợp lòng Dân (hợp Nhân), trước khi hứa với muôn dân sẽ quét sạch quân xâm lược trong một khoảng thời gian ngắn, kịp hội quân về ăn tết giải phóng ở Thăng Long. Ở đây, thiên tài của Nguyễn Huệ là ngòi nổ đã tra vào khối thuốc nổ mãnh liệt của lòng dân yêu nước căm thù quân xâm lược, là lời kêu gọi nhất thống sơn hà như một ý nguyện từ ngàn đời của dân tộc Việt. Lòng yêu nước và ý chí thống nhất đất nước của dân tộc Việt là hai điều mà bất cứ kẻ nào xâm lăng Việt Nam cũng cần phải biết. Biết để dè chừng. Biết để khi phải ôm đầu máu rút chạy khỏi dải đất hình chữ S này, còn có thể ngẫm ra được nhiều điều.
224 năm qua là một thời gian đủ dài cho bao thăng trầm của đất nước chúng ta, cũng là thời gian đủ dài để tất cả những kẻ xâm lược Việt Nam tự rút ra bài học cho mình. Cũng đủ dài cho những kẻ phản bội Tổ quốc Việt Nam, những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” phải trả giá và tự sám hối.
Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam từ trước tới nay đều rất sáng rõ. Ngay trong những “khoảng tối” mang tính bi thảm của lịch sử, thì lòng yêu nước và ý chí chống xâm lược vẫn rực sáng lên như lửa.
Kể từ 224 năm qua, yêu nước - thương dân vẫn tiếp tục là hai hằng số cho bất cứ bài toán thắng lợi nào. Chỉ có Nước và Dân, chỉ có Dân và Nước là khiến được bao thế hệ người Việt chấp nhận hy sinh, như lời một bài hát bất hủ từ kháng chiến chống Pháp: “Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hy sinh/Anh em ơi vì nhân dân quên mình”. Chân lý thường cụ thể và giản dị như thế nhưng nếu người ta đi chệch chân lý này, hay coi thường chân lý này để theo đuổi những mục đích vị kỷ khác, ấy là khi đất nước nguy nan.
Kẻ thù của chúng ta hôm nay đang âm thầm phát động đồng loạt những cuộc “chiến tranh mềm” thâm hiểm nhằm vào Việt Nam, nhằm vào từng con người Việt, từng thế hệ người Việt. Ngày xưa mất nỏ thần là mất nước, ngày nay ăn phải những độc chất ngấm ngầm cũng sẽ dẫn tới tiêu vong.
Yêu nước bây giờ gắn với ý thức biết tự bảo vệ mình khỏi những độc chất đầy cám dỗ, những cạm bẫy được ngụy trang bằng tất cả sự mỹ miều. Yêu nước bây giờ là tỉnh táo đến tận cùng để tránh những nguy cơ lộ diện và nguy cơ tiềm ẩn. Trong những nguy cơ ấy, có nguy cơ tự làm hèn yếu mình trước những cám dỗ hay đe dọa đầy ma quái của kẻ thù. Sự tỉnh táo, bình tĩnh để nhận định, phân tích tình hình trước khi đi tới những quyết định lớn sáng suốt mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã thể hiện chói sáng từ 224 năm trước vẫn luôn là bài học cập nhật cho chúng ta hôm nay.
Thanh Thảo
>> Chữ tâm của hoàng đế Quang Trung
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 2: Giả vương của vua Quang Trung
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 4: Cung Đan Dương là lăng vua Quang Trung?
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn - Kỳ 5: Ẩn số lăng mộ vua Quang Trung
Bình luận (0)