Từ một ngã năm ngoại ô

21/09/2019 07:28 GMT+7

Hơn 20 năm đi về, với tôi dường như phần nào thấu cảm được hơi thở của nhiều giai đoạn lịch sử phát triển của vùng đất này.

Là một trong 5 giao lộ đông đúc sầm uất, ngã năm Chuồng Chó, là tên người Sài Gòn thường gọi trước đây, sau khi mở thêm một ngã rẽ, thành ra nay có tên là ngã sáu Gò Vấp (thuộc P.3, Q.Gò Vấp) đã trở thành một địa danh quen thuộc.
Hơn 20 năm đi về, với tôi dường như phần nào thấu cảm được hơi thở của nhiều giai đoạn lịch sử phát triển của vùng đất này.

Xuyên qua làng hoa...

Nếu nói ranh giới của Gò Vấp để phân định địa giới hành chính về phía đông và đông - nam của Sài Gòn, là hai quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, thì phải bắt đầu từ ngã ba Chú Ía (tức giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Nguyễn Kiệm ngày nay). Nhưng để định danh cho sự phát triển về phía tây bắc tính từ phía Gò Vấp, thì phải kể đến sự bắt đầu từ ngã sáu Gò Vấp, đó là các con đường Quang Trung và Nguyễn Oanh đi về hướng Q.12 và H.Hóc Môn. Chính vì vị trí quan trọng nối giao với cả phía đông nam và tây bắc như vậy, nên ngã sáu Gò Vấp hẳn nhiên phải chịu một áp lực giao thông rất lớn, nhưng đi cùng với đó, chính là động lực để bắt buộc phải phát triển.
Kể từ những năm đầu về định cư ở vùng đất mà tôi vẫn thường gọi một cách “tự trào” với bạn bè là “Sài Gòn ngoại ô”, hằng ngày đi làm vẫn thường thấy các chủ chuồng cho người dắt ngựa rèn luyện trên đường mỗi sáng. Dọc theo đường Quang Trung, nơi hiện nay đặt “bản doanh” hành chính của Q.Gò Vấp, lúc ấy xe cộ vẫn còn thưa thớt. Và cái giao lộ quan trọng như đã kể thì vẫn được người dân bản địa sống nhiều đời ở đây gọi là ngã năm Chuồng Chó.
Sở dĩ có cái tên như vậy vì giữa thế kỷ 20, người Pháp chọn một vị trí ở xa trung tâm và khá vắng vẻ, đặt một trại “quân khuyển” để huấn luyện các loại chó nhằm mục đích phục vụ trong chiến tranh cho toàn khu vực Đông Dương. Sau đó, quân đội của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng sử dụng khu vực trại cũ này để làm căn cứ huấn luyện chó nghiệp vụ. Nhiều vị cao niên ở gần khu vực này kể rằng ngày ấy vẫn thường xuyên nghe tiếng chó sủa hằng đêm. Những chú chó to lớn thường hay lồng lộn khi bị nhốt và mỗi sáng chiều được các chú lính dắt đi dạo hay huấn luyện. Cái tên ngã năm Chuồng Chó ra đời từ dạo đó, mãi cho đến năm 1994, lúc trại “quân khuyển” này bị xóa sổ!
Từ một ngã năm ngoại ô1

Sản phẩm của xóm lư đồng

ẢNH: T.T.B

Chạy dài theo con đường Quang Trung được xem là “huyết mạch” của Gò Vấp, là đến một vùng đất xưa vẫn gọi tên Làng hoa. Nơi đây, từ nhiều thế kỷ trước, lưu dân từ nhiều vùng khác nhau tụ họp và sinh kế chủ yếu bằng nghề trồng hoa để cung ứng cho cả miền đất Sài Gòn - Gia Định. Mỗi ngày, tầm rạng sáng các ngả đường từ phía Hóc Môn băng qua Gò Vấp nghe lọc cọc tiếng gõ móng của những chuyến xe thổ mộ chở hoa vào phố. Hoa được chuyên chở trên những chuyến xe ngựa sớm ấy đã thành một ký ức đẹp.
Theo ông Trần Thế Hùng (Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Q.Gò Vấp) là người dân cố cựu ở đây, và hiểu rất rõ về quá trình hình thành của nghề trồng hoa ở Gò Vấp, thì “hồi xưa làng hoa rất lớn, có diện tích đến gần 500 ha, dịp gần tết hoa nở miên man nhìn ngút tầm mắt không hết, nhưng nay chỉ còn tổng cộng khoảng 20 ha với những khu vườn xen lẫn phố xá. Bây giờ, mỗi hộ trồng hoa chỉ còn chuyên canh trên diện tích khoảng từ một đến vài ngàn mét vuông. Mà cũng cơ bản là trồng và chăm cây kiểng, vì giá trị của chúng lớn hơn nhiều, diện tích cần để canh tác lại ít. “Khác với hồi xưa, chỉ riêng 3 xã Thông Tây Hội, An Nhơn và Hạnh Thông Tây thuộc Gò Vấp vào thời điểm trước 1975, đã cung ứng 70% hoa tết cho vùng Sài Gòn - Gia Định”, ông Hùng nhớ lại.
Từ một ngã năm ngoại ô2

Một góc vườn kiểng ở Gò Vấp

... Và nghe nhịp thở phố

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, khi dòng người nhập cư chọn đến định cư (hoặc tạm cư) ở TP.HCM ngày càng đông, thì nhịp điệu sôi động của cuộc sống ấy cũng tràn đến “quận chữ” ngoại ô này, là một trong 11 quận huyện có tên là chữ (gồm Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi). Không chỉ là một quận đông dân, mà Gò Vấp còn được mệnh danh là “quận mua sắm sầm uất” của TP.HCM. Trên hai con đường huyết mạch Quang Trung và Phan Văn Trị, đã xuất hiện những trung tâm thương mại nổi tiếng, với quy mô hoành tráng tọa lạc trên những khu đất thênh thang, đó là các trung tâm bán lẻ Vincom Plaza (Tập đoàn Vingroup của VN, và Emart (thuộc Tập đoàn Emart của Hàn Quốc). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong quy mô của một quận, Vingroup đầu tư đến 2 trung tâm thương mại lớn nằm trên 2 trục đường chính với sức thu hút khách hàng mỗi ngày khá lớn.
Ngược dòng thời gian một chút, khi tôi về ở đây, con đường Quang Trung nối từ ngã sáu Gò Vấp chạy về phía làng hoa vẫn là con đường rải đá cấp phối, với lèo tèo một số quán ăn và những cửa hiệu tạp hóa nằm cách quãng. Nay tính từ điểm xuất phát con đường cho đến cuối, đã xuất hiện rất nhiều siêu thị là Big C, Vincom, Co.opmart; hàng điện tử thì có Nguyễn Kim, Thiên Hòa, điện máy Xanh... và vô số các siêu thị mini. Bởi vậy, nhiều người đã nói rằng, nếu như không tính ở khu vực các quận trung tâm đã hình thành từ lâu, thì Gò Vấp hiện tại là nơi hội tụ bức tranh tổng thể của thị trường bán lẻ VN!
Nhưng nói về một vùng vốn trước đây là ngoại ô này, thì ngoài trồng hoa và nuôi ngựa, không thể không nhắc đến một xóm ngày trước khá nổi tiếng với nghề làm lư đồng, được người dân gọi thân thiết là Xóm Lò Lư (nay thuộc P.12, Q.Gò Vấp). Trước năm 1975, xóm quy tụ khoảng hơn 50 hộ gia đình chuyên sản xuất lư đồng. Mỗi dịp xuân về, thương buôn từ miệt châu thổ sông Cửu Long lại lên đây đóng hàng. Hàng trăm bộ lư đồng từ đây về với bàn thờ nhiều gia đình được đặt trang trọng để cúng gia tiên. Còn nay, chỉ còn khoảng gần 10 hộ làm nghề này, để sinh nhai đồng thời cũng giữ lại một truyền thống xa xưa cha ông để lại, đã trải qua gần 100 năm nay.
Để rồi mỗi ngày, qua những con phố nhỏ cuối con đường Quang Trung, những bếp lửa đúc đồng của các nghệ nhân lại cháy lên, như một lời nhắn gửi gìn giữ những giá trị của tiền nhân, trong guồng quay nhịp điệu sống và phát triển của phố phường ngày hôm nay!
Theo tư liệu của TP.HCM, Gò Vấp là 1 trong 3 quận có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh nhất của thành phố, và tổng số nhân khẩu hiện nay đứng thứ hai, sau Q.Bình Tân. Chính vì vậy, tốc độ đô thị hóa của vùng đất này tỷ lệ thuận với áp lực dân số. Nếu như vào năm đầu tiên khi nước nhà thống nhất, Gò Vấp chỉ có 144.000 dân, thì nay con số ấy đã lên đến trên 600.000 người (theo thống kê của Cục Thống kê TP.HCM năm 2019). Nhưng một liên tưởng khá thú vị là kể từ năm 2000, khi mới bước vào thế kỷ mới, cũng là năm tôi về định cư ở đây, thì dân số Gò Vấp cũng chỉ 230.000 người. Sau gần 20 năm, con số này đã tăng lên gần gấp ba!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.