Từ năm 2021-2024: Sẽ có hai lần đổi mới kỳ thi THPT?

23/07/2019 07:32 GMT+7

Theo thông tin mới nhất của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ dừng vào năm 2020 và được cải tiến vào năm 2021. Năm 2024 sẽ tiếp tục thay đổi.

Thêm 1 lần đổi mới trước khi “thay sách” đến lớp 12

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác khoa giáo của Đảng 6 tháng đầu năm 2019 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi THPT sẽ ổn định tới năm 2020 theo lộ trình. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ có lộ trình mới để cải tiến kỳ thi cho tốt và nhẹ nhàng hơn.
“Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ công bố lộ trình thi 2021 - 2024 trước khi đổi mới sách giáo khoa (từ năm 2021) để từng bước có kế hoạch thực hiện tốt”, ông Nhạ cho hay.
Như vậy, sẽ có một lần đổi mới thi từ năm 2021 đến khi có “lứa” học sinh (HS) lớp 12 đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới ra trường (theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì năm học 2024 - 2025 việc “thay sách” sẽ diễn ra đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12).
Tháng 10.2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là ông Bùi Văn Ga, đã ký văn bản gửi các sở GD-ĐT và các cơ sở đào tạo khẳng định trong các năm 2018, 2019 và 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính. Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ chủ động chuẩn bị phương án tuyển sinh phù hợp với lộ trình thực hiện kỳ thi THPT quốc gia nêu trên.

Thí sinh có thi trên máy tính ?

Nếu theo đúng tinh thần của công văn nêu trên thì có hai vấn đề đặt ra từ năm 2021: Đó là việc Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo phải chủ động chuẩn bị phương án tuyển sinh. Thứ hai, văn bản năm 2017 của Bộ GD-ĐT nêu: “Nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính”. Rõ ràng, để triển khai định hướng tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính từ năm 2021, sẽ cần có một loạt hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, phần mềm quản lý, phần mềm chấm thi trên máy tính… của Bộ GD-ĐT tại nhiều khu vực để tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính.
Mặc dù vậy, việc đổi mới thi cử từ năm 2021 đến nay vẫn chưa có dự thảo và sự chuẩn bị nào. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ mong muốn khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới thì cũng công bố cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử... khi áp dụng chương trình này. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng chia sẻ việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy chỉ thành công khi có sự đổi mới đồng bộ về thi cử, đánh giá.

Sẽ trở về mục tiêu của kỳ thi là để tốt nghiệp ?

Cuối tháng 7.2018, tại cuộc họp lắng nghe góp ý của các chuyên gia và đại diện các tầng lớp khác nhau trong xã hội về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì, ý kiến của các chuyên gia đều tập trung vào việc phải xác định lại tính chất của kỳ thi này cho đúng. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Chúng ta vẫn quen gọi đây là kỳ thi “2 trong 1” và trên thực tế thì việc ra đề thi cũng là để phục vụ hai mục tiêu. Chính vì hai mục tiêu đó nên nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, vì mục tiêu vào ĐH nên dễ xảy ra gian lận, tiêu cực. Do vậy, nên xác định mục tiêu này cho đúng là thi để xét tốt nghiệp THPT. Còn các trường ĐH thì có quyền sử dụng kết quả của kỳ thi này hoặc sử dụng kết quả đó và bổ sung các hình thức đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.
Theo thông tin của Thanh Niên, Bộ GD-ĐT cũng đang hướng tới việc sẽ “trả lại tên” cho kỳ thi này về mục tiêu là kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi sẽ bám sát chuẩn đầu ra của chương trình THPT và phục vụ mục tiêu duy nhất là xét tốt nghiệp, buộc các trường ĐH, CĐ phải có phương án cho việc tuyển sinh, theo tinh thần tự chủ của luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ 1.7.2019).
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đề nghị nghiên cứu của Bộ GD-ĐT về đổi mới thi cần được làm rõ để khẳng định được việc của ai thì người đó làm. Để công nhận tốt nghiệp thì trách nhiệm của địa phương, Sở GD-ĐT phải làm. Còn việc tuyển sinh là việc của ĐH thì trường ĐH phải làm. “Hiện nay với kỳ thi có hai mục đích, chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều, gây áp lực kinh khủng”, ông Trần Trung Dũng nói.
Đề xuất 2 phương án thay đổi sau năm 2024
Cuối tháng 4.2019, nhóm nghiên cứu của Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục do PGS Nguyễn Phương Nga làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” đã đề xuất 2 phương án đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho VN. Đây là đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia 2016 - 2020 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm chủ nhiệm.
Phương án 1: Các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những HS đã học xong chương trình THPT và đạt các điều kiện của Bộ GD-ĐT. HS đã có giấy chứng nhận sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của sở GD-ĐT. Kỳ thi THPT được tổ chức 2 - 3 lần/năm, do sở GD-ĐT tổ chức; thí sinh được chọn thời điểm thi.
Phương án 2: Các trường THPT tổ chức thi tại chỗ cho những HS đã học xong chương trình THPT, theo các đề thi do trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT thiết kế. Thời điểm thi do trường bố trí. HS đạt điểm theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình và sẽ được đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp của sở GD-ĐT.
Cả hai phương án, kỳ thi được tổ chức tại các trung tâm khảo thí đặt tại các tỉnh, thành. Thí sinh chỉ phải thi 3 môn bắt buộc: toán, ngữ văn và ngoại ngữ nằm trong chương trình lớp 12.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.