Từ Naomi Osaka đến Simone Biles, khi dũng cảm trở thành ích kỷ

30/07/2021 10:22 GMT+7

Một số người đã đề xuất từ điển thêm phần ‘ích kỷ khiến các đồng đội của bạn thất vọng’ để định nghĩa từ ‘dũng cảm’ sau hành động của ngôi sao thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles tại Olympic Tokyo 2020.

Tại Trung tâm Thể dục Ariake, bụi phấn vừa mới lắng xuống sau màn dự thi của siêu sao người Mỹ Simone Biles ở phần thi nhảy ngựa tại vòng chung kết nội dung đồng đội nữ môn TDDC. Máy quay bên trong hậu trường đã vô tình bắt gặp cảnh siêu sao người Mỹ đang nói chuyện với HLV của mình sau phần thi cực kỳ đáng thất vọng.
Thực hiện không thành công kỹ thuật khó Amanar trong phần thi nhảy ngựa, Biles chỉ giành được 13,766 điểm, ít hơn các đồng đội 0,540 điểm và kém ít nhất 0,700 điểm so với các VĐV Nga.

Simone Biles đưa ra quyết định bỏ cuộc khiến đoàn Mỹ mất chiếc HCV

Reuters

Sau một lúc im lặng và một vài tiếng lẩm bẩm, gương mặt Biles lộ rõ vẻ thất vọng và cô đã kiên quyết đưa ra quyết định bỏ cuộc. Hành động rút lui của Biles và bỏ rơi đồng đội của cô khiến Mỹ mất tấm HCV vì khi đó Nga chiếm ưu thế hoàn toàn khi có lợi thế thi đấu nhiều hơn một người.
Đội Mỹ chỉ giành được HCB đồng thời tinh thần toàn đội cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lý do “cảm thấy không ổn” của một cá nhân. Mặc dù Liên đoàn TDDC Mỹ đã thông báo rằng việc rút lui của Biles liên quan đến “vấn đề y tế” thế nhưng siêu sao 24 tuổi đã bác bỏ tuyên bố đó bằng những lời bào chữa đầy từ ngữ và những lời giải thích trống rỗng sau đó.

Simone Biles gặp phải làn sóng phản đối của truyền thông và người hâm mộ sau hành động của mình

Reuters

“Tôi không muốn tham gia vào bất kỳ sự kiện nào mà tự mình phải đoán già đoán non. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu tôi lùi lại một bước và để những cô gái này ra ngoài đó và làm công việc của họ”, Biles tiết lộ với một phương tiện truyền thông bằng một câu nói sáo rỗng.
Gần như ngay lập tức, lời bào chữa của Biles đã vấp phải một làn sóng phẫn nộ gay gắt của truyền thông và người hâm mộ. Thậm chí họ còn châm biếm Biles bằng cách yêu cầu định nghĩa lại từ “dũng cảm” trong trường hợp này. Lý do mà Biles đưa ra là do cô đã chịu đựng các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tinh thần khi bị công kích dữ dội.

Tay vợt Naomi Osaka cũng từng được coi là "dũng cảm"

Reuters

Cách đây không lâu, ngôi sao quần vợt Naomi Osaka cũng dùng lý do tương tự để giải thích cho việc không thực hiện các nhiệm vụ truyền thông bắt buộc tại Pháp mở rộng 2021, để rồi sau đó cô cũng rút lui khỏi giải đấu. Tuy nhiên, tay vợt từng 4 lần vô địch Grand Slam lại tập trung sức mạnh tinh thần để xuất hiện trên trang bìa của tạp chí áo tắm Sports Illustrated, một tạp chí được coi là hot nhất hành tinh.
Biles chắc chắn là một người phụ nữ có khí phách. Ngoài vô số huy chương đã đạt được, cô và các VĐV TDDC khác của Mỹ đã mạnh dạn đứng lên sau khi bị lạm dụng tình dục bởi bác sĩ cũ Larry Nassar và cung cấp lời khai khiến kẻ ấu dâm phải ngồi tù chung thân, bản thân Biles cũng nhận được giải thưởng “Dũng cảm Arthur Ashe” vì việc làm này. Tuy nhiên, hành động bỏ rơi đồng đội khi bản thân mình là người đã gây nên lỗi lầm là hành động của một kẻ hèn nhát.

Đội Mỹ chỉ đoạt được chiếc HCB nội dung đồng đội nữ môn TDDC

Reuters

Trong một thế giới mà bất kỳ từ ngữ nào cũng có thể bị bóp méo về ý nghĩa thì ý nghĩa thực sự của từ “dũng cảm” và “các vấn đề sức khỏe tinh thần” phải được bảo tồn, chứ không nên dùng nó để bào chữa cho sự yếu đuối và bất lực của mình được. Là những ngôi sao có sức ảnh hưởng đến toàn thế giới, hơn ai hết, Naomi Osaka và Simone Biles cần phải thấm nhuần những điều này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.