Những điểm nổi bật khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Áo, Ý và Vatican từ ngày 23 - 28.7 đã góp phần chứng minh cho thành tựu ngoại giao Việt Nam.
Từ ẩm thực, văn hóa
Ravioli In Carta Di Riso "Nem ran Luglio" - Ravioli bánh tráng "nem rán tháng bảy" là món ăn đầu tiên trong Quốc yến diễn ra tại Phủ Tổng thống Ý ở thủ đô Rome vào tối 26.7 (theo giờ địa phương). Quốc yến do Tổng thống Ý Sergio Mattarella và con gái chủ trì để chiêu đãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
"Nem rán tháng bảy" được chế biến bằng vỏ bánh tráng do Đại sứ quán Việt Nam tại Ý cung cấp và phần nhân của món Ravioli - một loại pasta bên trong có nhân. Để có được món ăn này, đầu bếp Đinh Thị Huế đã phải chuẩn bị suốt 2 tháng trời cùng đội ngũ đầu bếp của Phủ Tổng thống Ý. Đầu bếp Đinh Thị Huế là một người Việt đang sống tại Ý và là á quân cuộc thi Vua đầu bếp Ý (MasterChef Italia 2023).
Không chỉ là 2 tháng chuẩn bị của á quân Vua đầu bếp Ý 2023, mà như lời chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Ý Dương Hải Hưng bên lề Quốc yến, thì sự hiện diện của "nem rán tháng bảy" trong thực đơn Quốc yến lần này còn là sự đề cao của các đầu bếp của Phủ Tổng thống Ý đối với ẩm thực Việt Nam.
Chia sẻ khi trả lời Thanh Niên hồi tháng 3, đầu bếp Đinh Thị Huế từng tiết lộ về hành trình chinh phục ban giám khảo của cuộc thi Vua đầu bếp Ý 2023: "Lúc nào mình cũng cố gắng kể câu chuyện về ẩm thực Việt Nam, cho tới tận thực đơn ở vòng chung kết".
Chính vì thế, "nem rán tháng bảy" trong thực đơn Quốc yến vừa qua tại Ý trở thành minh chứng mới nhất cho việc ẩm thực Việt Nam, một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam được kiến tạo qua quá trình lịch sử lâu dài, đang từng bước chinh phục thế giới.
Không chỉ ẩm thực, đoàn nghệ nghệ sĩ Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã để lại dấu ấn mạnh mẽ khi biểu diễn tại Áo, Ý trong khuôn khổ chuyến thăm lần này. Đoàn nghệ sĩ gồm có những tên tuổi tiêu biểu như NSƯT Bùi Công Duy, dàn nhạc thính phòng Hà Nội, nhạc trưởng Trần Nhật Minh chỉ huy, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ opera Phạm Khánh Ngọc, nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh, NSƯT Lệ Giang (đàn bầu), NSƯT Hoa Đăng (đàn T'rưng)…
Những tên tuổi trên đã đem đến các tiết mục không chỉ làm say đắm người thưởng thức, mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam. Cùng tham dự với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân chương trình hòa nhạc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ý diễn ra ở Rome vào tối 26.7 (theo giờ địa phương), Tổng thống Sergio Mattarella đã ấn tượng sâu sắc về những nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Sự đề cao ẩm thực, nghệ thuật Việt Nam tại Ý càng có ý nghĩa hơn khi đất nước này được xem là một trong những cái nôi của văn hóa châu Âu.
Đến dấu ấn khoa học
Nếu đầu bếp Đinh Thị Huế chinh phục người Ý bằng tài năng qua cách thể hiện ẩm thực Việt Nam, thì tiến sĩ vật lý Nguyễn Duy Hà (người Việt đang sống tại Áo) chinh phục cộng đồng khoa học Áo lẫn châu Âu bằng những thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vật lý lượng tử tại châu Âu và thế giới.
Thăm gia đình tiến sĩ Nguyễn Duy Hà vào chiều 24.7 nhân chuyến thăm Áo, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng những trí thức như gia đình tiến sĩ Nguyễn Duy Hà sẽ góp phần lan tỏa, làm cho thế giới biết đến nhiều hơn đội ngũ trí thức người Việt. Bởi thực tế cho thấy đã có nhiều trí thức, nhà khoa học của Việt Nam thành danh ở nước ngoài, được thế giới biết đến và đánh giá cao như: nhà vật lý, thiên văn Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Trần Thanh Vân… và nhà khoa học Nguyễn Duy Hà.
Khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên, cả chuyên gia Fabio Figiaconi, nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học Tự do Brussel (VUB, Bỉ) và có nhiều nghiên cứu về quan hệ các nước EU với các nước ASEAN, lẫn PGS-TS Alfred Gerstl, thuộc Khoa Nghiên cứu Đông Á (Đại học Vienna, Áo) và là Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo - Việt Nam, đều nhấn mạnh văn hóa, khoa học… là những lĩnh vực quan trọng để Việt Nam tăng cường hợp tác với Áo, Ý hay những nước khác trong EU.
Bản sắc "gốc vững"
Lịch sử, văn hóa, con người, sự độc lập tự chủ… là những yếu tố cấu thành để tạo nên "gốc vững" cho vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế. Và Việt Nam đang ngày càng chứng minh "gốc vững" trước thế giới.
"Gốc vững" nằm trong định hướng "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, đề ra cho bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam. Bản sắc này dựa trên nền tảng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại và trở thành định hướng chủ đạo cho ngoại giao Việt Nam những năm qua, cũng như thời gian tới.
Theo định hướng trên, "gốc vững" là sự tự lực, tự cường, với một nền tảng mạnh mẽ, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên. "Thân chắc" là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn; sẵn sàng là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. "Cành uyển chuyển" là cách ứng xử linh hoạt, kịp thời thích nghi với sự biến động, thách thức. Thực tế, bản sắc vừa nêu đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Hiển dương vị thế
Những dấu ấn khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Áo, Ý và Vatican từ ngày 23 - 28.7 đã khẳng định vị thế đó.
Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Vienna vào ngày 24.7, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là đối tác lớn nhất của Áo ở Đông Nam Á. Tổng thống Alexander Van der Bellen khẳng định Áo coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Áo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vai trò của Việt Nam cũng được Tổng thống Sergio Mattarella nhấn mạnh một lần nữa khi phát biểu trong Quốc yến chiêu đãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Rome. Cụ thể, Tổng thống Sergio Mattarella khẳng định: "Việt Nam là đối tác quan trọng đối với sự cân bằng và tiến bộ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực mà Ý đang ngày càng chú trọng, nhất quán trong Chiến lược của Liên minh Châu Âu".
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ý, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Giorgia Meloni vào ngày 26.7 tại Rome. Trong cuộc hội kiến, Thủ tướng Giorgia Meloni bày tỏ ấn tượng về nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động nhất ở khu vực Đông Nam Á, khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Fabio Figiaconi hay PGS-TS Alfred Gerstl cũng đánh giá như vậy. Dư luận, báo chí của Áo và Ý cũng có cùng quan điểm, khẳng định chuyến công du của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mở ra thời kỳ mới để Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước này.
Đến thăm Vatican, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Giáo hoàng Francis đánh giá việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam là bước tiến quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai bên phát triển tích cực, là kết quả của quá trình trao đổi trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Đây cũng là một dấu ấn quan trọng trong chuyến công du của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Tất cả đều là những thành tựu về ngoại giao, góp phần làm rạng rỡ Việt Nam trên trường quốc tế.
Bén rễ bền chặt trong lịch sử
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ý, Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã tuyên bố rằng quan hệ giữa hai nước "bén rễ bền chặt trong lịch sử", đồng thời "tin tưởng hướng tới tương lai". Tôi tin rằng điều này định hình tốt vấn đề quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển như thế nào.
Vì Ý rất có thể sẽ tiếp tục tăng cường can dự và hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai gần, nên Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục là một trong những đối tác tham vấn chính.
Một lĩnh vực hợp tác đặc biệt thú vị mà chưa khai thác hết tiềm năng là quốc phòng. Hai nước đã tổ chức Đối thoại chính sách và quốc phòng. Cả Ý và Việt Nam đều cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ vốn là nền tảng cho sự ổn định trong khu vực ASEAN.
- Chuyên gia Fabio Figiaconi -
Bình luận (0)