Từ ngày 1.12.2022, Bộ Công thương chính thức quản lý dịch vụ logistics

01/12/2022 16:34 GMT+7

Đó là điểm mới trong Nghị định 96 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký, có hiệu lực từ ngày hôm nay (1.12.2022).

Nghị định 96/2022 ngày 29.11.2022 để thay thế Nghị định 98/2017 ngày 18.8.2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương.

Quản lý dịch vụ logistics được giao hẳn về cho Bộ Công thương từ ngày hôm nay 1.12.2022

NG.NG

Cụ thể, tại điều 1 về vị trí và chức năng của Nghị định 96, Chính phủ giao cho Bộ Công thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó bổ sung thêm lĩnh vực dịch vụ logistics.

Bộ Công thương phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; điều phối, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội phát triển dịch vụ logistics.

Cũng tại điều 1 của nghị định này, các ngành và lĩnh vực khác thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương đã được quy định tại Nghị định 98 vẫn được giữ nguyên. Bao gồm: Quản lý về điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp cơ khí, luyện kim, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp môi trường, công nghiệp công nghệ cao (không bao gồm công nghiệp công nghệ thông tin).

Quản lý các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khuyến công; thương mại trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; dịch vụ logistics (như đề cập trên).

Song song đó, Bộ có trách nhiệm phát triển thị trường trong và ngoài nước, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng vệ thương mại.

Bộ Công thương cũng sẽ quản lý luôn các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Đặc biệt, cụ thể về lĩnh vực năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo... Chính phủ giao Bộ Công thương quản lý nhu cầu điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quản lý theo thẩm quyền về đầu tư xây dựng các dự án năng lượng, lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia...

Đồng thời, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.