Ông Đinh Ngọc Thắng nói: “Cục Hải quan TP.HCM quyết tâm phải triển khai trong tháng 7 bởi việc này nằm trong kế hoạch triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, không loại trừ một số vướng mắc liên quan tính tương thích hệ thống phần mềm điện tử của Tân Cảng Sài Gòn và doanh nghiệp. Vấn đề này đang được họp bàn tháo gỡ liên tục”.
Nếu được triển khai, cảng Cát Lái sẽ được kết nối tự động với cơ chế một cửa quốc gia để khai thác hiệu quả nguồn e-Manifest (hệ thống tiếp nhận bảng khai hàng hóa, chứng từ, thông quan liên quan đối với tàu xuất nhập cảnh), quản lý được toàn bộ diễn biến của hàng hóa xuất nhập khẩu toàn khu vực cảng, kho, bãi và lịch sử lô hàng từ khi vào Việt Nam. Loại bỏ hoàn toàn các tác nghiệp thủ công, văn bản giấy trong một số công đoạn, giúp tinh giản biên chế, tổ chức công việc...
Đặc biệt, khi được tự động hóa, cơ quan hải quan chỉ tập trung lực lượng cho việc giám sát, kiểm soát với những lô hàng, doanh nghiệp được đánh giá rủi ro cao, tránh tối đa việc kiểm tra, kiểm soát tràn lan. Với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có thể chủ động xử lý thông tin dữ liệu bất kỳ lúc nào, không phụ thuộc vào thời gian làm việc của cơ quan hải quan, cắt giảm hoàn toàn các thủ tục xuất trình giấy tờ, vào ra cảng như trước đây.
Doanh nghiệp kinh doanh cảng sẽ qua hệ thống hải quan tự động, hoàn toàn nắm được các thông tin về tình trạng cấp phép thông quan từ cơ quan hải quan với từng lô hàng, container…
tin liên quan
Ùn ứ phế liệu tại cảng Cát LáiMột khảo sát kết quả hoạt động của hệ thống quản lý hải quan tự động mới công bố đầu tháng 7 cho thấy, trung bình mỗi lô hàng, doanh nghiệp tiết kiệm được từ 1-2 giờ lấy hàng ra.
Lượng tờ khai tại cảng Cát Lái hiện tại cực lớn, theo ông Thắng, chiếm đến 40% tổng số tờ khai của cả nước. Nên mọi sự chuẩn bị cho “thời khắc lịch sử” này cực kỳ quan trọng. Đến nay, cơ quan hải quan thành phố đã có những chuẩn bị một cách cơ bản về nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin. Đặc biệt, làm việc với các đơn vị liên quan như các công ty kinh doanh kho, bãi, cảng… để thống nhất cách làm. Khó khăn vướng mắc đang gặp phải của hải quan thành phố khi triển khai hải quan điện tử tại Cát Lái liên quan kết nối công nghệ thông tin tại Tân Cảng Sài Gòn - nơi chiếm 70% lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực phía nam. Lượng tờ khai tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm trong quá trình thực hiện giám sát trước đây giữa hải quan và doanh nghiệp cảng, việc xác nhận tờ khai qua khu vực giám sát còn chậm…
Để xử lý vấn đề này, hải quan TP.HCM đã kiến nghị Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) rà soát qua khu vực giám sát với các tờ khai nhánh, tờ khai chung container một cách tự động, bởi số lượng này tại Cục rất lớn, nếu thực hiện thủ công sẽ mất nhiều thời gian. Song song đó, hai cơ quan này cũng cần bố trí lực lượng vào làm việc trực tiếp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để xử lý các vướng mắc, phát sinh về hệ thống mà công chức ở chi cục không đủ thẩm quyền.
Theo kế hoạch, trong quý 3 năm nay, hải quan TP.HCM cũng sẽ tiến hành triển khai hải quan tự động tại một số cảng còn lại trên địa bàn như ICD Tây Nam, cảng Tân Thuận II…
Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng đã ký Quyết định 3009 ban hành kế hoạch triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi, với mục tiêu khẩn trương mở rộng hệ thống trong phạm vi toàn ngành.
Bình luận (0)