Từ ngày mai, 8.7, bắt đầu triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỉ

07/07/2021 19:17 GMT+7

Thủ tục, hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 sẽ được đơn giản hóa tối đa so với đợt dịch trước. Thời gian giải quyết hồ sơ cũng được giảm còn 5 - 10 ngày.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết chiều 7.7 tại buổi họp báo công bố Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thủ tục chỉ còn 5 - 10 ngày

Theo ông Đào Ngọc Dung, thông thường theo trình tự thủ tục, việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn phải mất 1 tháng, nhưng với sự khẩn trương và yêu cầu cấp bách hỗ trợ NLĐ và ngưởi sử dụng lao động, Bộ LĐ-TB-XH làm việc không kể ngày đêm, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để kịp thời trình Thủ tướng phê duyệt quyết định vào ngày 7.7, chỉ sau chưa đầy 1 tuần ban hành Nghị quyết 68 (gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng).

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết so với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ lần này tập trung cho NLĐ và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Một điểm mới nữa, điều kiện hỗ trợ sẽ giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.

Bên cạnh đó, gói 26.000 tỉ đồng bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1);

Hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong 12 chính sách hỗ trợ, có 7 chính sách hỗ trợ tiền mặt cho lao động ngừng việc, mất việc, F0, F1, trẻ em, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và hộ kinh doanh; 5 chính sách liên quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

KHẨN: TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, quyết dập dịch Covid-19

Đáng chú ý, so với gói hỗ trợ trước đây, hồ sơ và thời gian giải quyết các thủ tục được rút ngắn, theo như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nói:  "Thủ tục hồ sơ thông thoáng đến mức không còn gì có thể thông thoáng hơn". 

So với gói cũ, thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất đã tăng lên 6 tháng thay vì 3 tháng như trước đây. Thời gian giải quyết từ 25 ngày giảm xuống còn 5 ngày. Hồ sơ từ 3 thành phần còn 1 và giảm một nửa thông tin phải kê khai.

Thời gian giải quyết cho NLĐ, doanh nghiệp vì thế rút xuống còn từ 5 - 10 ngày từ khi nộp hồ sơ cho đến khi phê duyệt kinh phí. Qua đó, tiền hỗ trợ đến tay người cần nhanh hơn.

Hồ sơ, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí, tử tuất hay đào tạo nâng cao tay nghề duy trì việc làm thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. 

Đối với lao động tự do, Chính phủ chỉ quy định mức sàn, các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. 

Chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết nhìn hình ảnh các cháu bé đi cách ly, những người dân xếp hàng dài, nhất là lao động tự do, lao động trực tiếp để nhận những bữa cơm miễn phí hay như hình ảnh người dân TP.HCM xếp hàng dài mua nhu yếu phẩm đã thôi thúc những người làm chính sách cần phải ban hành chính sách kịp thời.

"Đến giờ này, người dân đang mong chờ, ngóng từng ngày để nghị quyết đi vào cuộc sống, đặc biệt là NLĐ tự do, lực lượng lao động trực tiếp. Ai, cơ quan nào, địa phương nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân. Cơ quan nào, người nào, địa phương nào, đơn vị nào để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân”, ông Dung nhấn mạnh.

Trước những lo ngại việc đơn giản hóa thủ tục hành chính có thể dẫn đến những sơ suất trong triển khai thực hiện, ông Dung cho rằng, cái gì bắt buộc phải làm thì phải làm đúng, cái gì thủ tục hồ sơ không bắt buộc cần phải giải quyết ngay. Đặc biệt, ở gói hỗ trợ lần này sẽ tăng cường hậu kiểm, đề cao giám sát của các tổ chức đoàn thể và báo chí.

Theo ông Dung, dịch bệnh không thể kết thúc trong ngày một ngày hai, hàng triệu lao động, nhất là NLĐ ở các khu vực, lĩnh vực đã ảnh hưởng sâu trong thời gian qua như: du lịch, hàng không, vận tải, nhà hàng, khách sạn, lao động trực tiếp... Vì vậy, rất cần sự chung tay của nhà nước, của cộng đồng, của doanh nghiệp, dân cư. 

“Muốn hỗ trợ nhanh nhất phải xuất phát từ hai phía. Chính phủ đã triển khai ở mức độ nhanh nhất có thể, ngay ngày 8.7 các địa phương, ngân hàng có thể triển khai, đến ngày 9.7 doanh nghiệp có thể tiếp cận toàn bộ gói hỗ trợ để có thể vay. Doanh nghiệp và người dân tiếp cận chủ trương nhanh bao nhiêu thì được nhận hỗ trợ sớm bấy nhiêu”,  ông Dung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.