Đây là cơn bão rất mạnh và nằm trong số những cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Trung trong 20 năm qua.
Sức mạnh khủng khiếp của bão số 4 (Noru) và những kịch bản mưa lũ |
Chiều 25.9, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai với các bộ, ngành T.Ư và địa phương để triển khai ứng phó với siêu bão Noru. Đây sẽ là cơn bão số 4 trên Biển Đông trong mùa mưa bão năm nay.
Siêu bão Noru đang tiến nhanh về hướng VN với cường độ rất mạnh (ảnh dưới: dự báo đường đi của bão phát lúc 23 giờ ngày 25.9) |
Nguồn: TTDBKTTVQG |
Bão đi rất nhanh, cường độ mạnh, rất nguy hiểm
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Noru hình thành trên vùng biển Philippines, có tốc độ di chuyển rất nhanh, hướng đi ổn định và liên tục mạnh lên. Cụ thể, trong 42 tiếng (từ 13 giờ ngày 23.9 - 7 giờ ngày 25.9), cường độ bão Noru tăng từ cấp 8 lên cấp 15, giật cấp 17.
Giải thích về sự tăng cấp bất thường này, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết bão Noru là cơn bão rất mạnh, có tâm bão sắc nét, khí áp giảm thấp, cấu trúc bão đồng nhất từ mặt đất lên đến độ cao 15 - 17 km. Trên đường di chuyển, bão đi qua vùng biển có nhiệt độ bề mặt nước biển cao và ngay cả khi đi vào Biển Đông, đường đi của bão rất thoáng, không chịu sự tác động của không khí lạnh hay các hệ thống khác đến cường độ nên bão tiếp tục mạnh lên.
Bản tin bão số 4: Siêu bão Noru đang tiến vào miền Trung |
Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây từng ảnh hưởng đến Trung Trung bộ, tương đương cơn bão Xangsane 2006, Ketsana 2009 và Molave 2020.
Nhận định chung từ trung tâm dự báo của Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông đều đánh giá bão Noru sẽ đạt cường độ siêu bão (gió cấp 16 trở lên). Khi đi vào Philippines ma sát với địa hình, bão Noru có thể giảm từ 1 - 3 cấp nhưng khi vào Biển Đông bão sẽ mạnh trở lại. Dự báo trên Biển Đông, bão Noru đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa, gió ở cấp 13 - 14, giật cấp 16. Khi đi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở cấp 13.
Ông Trần Hồng Thái cũng cho hay qua trao đổi với các trung tâm dự báo bão quốc tế và cập nhật dữ liệu đến chiều 25.9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có nhận định, từ chiều 27.9, cơn bão bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp khu vực đất liền Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với cường độ bão cấp 12 - 13, rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn). Ngoài ra, 4 tỉnh khác chịu tác động ở mức độ nhẹ hơn là: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Kon Tum với rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn).
“Đây là cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây từng ảnh hưởng đến Trung Trung bộ, tương đương cơn bão Xangsane 2006, Ketsana 2009 và Molave 2020”, ông Thái cảnh báo.
Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Cửa Sót (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) |
PHẠM ĐỨC |
Có thể xem xét tạm thời cấm ra đường
Thảo luận về công tác ứng phó bão tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho rằng vấn đề đáng lo trong một số cơn bão lớn gần đây là xảy ra thiệt hại về người và phương tiện ngay tại nơi tránh trú khi người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, ở lại trên phương tiện khi bão đổ bộ. Nhiều tàu, thuyền không được hướng dẫn neo đậu, chằng chống, gia cố đúng cách bị va đập hư hỏng, chìm đắm ngay tại nơi neo đậu.
Ông Luận cũng nhắc lại một số vụ việc điển hình ở Quảng Trị, Khánh Hòa và Nghệ An trong những cơn bão trước đây, các tàu vận tải không thực hiện nghiêm việc neo đậu, tránh trú bão nên khi xảy ra sự cố thì các lực lượng rất khó khăn tiếp cận trong điều kiện sóng to, gió lớn để cứu hộ, cứu nạn. “Chính quyền các địa phương, các cảng vụ dứt khoát kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết yêu cầu các tàu vận tải phải vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn không để lặp lại tình trạng tàu, thuyền chìm đắm ngay bên ngoài, không chịu vào các khu neo đậu tránh trú bão”, ông Luận nói.
Bão số 4 (siêu bão Noru) gió giật cấp 15, vẫn đang tiếp tục mạnh thêm |
Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chiều 25.9 đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ TN-MT chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp các cơ quan theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho người dân và tàu thuyền của VN vào trú tránh bão khi có yêu cầu của địa phương... Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…
Mai Hà
Phó trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng bày tỏ lo ngại nếu bão đổ bộ đất liền đúng với cấp gió dự báo là tình thế rất nguy hiểm, không chỉ nhà cấp 3, cấp 4 của người dân bị giật đổ mà ngay cả các công trình trường học chưa chắc đảm bảo an toàn. Theo đó, ông Hiệp kiến nghị các địa phương chủ động các phương án sơ tán người dân, kiểm tra và đánh giá độ kiên cố của các công trình đưa người dân đến lưu trú, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân ở các nơi sơ tán.
Cũng theo ông Hiệp, qua kinh nghiệm ứng phó với cơn bão mạnh, gió bão đến cấp 12 - 13, giật cấp 14 thì nguy cơ mái tôn, biển quảng cáo bị giật đổ, thổi bay là rất lớn; đây là tình huống rất nguy hiểm cho người dân, các phương tiện giao thông. Dự báo mưa lớn trong vùng trực tiếp ảnh hưởng của bão sẽ khiến nhiều tuyến đường bộ, đường sắt ngập lụt.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa trước bão Noru |
LÊ HOÀI NHÂN |
Theo đó, ông Hiệp đề nghị dù chưa đến mức giới nghiêm, nhưng các địa phương có thể xem xét tạm thời cấm người dân ra đường, các phương tiện giao thông không di chuyển trên đường trong thời gian bão đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp. Ở khu vực ven biển, trước bão 24 giờ, các địa phương kiên quyết sơ tán, không để cho người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh…
“Qua kinh nghiệm ứng phó trước đây đối với những cơn bão mạnh như Noru, nhiều khu vực sẽ bị chia cắt cả về giao thông lẫn thông tin liên lạc. Trong phương châm “4 tại chỗ” ứng phó thiên tai thì các địa phương cần đảm bảo lực lượng, phương tiện tại chỗ để khắc phục thiên tai và đảm bảo lương thực, thực phẩm tại chỗ trong điều kiện mưa bão, lũ chia cắt trong nhiều ngày”, ông Hiệp nói.
Thiệt hại do bão Noru gây ra ở đô thị Jomalig, tỉnh Quezon của Philippines ngày 25.9 |
Chính quyền Quezon |
Sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt dài ngày
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý các cơn bão mạnh ảnh hưởng đến nước ta gần đây nhất là năm 2017 gây ra rất nhiều thiệt hại. Trong 5 năm qua, chúng ta không có bão mạnh nên ứng phó của người dân và các địa phương dễ nảy sinh tâm lý chủ quan.
Nhấn mạnh với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, cơn bão đổ bộ vào miền Trung những ngày tới được cả cơ quan dự báo quốc tế lẫn trong nước cảnh báo có tốc độ di chuyển rất nhanh, cường độ mạnh, gió giật cấp 14, nhà bị tốc mái, cuốn bay là nguy cơ cao thiệt hại nhân mạng, Phó thủ tướng nói: “Chuẩn bị ứng phó bão thì tất cả các bộ, ngành phải vào cuộc và các địa phương trực tiếp với người dân nhất phải chủ động lên phương án sơ tán người dân; sơ tán, hướng dẫn sắp xếp tàu, bè neo đậu an toàn, không để phương tiện vào âu tàu rồi vẫn chìm đắm, lật. Các bộ, ngành và địa phương tập trung cao độ, chuẩn bị chu đáo nhất để ứng phó với cơn bão. Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác”.
Chính quyền Đà Nẵng lên tận núi, gọi dân đi sơ tán vì bão Noru |
Philippines ứng phó siêu bão Noru
Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA) hôm qua thông báo siêu bão Noru áp sát đảo chính Luzon của nước này với sức gió duy trì tối đa đến 195 km/giờ, và có thể lên tới 205 km/giờ khi đổ bộ đất liền. Theo PASASA, tốc độ gió của Noru đã tăng 90 km/giờ chỉ trong 24 giờ, khiến cơ quan này phải liên tục nâng mức cảnh báo đối với một phần tỉnh Quezon trên đảo Luzon lên mức 5, mức cao nhất của PAGASA. Đây là siêu bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay.
AFP hôm qua dẫn lời Cảnh sát trưởng Quốc gia Rodolfo Azurin của Philippines cho biết nước này đã yêu cầu cư dân sống trong các khu vực nguy hiểm tuân thủ yêu cầu sơ tán bất cứ khi nào cần thiết. Những khu vực có nguy cơ cao của thủ đô Manila và một số thành phố ở tỉnh Quezon cũng đã buộc người dân di tản. Người dân Philippines đã gia cố mái nhà và đưa tàu thuyền đến nơi trú ẩn. Khoảng 2.000 người mắc kẹt do các chuyến phà bị hủy. Philippines cũng hủy toàn bộ lịch học tại trường và dịch vụ không thiết yếu của chính phủ trong ngày 26.9.
PAGASA còn cảnh báo về các đợt triều cường nguy hiểm, lũ lụt và lở đất trên diện rộng do siêu bão gây mưa lớn.
Đông A
Phó thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó bão; rà soát đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, thủy điện xung yếu; tăng cường công tác thông tin, cập nhật diễn biến bão đến người dân, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó, phòng tránh trước thiên tai.
Bắt đầu từ sáng nay (26.9), các tỉnh ven biển được cảnh báo nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của cơn bão xem xét ban hành lệnh cấm biển; kịp thời quyết định cho học sinh nghỉ học; đảm bảo dự trữ đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu sẵn sàng cho tình huống địa phương có thể bị chia cắt dài ngày.
Cũng theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì thành lập ngay các đoàn công tác vào các tỉnh miền Trung để đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai ứng phó bão.
Bình luận (0)