Điều này có thể thực hiện được không với học sinh?
Bìa sách và Lời nói đầu của quyển sách |
T.T.C |
Những “hạt sạn”
Ngay chính trong Lời nói đầu, tác giả Hồ Xuân Mai đã viết một đoạn, xin chép lại nguyên văn như sau: “2. Chúng tôi không trình bày theo chuyên mục nhằm giảm tính hàn lâm của quyển sách. Do đó, bạn đọc sẽ cảm thấy nội dung của quyển sách rất đời thường, gần gũi, thậm chí là có mình trong đó. Mỗi bài - tạm gọi vậy - chúng tôi nêu ra thực trạng và nguyên nhân của nó. Cuối cùng là cách sửa, cách khắc phục. Chỉ nên xem đây là những bài tập về tiếng Việt - những bài thực hành về tiếng Việt thôi. Chúng tôi cố gắng trình bày nội dung của mỗi bài và của toàn quyển sách bằng những từ ngữ đơn nghĩa nhất để những em học sinh dễ hiểu, dễ khắc phục, còn người lớn, những người làm công tác chuyên môn thì vẫn có thể sử dụng như một tài liệu khoa học về ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Việt” (trang 5 và 6 của sách).
Để tập trung vào vấn đề chính, xin không bàn thêm vài chuyện khác, chẳng hạn như tác giả viết “để những em học sinh dễ hiểu” là không chuẩn, phải bỏ “những em” đi: “để học sinh dễ hiểu”!
Vấn đề chính là làm sao tác giả có thể trình bày nội dung sách “bằng những từ ngữ đơn nghĩa nhất cho học sinh dễ hiểu”? Điều này trái ngược hoàn toàn với phương pháp giải nghĩa từ.
Trước hết, sao lại nói từ ngữ đơn nghĩa nhất! Đơn nghĩa là… đơn nghĩa, không nhất, không nhì gì cả! Có người đã nói, đã viết: Chỉ duy nhất một mình anh ấy đến điểm hẹn… Đã duy nhất, lại còn thêm một mình! Giống như “Philippines và Vatican là hai chỉnh thể duy nhất còn cấm chuyện này…” (Chuyện ly hôn, trên một tờ báo ra ngày 3.6.2011). Hoặc: “Lúa ở nhiều địa phương cũng bị mất trắng hoàn toàn”, một đài truyền hình, 2.12.2016), thật ra mất trắng cũng chính là mất hoàn toàn…
Từ ngữ đơn nghĩa liệu có dễ hiểu không?
Nhưng vấn đề quan trọng hơn, đáng bàn luận hơn chính là: từ ngữ đơn nghĩa liệu có dễ hiểu không? Từ ngữ đơn nghĩa, tức một nghĩa, đã theo nghĩa này thì không được hiểu theo nghĩa khác, là loại từ ngữ gì? Theo GS-TS Nguyễn Đức Dân: “Những từ ngữ đơn nghĩa là những thuật ngữ khoa học. Chỉ những thuật ngữ mới đơn nghĩa, để một khái niệm này không lẫn với những khái niệm khác, mới làm người đọc không hiểu lầm. Nhưng với đại chúng, thuật ngữ khoa học lại vô cùng khó hiểu, ai chuyên về ngành nào thì rành rẽ những thuật ngữ ngành ấy. Làm gì có chuyện đưa thuật ngữ khoa học, những từ ngữ đơn nghĩa, vào thì “để học sinh dễ hiểu” được”.
Chẳng hạn, cặp từ “vật chất - ý thức” trong lĩnh vực triết học đã tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà tư tưởng từ Đông sang Tây bao đời nay để tìm cách xác định một cách tường minh nội hàm của một trong những cặp khái niệm cơ bản, nền tảng của tư duy con người! Từ điển Triết học (NXB Tiến bộ - NXB Sự thật, 1986) đã định nghĩa “vật chất” (trang 661): “- thực tại khách quan tồn tại độc lập với ý thức và được phản ánh trong ý thức. Vật chất là một tập hợp vô hạn những hiện tượng, khách thể và hệ thống đang tồn tại trên thế giới (…)” (gần 800 chữ). Còn “ý thức” (trang 711) là: “- hình thức phản ánh cao cấp, riêng có của con người, đối với thực tại khách quan. Ý thức là toàn bộ các quá trình tâm lý tích cực tham gia vào sự hiểu biết của con người đối với thế giới khách quan và sự tồn tại thực sự của nó (…)” (gần 900 chữ). Nội dung gồm nhiều vấn đề, đa diện và phức tạp. Thậm chí, người ta lại phải dùng đến ý thức để định nghĩa vật chất, người lớn mấy ai hiểu được tường tận, huống chi là học sinh!
Trong Từ điển Toán học (NXB Khoa học Kỹ thuật, 1993), từ “số” được định nghĩa hơn một trang sách (trang 579 - 580, gần 700 chữ); từ “thể tích” được định nghĩa bằng một trang sách (trang 624 - 625, gần 500 chữ)… Chắc chắn không thể dễ hiểu! Khái niệm “tiểu thuyết” cũng cần đến gần 1.000 chữ, chiếm đến 5 cột (Từ điển Thuật ngữ Văn học, NXB Giáo dục, 1992). Còn trong mỹ thuật, cái gọi là “tranh” và “màu”, mỗi loại đều có đến 15 khái niệm (Từ điển Thuật ngữ Mĩ thuật Phổ thông, NXB Giáo dục, 2002), để hiểu chúng không hề đơn giản, vì trong thuật ngữ còn có… thuật ngữ nữa! Nói cách khác, người ta phải dùng đến những từ ngữ khác để giải thích, để định nghĩa… những từ đơn nghĩa!
Có thể dẫn ra đây vô số ví dụ của các thuật ngữ từ sinh học đến thiên văn học, từ chính trị học đến tâm lý học, từ kinh tế học đến khoa học pháp lý…, nhưng như thế chỉ làm mất thời gian của bạn đọc!
Như vậy, từ ngữ đơn nghĩa, vốn đã khó hiểu với đại chúng, sao có thể dùng nó để giúp học sinh dễ hiểu được. Đây là một ngộ nhận, nếu không muốn nói là một sai lầm cơ bản. Bởi vì, về nguyên tắc, chính những từ ngữ được sử dụng nhiều, được phổ biến sâu rộng thì mới càng dễ hiểu. Đó là lý do mà những người biên soạn từ điển cho người nước ngoài học tiếng, thường tập trung sử dụng những từ ngữ cơ bản nhất, tức lớp từ vựng hay dùng nhất (có tần số cao nhất), thường vào khoảng 1.500 đến 2.000 từ, để giải thích, giải nghĩa cho những từ ngữ còn lại.
Bình luận (0)