Tự nhiên bị bầm tím, chớ coi thường!

15/03/2016 05:08 GMT+7

Bên cạnh vết bầm tím do va chạm, chấn thương thì những vết bầm tím không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

Bên cạnh vết bầm tím do va chạm, chấn thương thì những vết bầm tím không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng nghiêm trọng về sức khỏe. 

Ảnh chụp màn hình Medical DailyẢnh chụp màn hình Medical Daily
Dưới đây là sáu nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bầm tím đột ngột, theo Medical Daily.
Thiếu vitamin
Một số vitamin có vai trò trong việc tạo máu, làm đông máu và chữa lành vết thương. Thiếu vitamin ở mức độ thấp sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng gì, nhưng nếu thiếu ở mức độ cao sẽ phát sinh vô số triệu chứng, trong đó có vết bầm tím.
Ví dụ, vitamin B12 kết hợp với folate để tạo ra các tế bào máu đỏ. Thiếu hụt B12 làm cho các vết bầm tím xuất hiện một cách dễ dàng. Vitamin K rất quan trọng cho sự đông máu, nếu thiếu sẽ dẫn tới tình trạng các mạch máu bị rò rỉ, xuất hiện các vết bầm tím trên da. Cuối cùng, vitamin C có trách nhiệm tổng hợp collagen, protein cho da và mạch máu. Vì vậy, không ngạc nhiên nếu thiếu vitamin C làm cho mạch máu dễ vỡ, gây ra vết bầm.
Lão hóa
Lão hóa là một nguyên nhân không thể tránh khỏi của vết bầm tím. Khi lão hóa, lớp da ngoài cùng sẽ mỏng hơn, nhạt màu, phần mạch máu ở lớp hạ bì trở nên mỏng manh, dễ vỡ dẫn tới một loạt các vấn đề về bầm tím trên da. Không có cách nào để tránh sự lão hóa do tuổi tác, nhưng bạn có thể làm chậm quá trình này bằng cách tránh ánh nắng trực tiếp, chú ý đến chế độ ăn uống.
Bệnh Von Willebrand
Von Willebrand là bệnh rối loạn chảy máu, đông máu với triệu chứng bệnh lý thường gặp là chảy máu dưới da và niêm mạc. Bệnh mang tính di truyền. Người bị bệnh này thường do có vấn đề với loại protein trong máu gọi là Von Willebrand có vai trò kiểm soát việc đông máu. Mặc dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị, nhưng các bác sĩ có thể chữa bằng những loại thuốc thay thế.
Tập luyện quá mức
Mặc dù tập luyện là một trong những việc làm tốt cho sức khỏe, nhưng tập quá mức có thể làm cho cấu trúc các mạch máu bị phá vỡ dẫn đến bầm tím. Đa số những vết bầm tím do nguyên nhân này là vô hại, trừ khi đó là vết bầm quá lớn, kéo dài và gây đau nhức. Lúc này bạn nên đến gặp bác sĩ.
Tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường có lượng đường trong máu vượt cao hơn mức bình thường. Điều này gây rối loạn tuần hoàn, khi lượng đường huyết tăng cao có thể làm hỏng các mạch máu gây ra các vết bầm tím.
Giảm tiểu cầu
Giảm tiểu cầu là một trong những chứng rối loạn máu do lượng tiểu cầu trong máu thấp. Tiểu cầu có vai trò chịu trách nhiệm trong việc kết tụ tạo thành ‘nút’ bảo vệ khi mạch máu bị tổn thương. Vì vậy, thiếu hụt lượng tiểu cầu tăng nguy cơ bị bầm tím. Giảm tiểu cầu thường xuất hiện thứ phát sau khi mang thai, sau rối loạn miễn dịch hoặc bệnh bạch cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.