Tự nhiên rụng cả hàm răng!

04/09/2018 04:41 GMT+7

Chỉ vừa mới qua cái tuổi 30, chị T. hốt hoảng phát hiện cả hàm răng lung lay, từng cái lần lượt rụng dần. Nghề của chị là giáo viên, đứng trên bục giảng với không một cái răng nào trong miệng!

Từ khi răng mới bắt đầu lung lay, sâu và xấu đi, chị T. (sống ở TP.HCM) đã đến nha sĩ. Chị được tư vấn bọc răng sứ. Bọc răng sứ cả hàm tốn khá nhiều tiền nhưng để cứu lấy nụ cười, cứu lấy sự tin và cứu lấy công việc, chị gật đầu không mấy đắn đo. Không mất quá lâu, chị có lại hàm răng trắng bóng sạch đẹp.
Nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Từ ngày bọc răng sứ, chị phát hiện cả hàm răng càng lung lay bạo, các mảng bám, thức ăn càng bám chặt vào răng mà không vệ sinh kỹ được vì răng sứ gây cản trở, miệng lúc nào cũng hôi.
Rồi chuyện gì đến cũng đến: từng cái răng “lần lượt chia tay” khổ chủ và đến một ngày, trong miệng chị không còn đến một cái răng.
Cô giáo bịt khẩu trang
Một phụ nữ trẻ không có răng, lại làm nghề giáo viên - đó là cú sốc quá sức với chị T. Lúc nào chị cũng phải đeo khẩu trang kín mít suốt hơn 1 năm trời, kể cả khi đứng trên bục giảng, mất hết cả sự tự tin, cho tới ngày “gặp thầy gặp thuốc”.
Tiến sĩ, bác sĩ nha khoa Trần Hùng Lâm cho biết chị T. đã làm răng sứ trên nền bệnh nha chu chưa được kiểm soát đúng mức, việc phục hình răng sứ lại không đúng kỹ thuật, thêm cơ địa thuận lợi cho việc tiêu xương nên quá trình tiêu xương (dưới chân răng) đã diễn ra rất nhanh. Mà một khi “cái móng” không còn, “sập nhà” là chuyện tất yếu.
Tiến sĩ Lâm nói thêm, bệnh nha chu là bệnh lý do vi khuẩn gây ra, làm tổn hại các mô nâng đỡ quanh răng, dẫn đến tiêu xương. Thông thường, quá trình này diễn ra chậm. Chị T. thuộc nhóm người xương bị tiêu rất nhanh so với bình thường, có thể là các vấn đề về di truyền và đáp ứng miễn dịch.
Với sự hỗ trợ tích cực từ công nghệ số, việc phục hình và cấy ghép răng hiện đã nhanh chóng, chính xác và đơn giản hơn trước rất nhiều K.O

Phòng ngừa nha chu
Vệ sinh răng miệng tốt, dùng chỉ nha khoa thường xuyên vẫn là cách hiệu quả nhất để đề phòng ngừa nha chu. Còn khi đã mắc bệnh, sự can thiệp chuyên môn là rất quan trọng. Nếu muốn phục hình, bác sĩ cần phải xử lý tốt các mảng bám, xử lý nha chu.
Theo tiến sĩ Lâm, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân phải được gây tê để lấy các mảng bám sâu dưới chân răng, sát với xương. Ngoài ra, việc phục hình đúng kỹ thuật cũng rất quan trọng để bệnh nhân có thể vệ sinh răng miệng tốt sau đó.
Quay lại với trường hợp của chị T, vì đã mất hết răng nên chỉ còn cách cấy ghép răng. Nhưng vì bệnh nhân này đã tiêu rất nhiều xương ổ răng và xương hàm, chẳng còn “móng” để cắm răng cấy ghép vào nên phải ghép xương.
Hiện tiến trình điều trị của chị đang diễn ra rất tốt, việc ghép xương đã hoàn tất, chị đang mang hàm răng tạm ổn định, đợi thêm vài tháng nữa để ghép răng. Và đó cũng là lần đầu tiên, chị lại có thể nở nụ cười tự tin, cởi phăng cái khẩu trang che kín miệng mỗi giờ lên lớp!
Tiên sĩ Lâm cho biết với sự hỗ trợ rất nhiều từ công nghệ số, chẳng hạn như với công nghệ CAD/CAM đã đến Việt Nam, các quy trình phục hình, cấy ghép răng đang thuận lợi, chính xác và nhẹ nhàng hơn nhiều cho bệnh nhân so với trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.