Từ niêu cơm đến đuôi tôm

22/04/2018 08:12 GMT+7

Gà có "mọc đuôi tôm" hay không? Có thể là có, đúng như một tác giả đã nêu tại bài Mọc đuôi tôm hay vọc niêu tôm? trên blog của mình.

“Khoảng hơn một tháng sau nở, lông cánh gà con phát triển đã phủ gần kín hai bên hông. Cái đuôi nhú lên tí xíu hôm nào, nay cũng đã dài, chìa ra, khum khum hệt cái đuôi (con) tôm”, tác giả viết.
Và chắc cũng chính vì thế nên có lẽ tiếng Việt từng có thành ngữ “gà mọc đuôi tôm”, nay không còn thấy được ghi nhận riêng trong nguồn thư tịch nào. Tác giả đó cho rằng: “Khi gà con mọc đuôi tôm cũng là lúc (theo bản năng), gà mẹ xua đuổi, bắt đàn con phải tự lập, để gà mẹ chuẩn bị bước vào lứa sinh đẻ mới. Sau vài ngày đầu nháo nhác, đàn gà con bắt đầu mạnh dạn hơn. Chúng vẫn giữ thói quen đi ăn theo bầy và rất hiếu động”. Và kết luận: “Như vậy “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” được diễn giải: tình trạng vắng chủ nhà (thì cũng giống như) gà (giai đoạn) mọc đuôi tôm, và hiểu là: trẻ con phá phách nghịch ngợm nhất là lúc vắng chủ nhà, bố mẹ; gà con hiếu động, quấy phá nhất là lúc mọc đuôi tôm, tách mẹ”.
Tuy nhiên cần chú ý đến đặc điểm của tục ngữ. Đó là, với những câu có bao hàm ẩn dụ, dù muốn diễn đạt bất cứ một thứ nghĩa bóng nào thì, về nghĩa gốc và trên trục kết hợp (syntagmatic axis), các từ của nó cũng phải tuyệt đối tương thích về ngữ nghĩa để trình bày sự việc hoặc hiện tượng cho đúng với thực tế khách quan. Những câu như “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, “Gà ghét/tức nhau tiếng gáy”, “Gà què ăn quẩn cối xay”…, đều là những câu tục ngữ có nghĩa bóng nhưng về nghĩa gốc thì thành tố của chúng đều là những từ tương thích về ngữ nghĩa để diễn đạt những hiện tượng đúng với thực tế. Chứ câu “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” mà hiểu theo cách của tác giả đó thì mâu thuẫn với thực tế. Theo cách hiểu này thì cái việc “gà con mọc đuôi tôm” lại diễn ra không đúng với tiến trình phát triển sinh lý tự nhiên của giống gia cầm này. Vì tác giả đã quy định rằng gà con chỉ có thể “mọc đuôi tôm” khi chủ của chúng không có ở nhà mà thôi! Nghĩa là tiến trình sinh trưởng của gà con sẽ phải ngừng lại khi chúng sắp mọc lông đuôi, chờ khi nào chủ của chúng đi vắng thì những cái lông này mới mọc ra được!
Sở dĩ có sự trái ngược này là do sự đan xen hình thức rồi kéo theo nó là sự lây nghĩa, làm cho nghĩa bị lệch đi. Ban đầu, ta có hai đơn vị từ vựng riêng biệt là thành ngữ “gà mọc đuôi tôm” (dùng để chỉ hiện tượng mà tác giả đó đã miêu tả) và tục ngữ “vắng chủ nhà, gà vọc niêu cơm”. Do sự đan xen hình thức nên thành ngữ “gà mọc đuôi tôm” đã nhảy xổ vào chỗ của vế “gà vọc niêu cơm” trong câu tục ngữ đang xét. Rồi do cái thành ngữ kia lẫn vế sau của câu tục ngữ này (“gà vọc niêu cơm”) đã tuyệt tích giang hồ nên ta mới có câu “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”, gây thành chuyện tranh cãi có vẻ như vẫn… chưa đến hồi kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.