Từ nơi rốn lũ Quảng Bình: Lộ diện những anh hùng

08/10/2010 10:59 GMT+7

Khi hàng vạn mạng sống của người dân Quảng Bình chênh vênh bên dòng nước dữ thì ngay trong đêm đen, bỗng dưng xuất hiện cả chục vị anh hùng, họ đã bỏ mặc nhà cửa, tài sản của mình cho cuồng lũ cuốn phăng mà xả thân cứu cả 4.000 nhân mạng...

Lũ như bom càn

Lũ đã như hạn định thường niên ở miền Trung, năm nào nước cũng cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, nhấn chìm các làng quê, xé toạc đôi bờ sông, người chết, nhà trôi... Tưởng chừng như tôi đã chai sạn với cảm giác “lao vào rốn lũ”, nhưng khi đến với Quảng Bình, tôi lại bị sốc với những tàn dư của nó. Lũ tràn qua vùng quê này chưa bao giờ gây ngập sâu, có cường độ mạnh, sức tàn phá khốc liệt như lần này. Ngoài các huyện miền núi Tuyên Hoá, Minh Hoá, các địa phương ở hạ lưu sông Son, sông Gianh như Quảng Trạch, Bố Trạch, cơn lũ đi qua được người dân ví von như sau trận càn bom B52 một thời.

Ngày 7.10, mưa đã tạnh, nước đã rút, nhưng dấu tích cơn lũ còn hằn đậm trên từng nóc nhà dân. Ven đường Bờ Trại, dọc theo bờ nam dòng sông Gianh, hàng ngàn người dân xã Liên Trạch vẫn còn bị chìm trong lũ, cô lập với bên ngoài. Con đường duy nhất để đưa mì tôm, nước uống đến với đồng bào là những chiếc thuyền nan mỏng manh. Suốt dọc đường gần 60km - đoạn từ TP.Đồng Hới đi Phong Nha - Kẻ Bàng, nhà dân hai bên đường xác xơ. Chỗ bị tốc mái, nơi sập tường. Với tổng số 39 người chết toàn tỉnh Quảng Bình, thì riêng huyện Bố Trạch đã có 20 người. Ngoài thiệt hại nặng nề về nhân mạng, nhà cửa, tài sản của người dân huyện này cũng bị mất mát nhiều nhất. Các hồ đầm, bè tôm lồng cá ven sông gần như bị mất trắng. Người dân đói miếng ăn trước mắt đã đành, cái nghèo khó sẽ theo đuôi lũ mà đeo bám họ là điều khó tránh khỏi.

Tại bến phà Xuân Sơn lịch sử, một thị tứ xinh đẹp khang trang vừa mới hình thành ven đường Hồ Chí Minh. Người dân đã ăn nên làm ra nhờ các dịch vụ du lịch quanh khu danh thắng - Di sản văn hoá thế giới Phong Nha - Kẽ Bàng.  Thế nhưng, chỉ một đêm cơn lũ đi qua, đã kéo người dân tụt hậu về với hơn 10 năm trước. Chợ bến phà Xuân Sơn gần như bị san phẳng. Tài sản hàng trăm triệu đồng mỗi gian hàng đã theo lũ ra dòng sông Son. Đến ngày 7.10, bà con tiểu thương còn ngơ ngác, không tin vào thực tế trắng tay. Trôi mất cả 1 gian kiốt và hàng hoá trên 200 triệu đồng, nhưng bà Nguyễn Thị Toan lại có nỗi lo rất dân dã: “Sổ đỏ, hộ khẩu bị trôi hết, chừ gia đình tôi thành kẻ sống phi pháp? Không biết chính quyền có cho làm lại giấy tờ? Bằng lái xe của cả nhà cũng theo lũ, cả nhà chừ không dám chạy xe máy ra đường vì sợ cảnh sát giao thông...”.

Những “bông hồng” của thành phố

Vén quần, lội bùn sâu ngập đầu gối, tôi vào trụ trở UBND xã Sơn Trạch - ngôi nhà 2 tầng này cũng đã ngập lút nóc. Ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hoà đầu rối tóc bù, khuôn mặt hốc hác, tiếp chúng tôi giữa ngổn ngang bùn đất. Ông nói, chưa khi mô lũ lớn và chảy xiết đến kinh khủng như lần này. Đêm mùng 5.10, nước về đột ngột như trút ống, 2.200 hộ dân toàn xã đều ngập sâu trong nước. Lũ đã chớp nhoáng cuốn sập, trôi hoàn toàn 56 ngôi nhà dân. Nước ngoài sông Son xộc bất ngờ vào khu dân cư, khiến cho tài sản của người dân đã bị trôi mất hoặc ngập và hư hại hoàn toàn. Thiệt hại quá lớn đối với một xã miền núi này. Nhưng điều làm ông chủ tịch xã xúc động, tự hào lớn là trong cơn hoạn nạn, xuất hiện hàng loạt anh hùng thực sự của người dân.

Ông kể vanh vách tên và chiến công của mỗi người. Rằng cha con ông Ngô Văn Tam đã dùng thuyền nan, chống chọi từ 10 giờ đêm  5.10  đến rạng sáng 6.10 để luồng vào trong xóm, vớt cả trăm người dân kêu cứu trên nóc nhà. Cha con ông Nguyễn Văn Liên, anh em ông Trần Văn Phương đã tự động thấy người gần chết mà lao ra giữa dòng lũ trong tối để cứu người quần quật trắng đêm. Anh Lên Văn Điệp ở Hà Lời, anh Nguyễn Văn Quynh ở Xuân Tiên, cha con ông Ý, ông Mùi ở Cù Lạc đã dùng thuyền mà thường ngày họ làm dịch vụ du lịch để cứu cả trăm người dân chênh vênh bên bờ sông Son... Không có họ, 4.000 nhân mạng của xã Sơn Trạch, chắc chắn đã trôi ra dòng sông Gianh cuộn đỏ trong đêm 5.10 rồi. Họ - không ai bảo ai, lầm lũi, mò mẫn trong đêm tối, vật lộn với sóng cuồng nước dữ, lần theo tiếng kêu cứu thất thanh mà đi vớt, di dời cả ngàn dân đến nơi an toàn.  Tài sản thiệt hại nặng, nhưng tình người qua cơn lũ thật ấm nồng. Một đêm hãi hùng, nhưng đáng nhớ của người dân nơi hốc núi non hùng vĩ Phong Nha này.

Riêng đối với hai vị anh hùng trẻ tuổi là Hoàng Văn Ninh - 31 tuổi và Nguyễn Thanh Phương - 35 tuổi (đều ở Xuân Tiên) thì ông Chủ tịch xã đã kéo tay chúng tôi đến tận “nhà” họ để giới thiệu. Ông Hoà nghẹn ngào chỉ khoảnh đất trống - là dấu tích duy nhất còn lại của ngôi nhà của Hoàng Văn Ninh. “Nó thấy nhà mình ngập chìm, xiêu vẹo, nhưng đã mặc kệ cho lũ cuốn trôi mà lựa chọn việc đi cứu người. Nghĩa cử ấy làm sao những người già như chúng tôi không nể phục được” - ông Hoà nói.


Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình Lên Thuận Văn trao quà từ Quỹ TLV Lao Động đến người dân Quảng Ninh.

Còn Ninh thì cười buồn: “Bây giờ em mới thấy hẫng hụt, toan lo. Không biết rồi mình sẽ sống ra sao khi hoàn toàn trắng tay. Đêm 5.10, khi thấy nước về đột ngột và dâng nhanh, em đưa vợ con chạy trốn vội sang nhà ông chú. Tài sản mang theo trong lúc hoảng loạn chỉ được 1 cái tivi. Trên đường quay về, ngôi nhà đã ngập hẳn, em biết thế nào nó cũng theo lũ mà ra sông Son, nhưng không còn lựa chọn khác khi cả trăm bà con hàng xóm hốt hoảng neo người trên những chóp mái nhà. Em lao vào cứu được bảy - tám chục người chi đó. Ngày hôm sau, tiếp tục đi vớt người, chiếc thuyền - phương tiện làm ăn của em - đã bị lật úp...”. Hoàn cảnh của Nguyễn Thanh Phương cũng xúc động không kém. Nhưng công trạng ấy anh dành cho người vợ của mình - Nguyễn Thị Cúc. “Lúc 8 giờ đêm, nước đã ngập tận nóc nhà, vợ chồng em mang ngay 2 đứa con sang gửi nhà nội ở nơi cao hơn. Nhìn cảnh người dân chới với tuyệt vọng, tiếng kêu đầy thảm thiết, sợ hãi trong đêm hỗn loạn mà vợ em không nỡ ngồi nhà. Nó theo em chống thuyền, đỡ lái cho em đi cứu người. Đàn bà mà còn thế huống chi thanh niên như mình hả anh. Đến khi cứu được cả trăm người đến nơi an toàn, vợ chồng em mới giật mình nghĩ lại ngôi nhà xiêu vẹo của mình. Đến khi nước rút, gia tài còn lại chỉ là 1 mảnh đất”...

Tôi nhớ, một người bạn đã giải thích với mình rằng, sở dĩ Đồng Hới được mệnh danh là thành phố Hoa Hồng bởi sức sống mãnh liệt, vẻ đẹp mỹ miều của nó sau những trận bom B52 càn ra miền Bắc của Mỹ. Rằng, một nhà thơ người Bungari có mặt ở “bình địa” Đồng Hới năm ấy, đã phát hiện những nhành hoa hồng, vẫn rực rỡ bên cạnh những hố bom. Người phục vụ còn nhặt về, cắm trong lọ thủy tinh trong phòng làm việc đã làm cho nhà thơ xúc động. Rồi những bài thơ, trang báo, bút ký của nhà thơ này đã khiến cho cả thế giới biết về một Đồng Hới, Quảng Bình oanh liệt và mộng mơ. Tôi thầm ví, những vị anh hùng cứu dân trong lũ hôm nay, tươi đẹp và thơm danh như những nụ hồng sót lại nguyên vẹn sau trận bom năm nào. Họ xứng đáng là những bông hoa của thành phố Hoa Hồng.


Nguyễn Thanh Phương (phải) thất thần khi xong việc cứu người, thì nhà mình không còn nữa. Ảnh: Thanh Hải

"Tấm lòng vàng” phải được tới dân

Ngày 5.10, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình, ông Lê Thuận Văn dẫn đầu đoàn công tác, mang quà của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến với người dân hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy - 2 địa phương vẫn còn ngập sâu trong lũ. Trước khi lên đường, ông Văn nói: “Nước ngập lút nóc hầu hết các nhà dân nên lương thực dự trữ đều ướt sạch. Dân bị đói ngay khi lũ xuất hiện. Vì vậy, cứu trợ đồ ăn liền và nước ngọt ngay trên đỉnh lũ là hết sức cần thiết. Mấy ngày trước, khi LĐLĐ tỉnh mang quà đến các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch, nước còn vây tứ bề, đoàn chúng tôi lại không có phương tiện, nhưng cũng mong là quà đến tận tay, kịp thời ngay khi người dân cần nên đã nhờ bộ đội biên phòng, hoặc bất kỳ đoàn công tác nào có điều kiện mang vào cho dân.

Tôi nghĩ, mọi món quà vật chất của những tấm lòng từ thiện cả nước phải đến tận tay dân”. Tuy vậy, trên đường đi, tôi vẫn thấy hàng hoá của nhiều đoàn cứu trợ của Hội Chữ thập Đỏ, UBMTTQ VN... cũng chỉ về đến trụ sở UBND huyện, xã. Nói như ông Nguyễn Văn Hoá - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch: “Cả xã tôi có trên 3.000 dân đói - họ neo người trên nóc nhà nhiều ngày, nhưng đến 7.10, mới có được 30 thùng mì tôm. Tính ra mỗi người chỉ mới được 1 gói mì, cầm cự sao được qua nhiều ngày”. Đồng bào cả nước đang hướng về người dân vùng lũ với những đóng góp thiết thực, nhưng tôi mong sao, những đồng tiền, những món quà tình nghĩa ấy phải đến kịp thời và được tận tay người dân”.   

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.