Từ sách từ phim: Tận thế của tâm hồn

26/03/2012 09:19 GMT+7

Một cái tựa có vẻ hơi... kệch sến về bộ phim vừa được giải đặc biệt ban giám khảo chương trình Un certain regard (Một góc nhìn - Cannes 2011, nhưng có nguyên do.

Một cái tựa có vẻ hơi... kệch sến về bộ phim vừa được giải đặc biệt ban giám khảo chương trình Un certain regard (Một góc nhìn - Cannes 2011, nhưng có nguyên do.

Đạo diễn Nga Andrei Zviaguintsev, người từng được Giải Sư tử vàng Venice 2003 với phim Trở về, kể rằng phim khởi nguyên từ đặt hàng của nhà sản xuất Anh cho bốn đạo diễn thuộc bốn châu khác nhau, nhằm thực hiện loạt phim về... tận thế.

Và do không làm được phim thảm họa, Zviaguintsev chọn nói về sự tận thế nội tâm, sự sụp đổ của tâm hồn qua kịch bản Helen. Rồi Helen bị chê thiếu tính “ngoạn mục”, Zviaguintsev quyết định bỏ đề án Anh, chuyển câu chuyện vào bối cảnh Nga. Helen thành Elena.

Elena có cốt truyện đơn giản về cặp vợ chồng chắp nối, khác xa vị trí xã hội: Vladimir giàu có cưới y tá Elena làm vợ khi mỗi người đã có con riêng từ hôn nhân trước. Con trai Elena thất nghiệp, không nuôi nổi vợ con, liên tục moi tiền mẹ. Con gái Vladimir phóng túng, xa cách cha.

Sau một cơn đau tim, nhận ra mình có thể chết sớm, Vladimir thông báo sẽ trao toàn bộ tài sản thừa kế cho con gái, Elena chỉ được hưởng niên kim trọn đời. Sụp đổ hi vọng giúp con trai Sergei, bà nội trợ vốn tận tình, nhút nhát đã quyết định giết chồng để tiêu hủy di chúc.

Nhưng điều khiến người viết thích phim là cách kể thông minh, trầm tĩnh một cốt truyện mà nếu vào tay ai đó sẽ ồn ào, tốn kém. Elena ít bối cảnh, ít diễn viên, ít thoại, ít sự biến. Elena cũng không có người đẹp, không sexy, không bạo lực, máu me nhưng làm ta ớn lạnh khi xem, khi hồi nhớ. Ớn lạnh ở chỗ Elena đang yêu chồng tận tụy bỗng trở thành sát nhân trước quyền lợi. Ớn lạnh ở chỗ Elena không hả hê, không dằn vặt. Elena là câu chuyện của một người lương thiện ngả sang tội ác không có quá trình phân vân, chuẩn bị - một cú trượt gần như tự nhiên, và ớn lạnh thay rất... gần gũi, bình thường!

Cũng có vài ý kiến cho rằng thông qua nhân vật đứa con Sergei chây lười, thô tục, tác giả phim ác cảm người nghèo. Nhưng Zviaguintsev cho rằng ông chỉ muốn nêu ra những nát vỡ trong cá tính con người: thiếu chia sẻ như cha con Vladimir, trục lợi như cha con Sergei. Đó không phải là tư duy giai cấp mà tư duy về nhân cách, về trách nhiệm với bản thân, xã hội.

Ý tưởng sâu xa nhưng ấn tượng của phim được làm nên bởi tài năng đạo diễn: thứ nhất diễn viên quá thích hợp; thứ hai, mọi chọn lựa nghệ thuật trong phim đều thích đáng: đó là cái mênh mông của căn hộ giàu sang, để chỉ cần xê dịch máy quay ta có thể nhìn bao quát căn nhà, từ phòng ngủ đến phòng khách, phòng ăn, bếp... Với bối cảnh này, Zviaguintsev có thể thực hiện những cảnh - trường đoạn rất dài mà tiêu biểu là cảnh Elena giết chồng: Elena đem bữa trưa cho Vladimir, nhìn ông ăn, uống thuốc... Elena dọn đồ vô bếp, chờ thuốc ngấm, trở ra kiểm tra mạch - đã tắt - của chồng, trở vô bếp, ngồi thở...

Bằng sự im lặng không nước mắt, không đối thoại, không âm sắc kinh dị kéo dài hơn sáu phút, đạo diễn cố ý kéo người xem dự cuộc, theo dõi trạng thái giết người, lắng nghe run rẩy của lương tâm. Đó là một chọn lựa nghệ thuật sắc sảo, mạnh mẽ, hiệu quả.

Vẫn là chọn lựa đầy ý thức, nếu căn nhà sang trọng được quay cảnh dài thì căn hộ bình dân của con trai Elena chỉ quay cảnh góc máy cố định. Một mặt nó quá chật để máy quay nhúc nhích, nhưng mặt khác là ngôn ngữ điện ảnh khi tạo ra cảm giác ngõ cụt. Cuộc sống của Elena phân cực giữa nhà chồng thượng lưu ở trung tâm thủ đô và căn hộ nghèo ngoại ô của gia đình con trai. Khoảng cách vời vợi giữa hai nơi cũng là khoảng cách hai thế giới, nên hành trình đăng đẳng của Elena cũng là chọn lựa của đạo diễn: để thăm nom, chu cấp cho con, Elena phải miệt mài như con thoi từ nhà mình sang chốn con bằng xe buýt, xe lửa, đi bộ... Đi miên man, cô độc, không bạn đồng hành, không biến cố. Đi để níu giữ hai đầu tương kỵ của cuộc sống.

Kịch bản Elena chặt chẽ từng chi tiết. Thí dụ đầu phim có cảnh Sergei phun nước miếng xuống sân từ căn hộ lao động, thì cuối phim con trai của Sergei cũng lặp lại đúng hành vi này trong căn hộ giàu sang bà nó mới thừa kế. Cái xấu được nối tiếp. Ý tưởng nối tiếp này lần nữa được nhấn lại tinh tế trong cảnh áp kết, khi đứa cháu 2 tuổi của Elena tỉnh dậy trên giường của nạn nhân, giương mắt ngơ ngác...

Phim kết thúc bằng cảnh nhánh cây và con quạ, nhưng với người viết hình ảnh đứa bé ngơ ngác trên chiếc giường tội ác mới là ám ảnh khôn nguôi cho cuộc tận thế tâm hồn đâu chỉ trên nước Nga.

Xã hội đánh mất linh hồn

Nhiều người liên tưởng Elena với Tội ác và trừng phạt của Dostoievsky, nhưng Zviaguintsev nói khác biệt lớn là phim không có sự trừng phạt. Và nếu nhân vật của Dostoievsky gây tội ác có suy nghĩ, sau tội ác có ân hận, thì Elena gây ác chỉ vì muốn bảo vệ người thân - một phản xạ bản năng, không hối cãi.

“Những giá trị nhân văn của thế kỷ thứ 19 là thiện thắng ác. Xã hội hiện nay không còn tin vào các giá trị đó. Không có ăn năn bởi không còn đạo đức để kết tội”. Nói vậy, nhưng Zviaguintsev vẫn muốn tin vào sự ăn năn khi hai lần khiến Elena phải thoáng sợ: con ngựa chết bên đường xe lửa, điện cúp ngay lúc bà đưa tiền tội lỗi cho con.

Nói Elena mang tính phổ quát, nhưng với tư cách người Nga, Zviaguintsev cũng chạnh lòng: “Phim là câu chuyện xảy ra trong một xã hội đánh mất linh hồn. Mà không còn linh hồn thì nước Nga không là gì cả”. Một nhà bình luận đã rất tinh khi nói trong Elena không còn Chúa, cũng không còn Marx.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.