Tự tạo cơ hội - Kỳ 34: Tạo thương hiệu cho đặc sản

10/05/2014 03:17 GMT+7

Từ nhà phân phối hàng hóa, vợ chồng ông Tô Hùng Xô chuyển sang sản xuất trà a ti sô, trà thảo dược, cà phê… với cách làm sáng tạo, xây dựng thương hiệu uy tín cho đặc sản Đà Lạt.

Từ nhà phân phối hàng hóa, vợ chồng ông Tô Hùng Xô chuyển sang sản xuất trà a ti sô, trà thảo dược, cà phê… với cách làm sáng tạo, xây dựng thương hiệu uy tín cho đặc sản Đà Lạt.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 34: Tạo thương hiệu cho đặc sản
Ông Tô Hùng Xô bên sản phẩm mang thương hiệu L’angfarm - Ảnh: L.V

Gần đây, khi du khách đến trung tâm thành phố Đà Lạt và các thắng cảnh như thác Prenn, hồ Xuân Hương, Vườn hoa Đà Lạt, Đồi Mộng Mơ... rất dễ thấy có các cửa hàng L’angfarm chuyên bán các loại đặc sản Đà Lạt. Đó là ý tưởng xây chuỗi cửa hàng của ông Tô Hùng Xô, Công ty TNHH Quảng Thái (Đà Lạt).

 

Thương hiệu đặc trưng L’angfarm cho đặc sản Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. L’angfarm có nghĩa là nông trại Lang Biang

Theo ông Xô, vài năm qua, nhiều sản phẩm mứt các loại không có xuất xứ từ Đà Lạt nhưng vẫn được người bán gắn mác “đặc sản Đà Lạt” để bán cho du khách, đã làm tổn hại uy tín của đặc sản Đà Lạt. Từ đó, ông và gia đình quyết tạo dựng thương hiệu đặc trưng L’angfarm cho đặc sản Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. L’angfarm có nghĩa là nông trại Lang Biang. Hiện nay L’angfarm với chuỗi 20 cửa hàng có mặt tại hầu hết các điểm tham quan du lịch nổi tiếng và khu trung tâm TP.Đà Lạt, bày bán khoảng 200 sản phẩm trà túi lọc, cà phê Đà Lạt nguyên chất, phúc bồn tử, nước cốt trái cây, củ quả sấy khô, các loại rượu vang… Trước đó, từ năm 2005, ông Xô đã xây dựng thành công thương hiệu A ti sô Thái Bảo và đã xuất những lô hàng đầu tiên sang thị trường Úc và Mỹ. Năm 2006, A ti sô Thái Bảo đoạt giải thưởng Sao Vàng đất Việt. Ông Tô Hùng Xô cho biết: “Chúng tôi quyết tâm tạo dựng giá trị thương hiệu cho đặc sản Đà Lạt”.

Để thu hút khách hàng, tại các cửa hàng L’angfarm lớn ông Xô đều xây dựng nhà vệ sinh sạch đẹp, hiện đại. Khi TP.Đà Lạt kêu gọi xã hội hóa xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, ông Xô liền “xung phong” xây 2 nhà vệ sinh công cộng bên hồ Xuân Hương và trước Vườn hoa Đà Lạt với vốn đầu tư lên tới 3,4 tỉ đồng. Các nhà vệ sinh này ẩn mình trong vách núi, bên trên phủ cỏ và hoa, bên trong được lát gạch, đá hoa cương láng bóng sạch đẹp, bồn tiểu gắn hệ thống cảm ứng xả nước tự động… Ông Xô cho rằng Đà Lạt là thành phố văn hóa, du lịch cần phải có hệ thống nhà vệ sinh “đúng tầm”. Những nhà vệ sinh tại các cửa hàng L’angfarm luôn có người túc trực lau chùi sạch sẽ nhưng không thu phí. Bù lại, tại cửa ra vào các nhà vệ sinh công cộng ông Xô được phép thiết kế một không gian đẹp mắt để quảng bá sản phẩm L’angfarm và trà a ti sô Thái Bảo. Du khách có thể ngồi nghỉ chân uống trà a ti sô miễn phí, dùng thử đặc sản một cách thoải mái. Theo ông Xô, ban đầu cũng có người phản đối việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng ngay “mặt tiền” thành phố, có người lại “dị ứng” khi thấy đặc sản Đà Lạt bày bán ngay nhà vệ sinh. Nhưng các nhà vệ sinh đã phát huy hiệu quả rõ rệt vào thời điểm Đà Lạt diễn ra các lễ hội hoặc đông du khách. “Chúng tôi rất vui khi thấy nhà vệ sinh công cộng đáp ứng nhu cầu của rất đông du khách trong và ngoài nước, và họ đều tỏ vẻ hài lòng”, ông Xô nói.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.