Một nông dân vì tiếc trái dừa độc đáo chỉ có ở Trà Vinh đã bị nhà vườn phá bỏ trồng cây khác nên tìm cách nhân giống để bảo tồn.
>> Kỳ 37: Đưa vườn dâu tây vào khu du lịch
>> Kỳ 36: Trồng hoa lily thu tiền tỉ
>> Kỳ 35: Đưa cây chanh lên đồi
|
Từ trái dừa vô danh
Chưa có giống dừa nào kỳ lạ như trái dừa ở miệt Cầu Kè (Trà Vinh): cơm dừa đặc ruột sền sệt như sáp và ít nước nên người ta gọi là dừa sáp hay dừa đặc ruột, dừa kem. Theo các lão nông ở địa phương, dừa sáp xuất hiện ở miệt vườn Cầu Kè từ năm 1924 do sư cả Thạch Sô, chùa Botum Sako (thị trấn Cầu Kè) xin giống từ Philippines về trồng.
Loài dừa này chỉ phát triển tốt ở một số vùng đất tại H.Cầu Kè, đem trồng ở vùng khác thì cho trái rất ít. Ngon và hiếm nhưng như bao loài cây trái khác, có thời gian dừa sáp lâm cảnh giá bèo, rụng lăn lóc dưới gốc cây. Thu nhập từ dừa sáp quá thấp nên nhiều nhà vườn thẳng tay đốn bỏ trồng các cây ăn trái khác. Tận mắt chứng kiến cảnh này, năm 2003 ông Thạch Phu My (ngụ ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân, H.Cầu Kè) quyết tâm nghiên cứu ươm giống để giữ lại nguồn gien dừa quý. Ông đã đi nhiều nơi, gặp các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh hỏi kinh nghiệm ươm cây giống. Nỗ lực của ông My đã được đền đáp khi ươm thành công giống dừa sáp, được xem là chuyện lạ ở miệt vườn Trà Vinh khi đó.
Năm 2005, dừa sáp đột ngột tăng giá, một trái dừa giá vài chục ngàn đồng nhưng không đủ để bán cho du khách, đặc biệt là khách du lịch TP.HCM xuống thăm Trà Vinh. Họ thích bởi dừa sáp dùng làm sinh tố, kem chỉ cần thêm các phụ gia như đường, sữa, đậu phộng... sẽ tạo ra món ăn béo, thơm ngon.
Đến dừa siêu giá
Dừa sáp sốt giá giúp ông My có thu nhập ổn định từ vườn dừa ngỡ đã bỏ đi. Năm 2006 khi dừa hút hàng nhiều nhà vườn rục rịch quay lại với dừa sáp. Nhiều hộ còn phá vườn tạp, vườn cây ăn trái để trồng dừa sáp. Các thương lái cũng bắt đầu chú ý nên đến Trà Vinh thu gom với giá cao. Năm 2007, ông My đã đứng ra vận động thành lập HTX dừa sáp Cầu Kè, thu gom mua dừa sáp từ nhà vườn với giá từ 70.000 - 85.000 đồng/trái, cao hơn so với giá thương lái đưa ra.
Theo ông My, dừa sáp có hình dáng giống như dừa thường, trước đây một cây dừa chỉ cho 1 - 2 trái sáp, còn lại là dừa thường, thậm chí có cây không cho trái dừa sáp nào. Nghiên cứu một thời gian, ông My phát hiện do dừa sáp trồng chung với dừa thường nên thụ phấn với dừa thường bị lai tạp, cho ít trái sáp. Muốn tăng tỷ lệ dừa sáp, phải giảm tỷ lệ xen lẫn dừa thường. Các nhà vườn áp dụng theo hướng dẫn ông My nên tỷ lệ cho trái sáp cao hơn, 1 buồng từ 1 - 5 trái sáp.
Dừa sáp trồng từ 3 năm trở lên thì cho thu hoạch, những năm về sau tỷ lệ cho trái sáp càng tăng lên.
Theo ông My hiện giá dừa sáp loại 1 là 120.000 đồng/trái, loại 2 là 100.000 đồng/trái, còn dừa giống luôn hút hàng từ 40.000 - 50.000 đồng/cây. Hiện diện tích trồng dừa sáp ở Cầu Kè trên 50.000 cây tập trung các xã Hòa Tân, Hòa An, thị trấn Cầu Kè. Ông My cho biết vào mùa lễ Vu lan giá dừa sáp tăng cao do lượng người đổ xô về Cầu Kè rất đông và ai cũng muốn mua dừa sáp làm quà tặng hay ăn cho biết. Thời điểm này một trái dừa sáp thường có giá từ 160.000 - 200.000 đồng.
Thanh Dũng
>> Trồng dừa sáp thu nhập cao
>> Giá 1 trái dừa sáp bằng 50 trái dừa khô
>> Dừa sáp tăng giá
>> “Vua” ươm dừa sáp
>> Giải nhiệt với dừa sáp
Bình luận (0)