Tự tạo cơ hội - Kỳ 42: Thay đổi trước khi 'lực bất tòng tâm'

14/07/2014 03:05 GMT+7

Sau 10 năm bươn chải, gia đình nông dân Huỳnh Mai Thành (53 tuổi, ở thôn Xuân An, xã Cát Tường, H.Phù Cát, Bình Định) đã có nguồn thu nhập ổn định 30 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động lúc nông nhàn.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 42: Thay đổi trước khi 'lực bất tòng tâm'

Cơ sở dệt thảm của anh Thành thu hút nhiều lao động trẻ ở nông thôn - Ảnh: Tâm Ngọc

Hơn nửa đời người cặm cụi với cây lúa nhưng chỉ đủ ăn ngày 3 bữa đạm bạc, anh Huỳnh Mai Thành quyết tâm thay đổi, trước khi “lực bất tòng tâm”. Có người quen chỉ cho việc làm thảm chà chân từ vải vụn công nghiệp, anh ngẫm thấy hợp vì ở quê có đất đai rộng rãi đủ chỗ cho việc mở một xưởng gia công tại nhà, lại tận dụng được nguồn lao động nông nhàn sẵn có. Trong nhà còn chừng hơn chục triệu, anh dùng 5 triệu in card nội dung nhận cung cấp thảm chà chân với giá rẻ, chất lượng đảm bảo, rồi đi rải từ nam chí bắc. Nhận được điện thoại đặt hàng, anh ước lượng rồi có bao nhiêu tiền đổ hết mua vải vụn từ khắp nơi. Anh kể, khi “hàng” về đến nhà, ngay cả vợ anh lúc đầu cũng rất hoang mang không biết làm gì với đống rác thải này. Bỏ ngoài tai những đồn thổi và nghi ngại, với vốn kiến thức sau thời gian đi học nghề trong nam về, anh đã “hô biến” được đống vải vụn kia thành những tấm thảm đủ màu, đủ dạng... với giá thành chỉ từ 6.000 - 6.500 đồng/tấm.

Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở sản xuất thảm Minh Thành đã ổn định và liên tục mở rộng. Anh mua nguyên liệu từ các cơ sở may công nghiệp trong cả nước, nhiều nhất là phía nam, đem phân loại để làm nhấc nồi xoong, vụn hơn thì cắt may, xe sợi đan làm thảm chà chân, phần cơ sở anh thải ra cũng đem cân ký bán để làm gối. Mỗi tháng, cơ sở Minh Thành sản xuất ra 20.000 tấm thảm và khoảng 60.000 - 70.000 tấm nhấc nồi, đem lại thu nhập khoảng 90 triệu đồng cho 30 công nhân tại xưởng và 30 triệu đồng cho gia đình anh. Ngoài ra, cơ sở của anh còn giải quyết việc làm tại nhà cho hơn 300 lao động nông nhàn với thu nhập mỗi ngày khoảng 60.000 đồng/người.

Gắn kết nhà sáng chế

Anh Thành chia sẻ: “Tôi không sáng chế được thì tìm tới những nhà sáng chế, đặt hàng họ để mình có máy móc mà phục vụ cho công việc. Chẳng hạn cái máy dập vải của tôi, chỉ cần xếp vải đâu vào đó rồi để vô dập một phát là xong, tiết kiệm cả tuần cặm cụi ngồi cắt từng miếng”.

Sau máy dập vải, anh Thành đặt hàng nhà sáng chế Nguyễn Kim Chính ở cùng địa phương để chế tạo máy dệt thảm. Chỉ với 5 triệu đồng nhưng chiếc máy dệt thảm của ông Chính đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội. Máy nhỏ gọn, chỉ chiếm 1/5 không gian nhà xưởng so với khung dệt thủ công cũ, thiết kế dễ ngồi và dễ sử dụng, thuận tiện cho chị em công nhân phải ngồi làm việc nhiều giờ trên máy và quan trọng nhất là cho năng suất cao gấp 3 lần. Ông Chính cũng hào hứng chia sẻ về thành quả: “Tui rất vui vì đã làm được chiếc máy này cho anh Thành. Với những người làm được như anh thì tui cũng rất muốn giúp, giúp bằng suy nghĩ và sáng tạo của mình để anh tiếp tục làm ăn, giải quyết công việc lúc nông nhàn cho người nông dân”.

Tâm Ngọc

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 41: Đưa cây thông nước lên cạn
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 40: Biến gáo dừa thành kỷ lục
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 39: Lên núi nuôi cá
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 38: Nhân giống dừa siêu giá
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 37: Đưa vườn dâu tây vào khu du lịch  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.