Năm 2009, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Đàm Văn Lanh (KP.3, TT.Hai Riêng, H.Sông Hinh, Phú Yên) tham gia công tác xã hội ở một số cơ quan trên địa bàn huyện với hợp đồng ngắn hạn hoặc bán chuyên trách. Tuy nhiên, lương thấp, cộng với việc phải nuôi con ăn học nên gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo ở địa phương. Xuất thân từ nghề nông, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp cho việc phát triển kinh tế từ cây trồng, vật nuôi, nhưng vì thiếu vốn, không có đất nên những tính toán làm ăn của ông Lanh chỉ dừng lại trong suy nghĩ.
Đến năm 2013, ông Lanh được người thân cho mượn 2 ha đất sản xuất. Nhiều người khuyên ông nên chọn cây sắn bởi nó là loại cây dễ trồng, nhanh đem lại lợi nhuận. Để chọn hướng đi phù hợp, ông quyết định trồng sắn một nửa và cây mía một nửa diện tích để khảo nghiệm. Cuối vụ, 1 ha sắn cho sản lượng 30 tấn, còn 1 ha mía thu được 75 tấn, trừ hết chi phí thì thu nhập ngang bằng nhau. Ông Lanh cho biết: “Qua khảo nghiệm, tôi nhận thấy trồng sắn gặp nhiều khó khăn hơn mỗi khi cần công lao động, nhất là lúc thu hoạch. Hơn thế, để đảm bảo năng suất, cây sắn đòi hỏi đầu tư phân bón năm sau cao hơn năm trước bởi đất trồng sắn nhanh chai cứng, cạn kiệt dinh dưỡng”.
Với số vốn có được từ thu hoạch sắn và mía, năm 2014, ông Lanh đã mạnh dạn vay mượn thêm từ ngân hàng, người thân để mua thêm và thuê đất phát triển diện tích trồng mía lên 8 ha. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, năng suất mía bình quân cuối vụ đạt 67 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 536 tấn, trừ hết chi phí mỗi héc ta cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng. Với khoản tiền 200 triệu đồng thu về nhờ mía, từ hộ cận nghèo, ông Lanh đã vươn lên trở thành hộ khá giả.
Dù đã có những khởi đầu tốt, nhưng ông Lanh nhận thấy các giống mía hiện nay tại địa phương cho năng suất bình quân đạt thấp, lượng đường trong mía không cao, lưu gốc kém, nặng phân bón. Để giải đáp những băn khoăn của mình, ông Lanh tìm đến Trung tâm khuyến nông H.Sông Hinh và nhiều tỉnh trong cả nước như Tây Ninh, Bình Phước và khu vực nam Trung bộ để tìm hiểu, học hỏi. Những nỗ lực không mệt mỏi đã đem đến cơ may thêm một lần nữa khi gia đình ông được Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Phú Yên chọn thực hiện mô hình thí điểm thâm canh cây mía với giống mía mới có tên Khòn Khèn 3, tổng mô hình thực hiện trên diện tích 5 ha. Nhờ được tập huấn kỹ thuật kỹ càng cùng với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, cuối năm 2015, đầu năm 2016, mô hình tổng kết thắng lợi, mía chịu hạn tốt, mật độ đẻ nhánh dày, vươn lóng khá, năng suất đạt 120 tấn/ha, cao gần gấp đôi so với giống mía thường. Với giá bán niên vụ vừa qua trung bình 950.000 đồng/tấn, tính riêng 5 ha mía mô hình, gia đình ông thu được khoảng 250 triệu đồng.
Tự tin với kinh nghiệm có được, niên vụ mía năm 2016 - 2017, ông Lanh đã trồng thêm 13 ha mía giống mới, nâng tổng diện tích lên 26,5 ha. Ông bày tỏ: “Kỹ thuật trồng và chăm sóc mía này đơn giản hơn các loại cây khác. Kinh nghiệm quan trọng trong canh tác mía là phải làm sạch cỏ, chủ động phòng trừ sâu bệnh ngay từ lúc chọn giống, xuống giống, bón phân đầy đủ, đúng thời điểm, nhất là khi mía vào thời kỳ nhánh và vươn lóng”. Với diện tích mía này, ông Lanh đang chờ “trái ngọt” từ 26,5 ha mía Khòn Khèn 3.
Bình luận (0)