Năm 2007, sau chuyến thăm một cơ sở nuôi cá sấu ở tỉnh Quảng Nam, ông Lợi xác định con vật này chính là hướng thoát nghèo của gia đình mình. Vợ chồng ông vay ngân hàng 300 triệu đồng để xây dựng trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi, trọng tâm là nuôi cá sấu và trồng cây thanh long ruột đỏ. Ông Lợi khăn gói vào tỉnh Đồng Tháp, đến các cơ sở nuôi cá sấu để học nghề. Sau đó, ông trở về nhà, xây 4 hồ nuôi cá sấu rộng khoảng 300 m2.
Theo ông Lợi, cá sấu là giống tạp ăn nên thức ăn hằng ngày dễ kiếm. Lúc nhỏ, cho cá sấu ăn cá tươi các loại, phổi bò... Khi cá sấu lớn thì cho ăn cá tươi, cá biển và gà, vịt, lợn chết… Nhờ vậy, chi phí nuôi cá sấu còn rẻ hơn nuôi gà công nghiệp. Từ năm 2015, ông Lợi bị bệnh tai biến đi lại khó khăn nên vợ ông là bà Đặng Thị Tánh (53 tuổi) lo toan việc chăm nuôi cá sấu. Đồng thời, vợ chồng bà cũng quyết định giảm đàn cá sấu trong chuồng từ hơn 200 con xuống còn 70 con.
Theo bà Tánh, kể từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm vợ chồng bà bán được 2 lứa cá sấu, mỗi lứa bán từ 1,2 - 1,6 tấn. Gia đình bà chia cá sấu ra 3 loại để bán: loại 1 từ những con cá sấu đạt 15 - 20 kg, loại 2 là 20 - 30 kg, loại 3 từ 30 kg trở lên. Thời điểm được giá nhất, cá sấu bán ra thị trường 200.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn dưới 80.000 đồng/kg.
Năm 2007, khi gia đình bà Tánh mới bắt tay vào trồng thanh long, nhiều người nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của giống cây này trên đất Tây nguyên, thậm chí có người còn cho rằng nó sẽ không có trái. Tuy nhiên, vợ chồng bà Tánh vẫn quyết tâm trồng 150 gốc thanh long ruột đỏ. "Mình chỉ tốn tiền ban đầu, khi bỏ vốn ra làm trụ cho cây thanh long, còn việc chăm sóc thì không có khó khăn gì cả", bà Tánh chia sẻ.
Một năm sau, vườn cây thanh long của gia đình bà Tánh ra hoa, kết trái và cho thu hoạch trung bình 5 kg/gốc. Năm thứ 2 thì năng suất thanh long đã tăng gấp đôi và đến năm thứ 4 thì nhiều gốc thanh long đã đạt năng suất 20 kg/gốc. Năm 2012, vợ chồng bà Tánh trồng tiếp 250 gốc thanh long, tăng số lượng cây này trong vườn lên 400 gốc, trên diện tích 4.000 m2.
Theo bà Tánh, ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là cho quả quanh năm (có thể thu hoạch được 8 đợt/năm) và tư thương vào tận vườn để mua. Có thời điểm, giá bán thanh long ruột đỏ từ 40.000 - 45.000 đồng/kg nên thu nhập của gia đình bà Tánh khá cao. “Hiện giá thanh long ruột đỏ trung trình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với những năm trước nhưng so sánh với các loại cây trồng khác thì hiệu quả khá cao. Mỗi héc ta cà phê trồng ở Kon Tum thu lợi gần 40 triệu đồng/năm, còn chỉ 4.000 m2 cây thanh long ruột đỏ, gia đình tôi thu từ 50 - 60 triệu đồng/năm”, bà Tánh nói.
Vợ chồng ông Lợi còn có 1 ha cà phê trồng xen dó bầu, 2 ha cao su và chăn nuôi gà, lợn... Các năm thuận về giá cả, gia đình ông Lợi thu khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, giá cả thị trường không ổn định, gia đình ông vẫn thu mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Vợ chồng ông Lợi sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm theo số điện thoại: 01206110597.
Bình luận (0)