Vừa nhanh chân đi kiểm tra kỹ lưỡng những tổ ong khi nhận thấy thời tiết có dấu hiệu thay đổi, ông Ấn (67 tuổi, ngụ tại xóm 11, xã Quỳnh Hoa, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa cho chúng tôi biết để những đàn ong không bỏ đi và tạo ra nhiều sữa ong chúa ở vùng đất có thời tiết khắc nghiệt như Nghệ An không phải là điều đơn giản. Mỗi lúc thời tiết diễn biến khác lạ, ông phải khẩn trương kiểm tra và chuyển những đàn ong đến nơi thích hợp hơn.
Ông Ấn kể, sau hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, ông mới biết đến những công dụng của sữa ong chúa như chứa dưỡng chất tốt cho sức khỏe, làm đẹp cho phụ nữ và nhu cầu của thị trường về sản phẩm này rất lớn. Vì thế, đầu năm 2011, ông bắt đầu thử nghiệm nuôi ong lấy sữa ong chúa. Ban đầu ông mua vài đàn ong siêu sữa nhập từ Úc về nuôi. Kết quả ban đầu không được như mong đợi, lượng sữa thu về gần như là con số 0 tròn trĩnh vì giống ong này rất khó nuôi, không phù hợp với thời tiết khi thì nắng như đổ lửa, lúc lại rét cắt da cắt thịt của phía bắc miền Trung.
Không bỏ cuộc, ông Ấn quyết tâm đi khắp nơi, “lang thang” trên mạng tìm tài liệu, học hỏi kỹ thuật nuôi ong lấy sữa ong chúa. Ông ngộ ra rằng, sữa ong chúa chỉ được khai thác ở những đàn ong khỏe mạnh, sữa tốt hay không còn phụ thuộc vào vùng có nhiều hoa tự nhiên, khí hậu thuận hòa. Đối với vùng đất có khí hậu khắc nghiệt như Nghệ An, thì điều cốt tử là phải luôn tìm mọi cách duy trì nhiệt độ từ 25 - 310C trong tổ để ong không bị chết hoặc bỏ tổ, bay đi tìm vùng đất phù hợp.
Người nuôi luôn phải túc trực bên tổ ong, kịp thời di chuyển đàn ong đi khắp nơi để tránh nắng, tránh lạnh và tìm đến những vùng có thức ăn dồi dào. Những khi nắng nóng gay gắt, ông phải đưa ong vào hang đá để tránh.
Theo ông Ấn, để lấy được sữa ong chúa, cần phải có sự can thiệp của con người. Quy trình này đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt và dựa trên tập tính bản năng tự nhiên của loài ong. Thực chất sữa ong chúa không phải là sữa của con ong chúa mà là một loại hỗn hợp chất do ong thợ tiết ra, nhả chất dịch vào làm thức ăn nuôi ong chúa.
Từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau là thời gian lý tưởng cho việc khai thác sữa ong chúa. Lúc này, người nuôi ong tạo ra những “nụ chúa giả” để đánh lừa ong thợ tiết dịch sữa vào nuôi ấu trùng ong chúa. Đến thời điểm thích hợp, ông sẽ thu gom sữa. “Tùy vào số lượng của từng tổ ong, tôi đặt 2 - 3 cầu nụ chúa giả để lấy sữa”, ông Ấn nói.
Nắm bắt và thành thục những kỹ nghệ nêu trên, ông Ấn đã “bắt” các đàn ong “đẻ” ra tiền. Hiện ông đang sở hữu 20 đàn ong, mỗi năm thu về gần 10 lít sữa ong chúa.
Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhiều khi ông không thể đáp ứng hết đơn đặt hàng của người tiêu dùng. Sữa ong chúa, theo ông Ấn, sau khi khai thác phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ cấp đông thì mới đảm bảo chất lượng.
Nếu để ngoài trời quá 4 giờ, sữa sẽ hỏng. Vì vậy, ông luôn ướp đá sản phẩm này trong suốt quá trình khai thác, bảo quản và vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Ông bán một lọ 20 ml giá 150.000 đồng, mỗi năm lãi gần 200 triệu đồng.
“Tôi sẽ mở rộng quy mô các đàn ong lấy sữa ong chúa. Hiện tôi cũng đang truyền đạt kỹ thuật nuôi cho người dân trong vùng với mong muốn nhân rộng mô hình làm ăn đem lại hiệu quả kinh tế cao này”, ông Ấn cho biết.
Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi ong lấy sữa ong chúa có thể liên lạc trực tiếp với ông Ấn qua số điện thoại: 01692798756.
Bình luận (0)