Quyết “bò sữa” gần như trở thành tên “cúng cơm” của chàng trai này tại vùng đất Đại Lào nắng gió. Quyết kể: “Trong một lần, mình đang làm thuê với công việc nuôi heo, nuôi bò cho nhà một người ở cùng xã thì ông chủ nói rằng muốn khá lên chỉ có cách kiếm gì mà làm riêng chứ đi làm thuê suốt ngày thế này thì chỉ đổi mồ hôi lấy tiền sống qua ngày thôi. Về nhà nói chuyện với vợ, hai vợ chồng bàn nhau nuôi bò sữa. Mình vay mượn được 12 triệu đồng rồi mua 2 con bê sữa bé tí về nuôi và bắt đầu gắn với bò sữa từ đây”.
Trên thực tế, quá trình khởi nghiệp cũng không đơn giản. Mua bê về, vợ chồng Quyết cũng giữ nguyên công việc cũ, còn việc chăm bê là tranh thủ làm thêm. “Đã vậy, chăm suốt 2 năm trời, đến khi bò sinh sản thì tự nhiên lăn đùng ra chết 1 con. Nửa gia tài phút chốc bay mất, lúc ấy mình chán nản muốn bỏ việc nuôi bò sữa này luôn. Tuy nhiên được vợ động viên, mình tiếp tục vay mượn 15 triệu đồng mua 1 con bê khác lớn hơn về nuôi”, Quyết tâm sự.
Từ đó, vợ chồng anh nghỉ làm thuê, ở nhà tập trung nuôi bò sữa. Quyết tranh thủ đi đến các trang trại trong tỉnh tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Qua quá trình này, Quyết biết được lý do vì sao bò mình bị chết hoặc thường hay đau ốm là do chuồng trại làm chưa đúng kỹ thuật và chưa biết chăm sóc khi bò sinh sản.
Vợ chồng anh đầu tư lại chuồng trại, mua đất trồng cỏ phục vụ thức ăn đầy đủ cho bò và dần khắc phục những khiếm khuyết mắc phải trước đó. “Bò sữa lại sinh sản, lượng sữa thu được trong 1 năm cũng ổn định, vợ chồng mình quyết định vay mượn để mua thêm 3 con bê, đồng thời bò sữa đẻ bê cái thì mình giữ lại nuôi để gây đàn.
Đến năm 2014, đàn bò sữa của gia đình mình được 12 con và đến nay đã lên đến 23 con, trị giá khoảng 1 tỉ đồng; trong đó có 14 con đang cho sữa. Hiện nay bình quân mỗi ngày gia đình mình vắt được 200 kg sữa, thu nhập 2,8 triệu đồng. Số tiền vay mượn trước kia nay không những đã trả hết mà còn mua thêm được gần 1,4 ha đất để trồng cỏ và cà phê”, Quyết thổ lộ.
Anh chia sẻ, nuôi bò sữa không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi phải chịu khó, siêng năng, chăm sóc kỹ lưỡng. Thức ăn, nước uống cho bò không chỉ đủ mà còn phải đảm bảo sạch. Đồng thời cho bò ăn cũng phải đúng giờ giấc (4 lần mỗi ngày), mỗi ngày vắt sữa 2 lần và thời gian cũng phải đúng theo quy trình. Bò sữa hay bị bệnh tụ huyết trùng và ký sinh trùng, đau chân, lở móng… nên chuồng trại phải luôn thoáng, sạch và định kỳ mỗi tháng 2 lần xử lý phun thuốc sát trùng. Mỗi khi vắt sữa xong phải để bò đứng 30 phút cho van sữa đóng lại, nếu để bò nằm ngay thì rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây viêm vú sẽ khiến bò mất sức mà nếu nặng thì sẽ hỏng luôn vú…
Để đảm bảo đầu ra của sản phẩm, Quyết ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với Vinamilk và hằng ngày chỉ cần vắt sữa xong, người của Vinamilk sẽ đến lấy và có bao nhiêu họ lấy hết bấy nhiêu miễn sao sữa đạt chất lượng là được.
Nói về mô hình này, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết: “Đỗ Hữu Quyết là một thanh niên bản lĩnh, năng động, chịu khó và đầy ý chí, nghị lực, từ hai bàn tay trắng mà làm nên sự nghiệp. Người trẻ như Quyết mà thành công như vậy ở địa phương này chỉ có một. Đây là mô hình nuôi bò sữa tiêu biểu ở địa phương, mang lại thu nhập cao cần được khuyến khích, nhân rộng”.
Bình luận (0)