Tự tạo cơ hội: Trồng cây kiểng dược liệu

22/08/2016 08:00 GMT+7

Chọn cho mình hướng đi 'không giống ai' với nghề trồng cây dược liệu vừa làm kiểng vừa ăn trái, Nguyễn Văn Thanh Bình (28 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã vươn lên làm giàu.

Nguyễn Văn Thanh Bình sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về y học cổ truyền ở TP.Đà Lạt. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Huế, Bình ở lại đất cố đô để phụ bán thuốc bắc cho một gia đình người thân. Được 2 năm, anh trở về TP.Đà Lạt, chọn việc sưu tầm, trồng cây dược liệu với mục đích ban đầu nhằm bảo tồn, nhân giống những loài cây quý hiếm rồi buôn bán kinh doanh. Với kiến thức sẵn có, anh nhanh chóng sưu tầm cả trăm loại cây dược liệu về trồng trên 2.000 m2 đất trong vườn nhà.
“Cây lớn nhanh, có nhiều sản phẩm nhưng khách hàng chưa quen biết nên bán khá chậm, sau đó chuyển sang sản xuất cây giống dược liệu nhưng thu nhập cũng không nhiều. Vừa làm vừa tìm hướng đi mới, cuối cùng mình nghĩ ra “chiêu” tìm kiếm, sưu tầm những cây dược liệu cho trái ăn được và có lợi cho sức khỏe nhưng trồng theo hướng cây kiểng, cây bonsai để kinh doanh”, Bình kể lại.
Từ ý tưởng đó, vườn kiểng dược liệu “độc, lạ” của chàng trai này được hình thành trên diện tích 4.000 m2 với hàng chục loại như: nho thân gỗ có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cherry Nam Mỹ, sung Mỹ, chanh Mỹ, việt quất, trắc bá diệp, ngũ chảo, phật thủ, dâu tằm, đào thất thốn, táo Đà Lạt... Đồng thời, Bình trồng thêm nhiều loại cây gia vị và các loại hoa hồng Pháp, cây mai xanh, hoa hồng dây leo, bạch liên sơn (sen núi), hoa hồng bạch trà, thất diệp nhất chi mai... Nhờ được người quen giới thiệu và lên mạng internet rao hàng, sản phẩm của anh được bán khá chạy.
“Khi nhiều khách hàng đến hỏi mua cây giống, mình tập trung nghiên cứu rồi nhân giống bằng cách chiết cành, giâm cành, gieo hạt và tập trung kinh doanh theo hướng bán cây giống làm kiểng; đồng thời lập một vườn bonsai dược liệu để bà con tham quan, mua bán”, Bình chia sẻ. Thấy thị trường hút hàng, Bình liền nghĩ cách tạo dựng thương hiệu riêng để phát triển bền vững và đến cuối năm 2012, anh đã thành lập Công ty TNHH cây cảnh Phúc Thanh Bình.

tin liên quan

Lên rừng trồng atisô
Rời bỏ TP.HCM lên vùng rừng núi thuộc thôn Đạ Nghịt, xã Lát (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) để làm nông, anh Nguyễn Trung Thành (45 tuổi) đã thành công khi chọn cho mình mô hình trồng cây dược liệu atisô.
Nhờ chú trọng đến chất lượng và giữ uy tín nên tiếng lành đồn xa, khách hàng khắp nơi tìm về mua cây giống, cây cảnh ngày càng đông. Hằng tháng, Bình cung cấp ra thị trường TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh miền Trung, miền Tây hàng ngàn chậu cây giống các loại, thu nhập mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng.
“Nhìn thì đơn giản vậy chứ theo nghề này cũng vất vả lắm. Khi nghe ở đâu có cây lạ là mình tìm đến ngay để sưu tầm. Thời gian đầu, dù có tay nghề nhưng nhiều lần mua phải hạt giống kém chất lượng, gieo không mọc, hoặc mua cành những loài cây mới về giâm không sống được. Bị dính nhiều lần vậy, mình rút kinh nghiệm và dần dần sau này việc sưu tầm mới thành công”, Bình thổ lộ.
Theo anh Bình, trồng cây kiểng dược liệu đòi hỏi người trồng phải thật yêu nghề, phải kiên nhẫn nghiên cứu, học hỏi để hiểu biết đặc tính của từng cây và có cách chăm sóc phù hợp. “Làm nghề này còn phải biết được loại cây nào thì nhân giống bằng cách gieo hạt, loại nào thì giâm cành, chiết cành hay cấy mô; loại cây nào thường bị sâu bệnh tấn công và cách xử lý hiệu quả. Điều này đòi hỏi vừa học hỏi lý thuyết, vừa thực hành nhiều mới thành thạo được”, Bình chiêm nghiệm. Anh cũng tiết lộ trong thời gian tới, sẽ đầu tư, nâng cấp, phát triển sản xuất kết hợp mô hình du lịch canh nông, bởi nhiều du khách đến đây còn có nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.