Bà Thu (68 tuổi, ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Long, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) kể trước đây ngoài lúa, gia đình bà còn trồng một số loại cây ăn trái để tăng thêm thu nhập như mít, xoài, cam... nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì trồng manh mún, cộng thêm sâu bệnh, giá cả lên xuống thất thường.
Đến năm 2013, phong trào trồng chanh không hạt bắt đầu phát triển mạnh ở Trường Hòa, được chị em trong ấp vận động, bà mạnh dạn phá bỏ 3 công đất (3.000 m2) trồng cây ăn trái kém hiệu quả chuyển sang trồng chanh không hạt.
“Lúc đầu tôi cũng băn khoăn vì chanh không hạt là giống cây mới. Nhờ các chị em trong Chi hội phụ nữ ấp hỗ trợ tiền mua cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên tôi cũng yên tâm làm theo”, bà Thu nói.
Sau một năm rưỡi trồng, chăm sóc theo hướng dẫn, vườn chanh không hạt của bà Thu bắt đầu cho trái. Ngay đợt thu hoạch đầu tiên, thương lái vào tận vườn thu mua với giá gần 20.000 đồng/kg. Từ đó tạo cho bà thêm niềm tin để cải tạo 7 công đất, mở rộng diện tích trồng chanh.
Theo bà Thu, trồng chanh không hạt ít tốn thời gian và công chăm sóc, sâu bệnh không nhiều như các loại cây có múi khác. Chanh không hạt được trồng bằng cây ghép, mỗi công khoảng 70 - 80 gốc, mỗi gốc trồng cách nhau 3 m để tạo khoảng trống cho cây ra tàn. Cây chanh không hạt cho trái quanh năm, cứ 2 tuần thu hoạch một lần nên nhà vườn có thu nhập liên tục.
Mấy năm gần đây, trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác thường rơi vào cảnh thừa hàng, ế chợ thì chanh không hạt luôn có đầu ra ổn định. Đặc biệt vào những tháng cao điểm khô hạn vừa qua, nguồn chanh khan hiếm, lượng chanh thu hoạch không đủ tiêu thụ, thương lái thu mua với giá 32.000 đồng/kg. Còn những lúc thấp điểm, giá chanh cũng không dưới 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, hiệu quả kinh tế của chanh không hạt không thua kém cam sành, bưởi Năm Roi…
Với ưu điểm trái to, vỏ mỏng, nhiều nước, chanh không hạt không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà thị trường xuất khẩu cũng rất hút hàng. Nắm bắt được xu hướng này, bà Thu bàn với gia đình tìm cách trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP để tiêu thụ với công ty nước ngoài.
“Tôi muốn tìm hướng đi ổn định hơn, cũng như cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng”, bà Thu nói. Đầu năm nay, bà hợp tác với một công ty của Hà Lan bao tiêu toàn bộ sản lượng chanh không hạt do gia đình bà sản xuất. Phía công ty hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như hướng dẫn cách sử dụng, còn nhà vườn phải tuyệt đối tuân thủ theo quy trình. Trước mỗi lần thu hoạch đều có nhân viên đến lấy mẫu chanh đem xét nghiệm. Khi trái đạt trọng lượng từ 50 - 60 gr và đáp ứng các yêu cầu đặt ra mới hái hàng loạt. Bù lại, công ty luôn thu mua cao hơn giá thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg. Từ tháng 6 đến nay, bà Thu đã bán cho công ty được 3 đợt, với hơn 1 tấn trái, giá từ 19.500 đồng/kg. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, bà đã thu về gần 100 triệu đồng, trừ đi các chi phí còn lời hơn 70 triệu đồng.
Ở ấp Trường Hòa hiện có nhiều vườn cây ăn trái đang được phủ xanh bởi diện tích trồng chanh không hạt. Cũng giống như bà Thu, 30 chị em phụ nữ trong ấp quyết định theo cây chanh không hạt và đều có cuộc sống khấm khá hơn so với trước. Bà Thu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh không hạt cho bà con qua số điện thoại: 0939404643.
Bình luận (0)