Phát biểu mở màn diễn đàn mở của hội nghị WEF ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đã nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp 4.0 “sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống, định nghĩa lại xem chúng ta là ai”.
Đó là những dự đoán có tầm nhìn rất xa, nhưng có thể sẽ là những thực tế đến với thế giới, với cộng đồng ASEAN trong vài ba năm tới. Nói cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 định hình lại gần như toàn bộ thế giới con người thời hiện đại, thậm chí “định nghĩa lại xem chúng ta là ai”, thì đúng là nói về một cuộc cách mạng. Dường như, chưa có cuộc cách mạng nào trong quá khứ lại có tầm vóc và độ lan tỏa rộng như thế. Một quan chức có lẽ là trẻ nhất tại diễn đàn này, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia - Syed Saddiq Syed Abdul Rahma, 26 tuổi, đã có một câu nói hết sức già dặn: “Quan trọng là thanh niên cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng. Xưa nay, người ta vẫn quan niệm khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già. Nhưng hiện nay người trẻ là những người có năng lực. Cần phải công nhận vai trò, năng lực của người trẻ”.
Với ASEAN và VN, CMCN 4.0 sẽ đến theo nhu cầu, cái nào có trước, cần trước thì đến trước, chứ không phải cùng “ập đến” một lần. Đó là CMCN, đồng thời là cách mạng giáo dục, cách mạng thương mại, cách mạng dịch vụ, nên sẽ có rất nhiều hình thức đan xen, phần này bổ túc cho phần kia, cái này xuất hiện và thành công gợi ý cho sự xuất hiện của cái khác. Cùng với internet và công nghệ số, 4.0 sẽ giúp chính chúng ta thay đổi, giúp chúng ta “định hình lại bản thân”. Sẽ không có chuyện con người trở thành nô lệ cho máy móc, cho robot, mà chính con người sẽ là chủ nhân trí tuệ của những máy móc tân kỳ nhất. Những sáng tạo của con người sẽ làm con người tự do hơn, và đó chính là cuộc cách mạng về tinh thần, cuộc cách mạng nội tâm mà ngày trước nhà văn Nga vĩ đại Lev Tolstoi đã mơ ước.
Nhưng muốn chủ động đón CMCN 4.0, thì phải xác định lực lượng chính thực hiện cuộc cách mạng này tại ASEAN nói chung, VN nói riêng, đó là những người trẻ. Vậy thì ngay từ bây giờ, lực lượng trẻ ấy phải “tập bơi” và phải “biết bơi”, thậm chí bơi giỏi khi ra “biển lớn 4.0”.
Trong bài viết “Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN trong thời kỳ CMCN 4.0” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh mục tiêu rèn luyện kỹ năng “bơi” này: “Tìm kiếm và tạo động lực mới gắn với CMCN 4.0, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn thông qua đẩy mạnh cải cách, khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp và người dân, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các điều kiện cần thiết thích ứng với môi trường công nghệ mới và đáp ứng yêu cầu của phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng”.
“Bơi” như thế thật không dễ, nhưng không thể không “bơi”. Vì đó là cuộc “bơi chung” của toàn thế giới, của cộng đồng ASEAN và của VN chúng ta.
Bình luận (0)