Cụ thể, trong quá trình Bộ Công an và Công an TP.HCM huy động lực lượng phong tỏa khu vực ấp Bốn Phú (xã Trung An, H.Củ Chi, TP.HCM) để truy bắt Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn Khỉ), nghi phạm xả súng vào sới bạc khiến 4 người chết, 1 người bị thương, có rất đông người dân hiếu kỳ, tụ tập tại gần hiện trường để theo dõi và livestream trên mạng xã hội, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra với mình. Thậm chí, có người còn tìm cách len lỏi vào phía trong ranh giới khu phong tỏa để xem, bán vé số...
Tương tự, chiều tối 30.1, khi công an phong tỏa căn nhà trên đường Lý Thái Tổ (P.9, Q.10, TP.HCM) có người nam nghi ngáo đá, tàng trữ vũ khí nguy hiểm, nhiều người dân cũng tụ tập, tiếp cận hiện trường để livestream, chụp ảnh, buộc công an yêu cầu rời khỏi hiện trường để tránh nguy hiểm…
Theo luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM, sự hiếu kỳ của người dân vô tình tạo nguy hiểm cho chính bản thân họ và có thể cản trở người thi hành công vụ.
“Khi thi hành nhiệm vụ và xác định khu vực nguy hiểm, lực lượng chức năng sẽ phong tỏa một khu vực nhất định và cấm người dân đi lại trong khu vực bị phong tỏa. Nếu người dân vẫn cố tình đi vào khu vực cấm, gây khó khăn hoặc cản trở người thi hành công vụ, thì có thể bị xử phạt hành chính từ 2 - 3 triệu đồng vì hành vi “tập trung đông người trái pháp luật tại địa điểm, khu vực cấm” hoặc hành vi “gây rối, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức”, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trường hợp người dân dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thì có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ”, luật sư Vũ khuyến cáo.
Bình luận (0)