Ước mơ làm chủ cuộc đời mình
Lương Văn Huy (35 tuổi, Hải Phòng) từng tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội và làm việc hơn 3 năm trong một công ty logistics tại Hà Nội.
Huy kể: "Có lẽ là do có duyên với Nhật Bản nên vô tình minh gặp được người giới thiệu cho mình sang Nhật du học. Mình bắt đầu du học tiếng Nhật một năm tại Okinawa , sau đó theo học chương trình thạc sĩ trong lab của GS Takeuchi, chuyên ngành kinh tế Nhật Bản. Sau tốt nghiệp, mình làm việc trong một công ty du lịch tại Tokyo. Công việc chính là làm điều hành, thiết kế chương trình tour, đặt và quản lý toàn bộ dịch vụ trong một chương trình tour. Các khách chính mình làm là Việt Nam, Philippines, Trung Quốc".
Huy những ngày đầu ở Nhật
|
Thế nhưng, Huy lại rời công việc khá ổn định và có thu nhập đó để rẽ ngang sang... làm phở. Lý giải về điều này, Huy thổ lộ: "Dù mọi thứ có vẻ thuận lợi đối với mình, nhưng thực sự mình chưa bao giờ thôi ước mơ được làm một công việc của chính mình. Nó giống như một "gánh nặng" đè lên vai mà không thể nào gỡ ra được. Mình muốn được tự mình quyết định cuộc đời của chính mình. Nhưng thực hiện nó không hề đơn giản, đặc biệt đối với hoàn cảnh của mình lúc đó: là người nước ngoài nên có nhiều rào cản về ngôn ngữ,
văn hóa, khó khăn trong việc xin tư cách cư trú, đã có vợ con nên không được phép làm việc một cách tùy tiện và đem cuộc sống cả gia đình ra đặt cược".
Mặc dù có sợ, có lo, nhưng ước mơ làm chủ cuộc đời mình quá lớn đã thôi thúc Huy quyết định thành lập công ty TNHH JVF (Japan Vietnam Food). Không giống như mô hình của nhiều công ty do người Việt đang làm tại Nhật Bản là chọn theo phương thức
kinh doanh đa ngành để tránh các rủi ro về doanh số bán hàng, Huy chọn phương thức sản xuất chuyên sâu, chỉ tập trung vào một loại sản phẩm để có thể đạt được chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất trên thị trường. Trước đó, Huy đọc rất nhiều sách về kinh doanh để thấu hiểu 3 vấn đề cần giải quyết khi trở thành ông chủ là :Khách hàng của bạn là ai? Điểm mạnh của bạn trên thị trường này là gì? Nếu thất bại, điều tồi tệ nhất đến với bạn là gì?
"Sản phẩm của mình có tên Original-Pho, bao gồm bánh phở tươi và phở cuốn tươi, đã được Nhật cấp phép sản xuất chính thức, đạt tiêu chuẩn VSATTP khắt khe tại Nhật, hoàn toàn không sử dụng hóa chất phụ gia để tạo dai cho bánh phở, là xưởng sản xuất bánh phở tươi chuẩn Việt đầu tiên và duy nhất tại Nhật Bản cho đến thời điểm hiện tại", Huy chia sẻ.
Hành trình dài đi đến thành công
Huy tự tin nhận mình là người nấu ăn khá và có vị giác cực kỳ khó tính, đến độ khi thử một món Việt Nam thì về cơ bản có thể đoán được trong đó có những gì, khuyết điểm của nó ra sao. Huy nhận ra ở Nhật, phần lớn
người Việt mặc dù thích ăn món Việt, thích phở nhưng đều không thể hài lòng sau mỗi lần ra khỏi nhà hàng, trong khi đó phần lớn người Nhật sau khi ăn tại các nhà hàng Việt Nam lại rất thích và khen phở Việt rất ngon. Tuy nhiên thật khó để nhận được lời khen từ những người Nhật đã từng đến và ăn phở tại Việt Nam.
Việc trở thành ông chủ sản xuất phở tươi của Huy có sự đồng hành, động viên lớn của vợ con
|
"Mình rất tự hào về phở Việt Nam nhưng cũng buồn mỗi khi nhận được những lời nhận xét phở Việt ở Nhật ngon nhưng không thuần Việt.
Có lẽ vì cái tôi của người Việt chứng kiến những việc như thế đã khiến món phở trở thành nỗi day dứt trong lòng mình mình lúc nào không hay. Mình đã lập một bản kế hoạch nho nhỏ về việc mình sẽ làm một cửa hàng bán món phở Việt chuẩn 100% hương vị Việt, tất nhiên là vẫn phải phác thảo câu trả lời cho 3 câu hỏi phía trên. Điều tuyệt vời nhất là sau nhiều lần thảo luận về
kế hoạch kinh doanh thì khi đây là lần đầu tiên mình nhận được sự ủng hộ từ vợ", Huy bày tỏ.
Đầu năm 2018, Huy có cơ hội được gặp "sư phụ" trong ngành phở của mình. Cả hai vợ chồng Huy đã thu xếp về Việt Nam, mang con nhờ ông bà trông rồi lên đường đến xưởng của thầy ở Bà Rịa Vũng Tàu. Mang tiếng là về quê 2 tuần nhưng thực tế Huy chỉ ở chơi với gia đình được khoảng 2 ngày, còn lại là đi học việc. Sau khi quay trở lại Nhật, Huy bắt đầu lập bản kế hoạch làm việc một cách chi tiết và liệt kê tất cả những yêu cầu cần phải giải quyết trước khi chính thức triển khai và phải mất hơn nửa năm để giải quyết việc này.
Theo đó, khó khăn nhất chính là vấn đề nguồn nguyên liệu. Để sản xuất được phở tươi ở Nhật thì cần phải kiếm được loại gạo phù hợp, máy móc đảm bảo yêu cầu về an toàn theo tiêu chuẩn của Nhật, đảm bảo sản xuất được sợi phở mềm và dai giống như ở Việt Nam mà không được phép sử dụng bất kỳ một loại hóa chất phụ gia nào như một số cơ sở ở Việt Nam vẫn đang sử dụng. Theo Huy, người Nhật có thói quen bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, nghĩa là sản phẩm của Huy phải thích nghi được việc này trong khi trên thực tế thì phở ở Việt Nam không được bảo quản bằng tủ lạnh.
Hai vợ chồng miệt mài nghiên cứu để có được bánh phở tươi không chất bảo quản vẫn dai, ngon
|
Tháng 4.2019 Huy chính thức đăng ký thành lập công ty và bắt đầu công cuộc tìm kiếm mặt bằng sản xuất. Tìm mặt bằng để mở xưởng sản xuất thực phẩm ở Tokyo là việc không hề dễ dàng, Huy lại mất thêm 4 tháng mới tìm được địa điểm phù hợp. Để làm được phở 100% chuẩn Việt thì dây chuyền máy móc cũng phải đảm bảo giữ được 100% nguyên lý hoạt động như ở Việt Nam và đương nhiên không thể nhập khẩu nguyên chiếc một chiếc máy phở chuyên dụng từ nhà sang. Điều này đồng nghĩa với việc Huy phải tự tay lắp giáp chiếc máy làm phở của riêng mình ngay tại Nhật.
Từ một nhân viên văn phòng thuần túy, Huy đã tìm hiểu và mua tất cả các loại máy móc cơ khí cần thiết như khoan, cắt, hàn, tiện, mài... và tìm hiểu cách thức sử dụng. Sau khi hoàn tất việc nhập khẩu một số linh kiện máy móc cần thiết Huy đón "sư phụ" của mình sang để bắt tay vào công việc chế tạo máy. Hai thầy trò làm việc miệt mài suốt hai tuần lễ để dựng lên chiếc máy bắt đầu từ việc đo đạc, hàn cắt từng cây sắt... Bởi thế mọi người đùa rằng Huy đã có thêm một nghề phụ đó chính là nghề... cơ khí.
Bánh phở của Huy khiến những thực khách khó tính nhất cũng hài lòng
|
Đến công đoạn sản xuất phở cũng là cả một vấn đề. "Bột gạo làm bánh phở bắt buộc phải xay bột gạo nước, nếu như ở Việt Nam, các cơ sở sản xuất phở có thể nhờ các đơn vị khác gia công mặt cối xay bột giúp họ thì ở Nhật, đây là chuyện không thể. Mình đã phải tự lo khâu đó nên có thêm một
kỹ năng nữa là gia công đá, đục cối... Làm phở ở Nhật tuyệt đối không sử dụng phụ gia tạo dai lại là chuyện càng khó, kết hợp với việc cho phở vô tủ lạnh xong bỏ ra ngoài chần lại vẫn không bị đứt gãy, thì đó là chuyện mà người ta thường nói là điều không tưởng, Nhưng mình đã làm được", Huy bày tỏ.
Thành công lớn nhất của Huy có lẽ là đã làm nên một sản phẩm được đông đảo người Việt và người Nhật khó tính chấp nhận. Huy nhận được sự hỗ trợ đầu tư máy móc từ ngân hàng, từ quỹ hỗ trợ
phát triển doanh nghiệp của thành phố Tokyo. Hiện tại năng lực sản xuất của máy móc có thể đạt 120kg/giờ, tuy nhiên trên thực tế Huy chỉ đang sản xuất khoảng 2 tấn mỗi tháng
vì cần phải chắc chắn được khả năng kiểm soát quá trình sản xuất cũng như xử lý các sự cố bất thường, tránh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như uy tín với khách hàng.
Huy cho biết ước mơ lớn nhất của mình là xây dựng lại một hình ảnh thực sự chuẩn mực cho
phở Việt trên đất Nhật và đang nỗ lực để mang một văn hóa phở Việt chân thực đến với người Nhật. "Trong tương lai gần mình sẽ nội địa hóa 100% sản phẩm này bằng cách kết hợp với hợp tác xã nông nghiệp tại Nhật để canh tác giống lúa của Việt Nam dùng để sản xuất bánh phở ngay tại đất Nhật", ông chủ sản xuất phở tươi tại Nhật bày tỏ.
Bình luận (0)