Đội tuyển đặc biệt này tham dự Rio 2016 với 10 VĐV, trong đó có 6 VĐV điền kinh người Nam Sudan và Ethiopia, 2 võ sĩ judo người CHDC Congo, 2 VĐV bơi lội người Syria. Tờ Le Point dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach nhận định: “Những VĐV này đang tha hương nên chẳng còn nhà cửa, dụng cụ, quốc kỳ hay quốc ca. Tham dự thế vận hội là dịp để họ có một chỗ cư ngụ đàng hoàng ở làng Olympic cùng với tất cả VĐV đến từ khắp nơi trên thế giới”. Tại lễ khai mạc, đội tuyển người tị nạn sẽ diễu hành với cờ Olympic ngay trước đoàn chủ nhà Brazil.
Ông Bach quyết định thành lập đội tuyển này sau khi đến thăm trại tiếp nhận người nhập cư Eleonas ở thủ đô Athens của Hy Lạp hồi tháng 1. Chủ tịch IOC cho biết đây là cách “thu hút sự quan tâm của mọi người đối với tình trạng của 60 triệu người tị nạn trên thế giới và gửi thông điệp hy vọng đến họ”. Hồi cuối tháng 4, ngọn đuốc Olympic đã đi ngang trại Eleonas và anh Ibrahim al-Hussein, vận động viên khuyết tật người Syria, đồng thời cũng là trại viên tại đây, đã được tham gia rước đuốc. IOC cũng đã dành một quỹ trị giá 2 triệu USD để thực hiện dự án phát triển thể thao trong các trại tị nạn trên khắp thế giới. Một phần quỹ này được dùng để hỗ trợ đội tuyển người tị nạn.
Đội tuyển này được IOC chăm sóc rất chu đáo. Tuy chỉ gồm 10 VĐV nhưng họ được một đội ngũ đến 12 người theo sát, gồm 5 HLV, 1 bác sĩ, 1 chuyên gia vật lý trị liệu, 1 tùy viên báo chí kiêm phát ngôn viên và 5 quan chức phụ trách các công tác hành chính. Hồi tháng 6, hai VĐV judo của đội tuyển tị nạn là Popole Misenga và Yolande Bukasa Mabika đã được Chủ tịch IOC đưa đi thăm làng Oympic. Cả hai là người CHDC Congo, hiện sống ở Brazil. Họ có lẽ là những VĐV đầu tiên được khám phá phòng sẽ ở trong ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh vào tháng 8 tới.
Kéo thuyền phao cứu người
Cô Yusra Mardini, VĐV 18 tuổi người Syria, sẽ đại diện đội tị nạn tranh tài ở Rio 2016 đã từng làm cả thế giới xúc động vì hành động dũng cảm vào tháng 8.2015, theo tờ Le Nouvel Observateur. Khi ấy, Mardini cùng chị bị bọn tội phạm tổ chức nhập cư lậu đưa lên thuyền phao từ Thổ Nhĩ Kỳ để vượt biển đến đảo Lesbos của Hy Lạp. Chiếc thuyền vốn chỉ chở được 7 người nhưng bị “nhồi nhét” đến 18 người. Trong số đó, ngoài 2 chị em nhà Mardini chỉ còn 1 người biết bơi. Chiếc thuyền đang lênh đênh giữa biển thì có nguy cơ bị chìm. Thay vì tự bơi thoát thân, bất chấp nguy cơ kiệt sức giữa chừng, 2 chị em Mardini đã cùng nhau kéo thuyền trong vòng 3 giờ để đưa tất cả mọi người vào bờ. Sau khi đến Lesbos, cả 2 tiếp tục lên đường đến Đức. Tại nước này, Yusra đã có thể tiếp tục niềm đam mê bơi lội và được giới thiệu để chạm vào giấc mơ Oympic.
|
Bình luận (0)