Từ tranh chép đến tranh giả

29/07/2017 08:14 GMT+7

Không ít họa sĩ nhận định: nếu tranh được chép nguyên cả chữ ký của họa sĩ sẽ thành tranh giả, điều này khiến nhiều người yêu nghệ thuật chưa có kinh nghiệm mua lầm.

Mong manh giữa tranh chép và tranh giả
Cuối tháng 6 vừa qua, nữ họa sĩ gốc Hà Nội Trần Thùy Linh (hiện sống tại TP.HCM) đã tố cáo nhiều tranh của chị bị nhái, từ phong cách tới bố cục. Thậm chí có nhiều tranh bị sao chép cả chữ ký và được chào bán rộng rãi trên các trang mạng nghệ thuật. Trước sự lộng hành này, chị chỉ biết viết trên mạng xã hội để cảnh báo cho những người yêu thích tranh của mình.
Họa sĩ Lê Thế Anh hồi tháng 5 cũng rất bất bình khi nhận thấy bức tranh sơn dầu Hồng môi (khổ 80 x 80 cm), vẽ năm 2014 về một cô bé dân tộc mà anh từng bán cho một nhà sưu tầm, nay đã được sao chép không xin phép và bày bán công khai tại một cửa hàng tranh ở đường Trần Phú, Q.5, TP.HCM. Sự việc chỉ được phát hiện khi một người bạn của họa sĩ tình cờ đi qua phòng tranh và chụp lại bức tranh chép.
Từ tranh chép đến tranh giả 1
Tranh chép bức Hồng môi của họa sĩ Lê Thế Anh được bày bán công khai Ảnh: NVCC
Tháng 2.2011 từng xảy ra vụ họa sĩ Văn Thơ báo Công an P.Tràng Tiền (Hà Nội) tới bắt quả tang, thu giữ bức tranh chép tác phẩm của ông tại Gallery Viet Fine Arts (28 Tràng Tiền) mà không xin phép. Họa sĩ Văn Thơ cho biết, chủ Gallery Viet Fine Arts - ông Đỗ Doãn Thành, là người thường xuyên giao dịch và mua trực tiếp tác phẩm của họa sĩ rồi bán tại hai cơ sở của gallery là 96 Hàng Trống và 28 Tràng Tiền. Từ năm 2008, họa sĩ Văn Thơ đã bắt quả tang Gallery Viet Fine Arts bán hai tác phẩm mạo danh ông. Dù phòng tranh này đã cam kết sẽ không tái phạm, nhưng họa sĩ Văn Thơ vẫn bắt gặp thêm hai lần tranh giả của ông được bán tại đây. Ông Đỗ Doãn Thành bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng về hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm theo Văn bản số 56/SVHTTDL-TTr của Thanh tra Sở VH-TT-DL Hà Nội. Tuy nhiên, mức phạt trên bị nhiều họa sĩ phản ứng vì quá thấp, không đủ sức răn đe.
Quản lý tranh chép còn lỏng lẻo
Ở nhiều nước, tranh chép được quản lý rất chặt chẽ. Họa sĩ vẽ tranh gốc ký thỏa thuận với phòng tranh, đồng ý cho nhân bản bức tranh và được hưởng phần trăm trên số tranh nhân bản bán được. Trong khi đó, việc quản lý tranh chép ở nước ta vẫn còn lỏng lẻo.
Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL) cho biết không cấm tiệt tranh chép nếu có thỏa thuận với tác giả bản gốc. Nếu sao chép không được sự đồng ý của chủ sở hữu thì mới vi phạm bản quyền. Cũng theo ông Thành, tranh sao chép cần tuân thủ các nguyên tắc: không được đúng khuôn khổ của bản gốc (hoặc phải bé đi, hoặc phải to hơn). Phải ghi tên người chép dưới chữ ký của tác giả gốc. Với các tác phẩm của tác giả đã qua đời quá 50 năm, hết hạn bảo hộ bản quyền, thì được tự do chép.
Từ tranh chép đến tranh giả 2
Tranh gốc của họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương... Ảnh: Họa sĩ cung cấp
Từ tranh chép đến tranh giả 3
và tranh bị chép lại Ảnh: Lucy Nguyễn
Ông Thành nói thêm, nếu phát hiện tranh chép vi phạm bản quyền thì họa sĩ hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc cần báo thanh tra văn hóa, công an phường, quản lý thị trường… để giữ nguyên tang chứng, có thể xử lý theo Nghị định 158 của Chính phủ tùy theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ký ngày 12.11.2013 vẫn chưa thấy quy định riêng trong việc xử lý đối với trường hợp vi phạm quy định về nhân bản (sao chép), tàng trữ tác phẩm mỹ thuật bị sao chép.
Ông Nguyễn Mạnh Quý (Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM) khẳng định: “Nếu phát hiện tranh sao chép vi phạm bản quyền, chủ sở hữu cần yêu cầu nơi sao chép gỡ bỏ và nộp đơn khiếu nại cho cơ quan chuyên ngành (thanh tra văn hóa) để tiến hành xử lý. Các họa sĩ chưa đi đăng ký bản quyền tác phẩm vẫn được bảo hộ khi có tranh chấp”.
Theo luật sư Lê Quang Vy: “Luật Sở hữu trí tuệ quy định, mọi hành vi sao chép không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả đều là hành vi xâm phạm bản quyền (trừ trường hợp sao chép để sử dụng cho mục đích học tập, hay nghiên cứu của riêng mình). Chủ sở hữu được khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hành vi xâm phạm quyền tác giả có quy mô thương mại đều có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm, tác giả vẫn được quyền khởi kiện, nhưng đơn khởi kiện phải chứng minh tác phẩm đó là của mình”.
Tranh Mona Lisa giá chỉ 1 triệu đồng
Rong ruổi hết khu phố Tây Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM)..., có thể dễ dàng thấy tranh chép của các danh họa quốc tế như Picasso, Gauguin, Van Gogh, Klimt, Monet... và các họa sĩ tên tuổi của VN được bán với giá quá rẻ. “Loại tranh chép này khách Tây thích lắm, cửa hàng chúng tôi bán rất đắt hàng. Khách Tây mua làm kỷ niệm, quà lưu niệm...”, anh bán hàng nói.
Tại gallery nào cũng có ít nhất vài thợ chép trẻ măng, cần mẫn ngồi tút lại tranh. “Bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci giá chỉ 1 triệu đồng. Bức Hoa diên vĩ của danh họa Van Gogh cũng chỉ 500.000 đồng thôi. Cứ nguyên tắc là Tây thì chơi tranh Việt và Việt chơi tranh Tây”, một người thợ nói. Khách cũng có thể chọn mua tranh chép của họa sĩ tên tuổi VN như Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo... với giá rất rẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.