Năm 2010, tổng kinh phí trợ giá cho xe buýt hết gần 800 tỉ đồng. Sang năm 2011, con số này tăng thêm 450 tỉ đồng, lên gần 1.269 tỉ đồng. Qua đến năm 2012, tổng mức trợ giá tiếp tục bị đẩy lên 1.500 tỉ đồng. Để tăng nguồn thu, giảm bớt trợ giá từ ngân sách, từ ngày 1.1.2013 giá vé xe buýt tại TP.HCM tăng thêm 1.000 đồng/lượt. Với mức tăng này, dự kiến mỗi năm sẽ thu khoảng 240 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoản thu này cũng chỉ vừa đủ bù đắp tăng chi phí tiền lương nhân công trong hoạt động xe buýt thành phố năm 2013. Vì vậy, Sở GTVT thành phố đã kiến nghị duy trì mức trợ giá vé xe buýt trong năm 2013 bằng với năm 2012.
Thay vì thực hiện nhanh việc quảng cáo trên phương tiện công cộng này, mà theo tính toán thu về mỗi năm hàng trăm tỉ đồng, thành phố lại chọn cách tăng giá vé. Trong khi ai cũng biết, xe buýt là phương tiện của rất nhiều người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên...
Việc nói không với quảng cáo trên xe buýt hàng chục năm qua tại TP.HCM là một lãng phí rất lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp để cân đối cho các mục tiêu phát triển. Một nguồn thu trong tầm tay, một nguồn thu nhiều nước đã và đang làm, một nguồn thu mà các tỉnh, thành trong nước đang thực hiện lại bị bỏ qua với những lý do mơ hồ và bảo thủ. Nếu tính mỗi năm thu 100 tỉ đồng, thành phố đã mất cả ngàn tỉ đồng từ việc nói không với quảng cáo trên xe buýt thời gian qua. Sau nhiều ý kiến, đến giữa năm 2011 thành phố mới đồng ý triển khai xây dựng đề án quảng cáo trên xe buýt. Nhưng đến nay, bất chấp những người trong cuộc sốt ruột, bất chấp mức trợ giá vẫn tăng..., việc quảng cáo trên xe buýt vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo kế hoạch phát triển hệ thống xe buýt của TP.HCM từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ bỏ 2.000 tỉ đồng để mua 1.680 xe buýt mới thay thế xe buýt hiện đã xuống cấp. Những khoản chi để phát triển hệ thống vận tải công cộng còn rất nhiều, rất lớn. Vì vậy, điều cần làm lúc này là nhanh chóng "cởi trói" thực sự cho chính mình để có thêm các khoản thu chính đáng, hợp lý, giảm áp lực cho ngân sách.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)