Tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên: Làm sao cha mẹ phát hiện, ngăn ngừa?

04/05/2022 11:34 GMT+7

Những ngày gần đây, nhiều vụ tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên đã gây không ít lo lắng cho các bậc làm cha làm mẹ. Chuyên gia cho biết thực trạng này đang ở mức đáng báo động. Vậy, làm cách nào để cha mẹ có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời ý định, hành vi tự sát của con trẻ?

Tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa, can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên” diễn ra sáng nay 4.5, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đã giúp các bậc phụ huynh trả lời cho câu hỏi đó. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần tại trường ĐH KHXH&NV Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia cũng như nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ
cao an biên

Đáng báo động!

Tại chương trình, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết hiện nay, vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng gia tăng ở mức báo động. Theo số liệu thống kê, thực trạng tự tử ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng, năm 2019 chiếm 7.5% dân số. Tuy nhiên trên thực tế, con số có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.

Tại sự kiện, các chuyên gia trình bày nhiều tham luận khác nhau liên quan đến vấn đề tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên như:

1. Hiểu biết chung về Tự sát ở Trẻ em và Thanh thiếu niên (PGS.TS. Trần Thành Nam, Trưởng khoa Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục ĐHQG Hà Nội)

2. Tiếp cận y khoa và Sức khỏe tâm thần về tự sát ở Trẻ em và Thanh thiếu niên (ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM)

3. Tác động của các yếu tố xã hội lên hành vi tự sát ở Trẻ em và Thanh thiếu niên (ThS. Nguyễn Thị Thanh Tùng, Khoa Công tác xã hội trường ĐH KHXH&NV Đại học Quốc gia TP.HCM)

4. Đi tìm hướng tiếp cận đánh giá nguy cơ tự sát ở Trẻ em và Thanh thiếu niên (TS. Lê Nguyên Phương, Chuyên gia Giáo dục và Tâm lý, Nhà sáng lập và Giám đốc Chuyên môn tại Minerva Education)

5. Ảnh hưởng của Gia đình đến Hành vi Tự sát ở Trẻ em và Thanh thiếu niên (TS. Nguyễn Văn Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần tại trường ĐH KHXH&NV Đại học Quốc gia TP.HCM)

Chuyên gia so sánh trên thế giới, năm 2004 tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong cho trẻ em từ 10 - 14 tuổi, thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi, thanh niên 20 - 24 tuổi. Còn năm 2014 đến nay, tự tử đã là nguyên nhân thứ 2 gây ra tình trạng trên, chỉ sau tai nạn giao thông. Đáng nói, tình trạng tự tử ở thanh niên 15 - 24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.

TS.Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì buổi tọa đàm

cao an biên

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 từ năm 2020 - 2022, tự tử lại càng đáng báo động khi tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần tăng 3 - 5 lần so với bình thường khi theo khảo sát của WHO ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6 khu vực cho thấy số ca tăng đáng kể, số người khám sàng lọc đáp ứng trầm cảm tăng 535%. Cũng theo đó trong giai đoạn này, nhóm tuổi từ 11 - 17 tuổi có tỷ lệ tự tử cao nhất”, PGS.TS. Trần Thành Nam thông tin.

Làm gì để hỗ trợ các bạn trẻ có hành vi tự gây tổn thương?

Để trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết trước hết cần phải nhận diện được tự sát, khi chủ thể có những câu nói “có vấn đề”, chẳng hạn: “Sẽ không còn làm phiền ai nữa đâu”, “Chả còn gì quan trọng cả”, “Thôi, mọi việc đều vô ích thôi”, “Chả còn gặp ai nữa đâu mà nói”...

Bên cạnh đó, theo chuyên gia trẻ có ý định tự sát cũng có những hành động bất thường như: bỗng dưng sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký cho người này món này, người kia món kia mà mình yêu thích, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, có hành động trả ơn bố mẹ…

Cha mẹ cần có những hành động kịp thời khi phát hiện con có hành vi, ý định tự tử
l.m.c

“Khi một người nào đó đang gặp khó khăn, họ có thể xem xét làm hại bản thân hoặc lấy đi mạng sống của mình. Họ tự làm đau như cắt tay, có nhiều hành vi mạo hiểm: “Tôi sẽ thử mọi thứ, tôi không sợ chết” thậm chí nói về tự tử… Có rất nhiều dấu hiệu khác nhau để cảnh báo tự tử”, chuyên gia nói.

Vậy, làm gì nếu phát hiện trẻ có ý định tự tử? Theo PGS.TS. Trần Thành Nam người tự tử thường có mong muốn mãnh liệt là được chết, nhưng cũng có mong muốn được sống. Trước hết, phụ huynh hãy tìm hiểu động cơ tự tử của con trẻ, từ đó đánh giá xác suất tự tử, tình trạng của các con từ đó có những hành động can thiệp phù hợp.

“Nên ở cạnh người có dấu hiệu muốn tự tử, không nên để họ một mình. Sau đó, đưa các em đến bác sĩ tâm thần hoặc bệnh viện gần nhất. Nên loại bỏ các vật dụng giúp họ tự tử như dao, kéo, dây thừng, thuốc… Người có hành vi, ý định tự sát phải được sơ cứu tâm lý và can thiệp khẩn cấp. Đặc biệt những người có nguy cơ cao phải được nhập viện ngay để điều trị y tế, can thiệp dược lý, gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần…”, chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên.

ThS.BSCKI. Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng khoa Tâm lý Y học, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM trình bày tham luận tại chương trình
cao an biên

Để hạn chế hành vi tự tử ở trẻ và thanh thiếu niên, các chuyên gia cũng cho biết vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội cực kỳ quan trọng. “Xây dựng và phố biến các đường dây nóng tư vấn về vấn đề tự tử cũng sẽ có những hiệu quả nhất định trong việc hạn chế vấn đề tự tử ở trẻ”, PGS.TS. Trần Thành Nam nói.

Bên cạnh việc trình bày các tham luận, chương trình cũng tổ chức thảo luận giữa chuyên gia với những người trẻ về vấn đề nói trên và nhận được những phản hồi tích cực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.