Tủ từ thiện 'Ai dư đến cho, ai cần đến lấy'

13/06/2018 09:10 GMT+7

Từ một bài viết đăng tải trên Facebook, ngày càng có nhiều người đến tủ từ thiện để 'lấy' và 'cho'. Và tủ từ thiện này dần trở thành nét đẹp của sự yêu thương, chia sẻ vì cộng đồng.

Đó là tủ từ thiện "Ai dư đến cho, ai cần đến lấy", được đặt trước Trường mẫu giáo khu phố 8, P.Phước Lộc, TX.La Gi (Bình Thuận). Đều đặn mỗi ngày, có hàng chục, thậm chí cả trăm người ghé lại đây. Có người thì lấy những bộ quần áo mà bản thân thấy đẹp, muốn sở hữu. Có người thì mang đến những bộ quần áo còn mới, đẹp, với hy vọng sẽ có người cần nó. Cứ thế, chiếc tủ này như trạm trung chuyển, chuyển giao những yêu thương.
Chủ nhân của tủ "Ai dư đến cho, ai cần đến lấy" là bà Dương Thị Thu Hồng, giáo viên Trường mẫu giáo khu phố 8. Bà Hồng kể làm nghề giáo ở vùng đất khó khăn này từ rất lâu. Bà nhận ra hàng chục thế hệ học trò từng được bà chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ phần lớn đều là con của những gia đình nghèo khó.
"Các em đến trường đi học nhưng mặc đồ rách rưới, rất đáng thương. Mỗi lần tắm rửa cho các em xong, không thể thay lại những bộ đồ cũ vì chúng nhàu nát. Cũng dễ hiểu thôi, bởi bố mẹ các em, người thì làm công nhân, người thì làm thuê, làm nông. Thế là tôi và các đồng nghiệp cảm thấy chạnh lòng nên có ý tưởng cho ra đời chiếc tủ, với hy vọng những phụ huynh khá giả sẽ đóng góp đồ cho những học sinh nghèo, thiếu thốn", bà Hồng nhớ lại.
Cách đây hai năm, bà Hồng bỏ tiền túi để đóng chiếc tủ và đặt trong khuôn viên trường, khiến những phụ huynh đưa đón con cảm thấy tò mò. "Họ hỏi, rồi họ đem đồ đến cho", bà Hồng kể. Cũng nhờ vậy mà học trò của bà được mặc những bộ đồ mới hơn, đẹp hơn.
Và cũng chính chiếc tủ từ thiện này đã "chạm" vào lòng nhân ái của người dân ở KP.8 nói riêng, P.Phước Lộc nói chung. Nhiều người dân "hiến kế" với bà Hồng nên để chiếc tủ ở ngoài trường, để họ có thể đến tặng đồ bất kỳ lúc nào mà không ảnh hưởng đến thời gian học của học sinh.
Chiếc tủ vốn nhận được sự quan tâm của mọi người, từ khi được chuyển hẳn ra ngoài trường, kèm dòng chữ được viết nắn nón: “Ai dư đến cho, ai cần đến lấy” lại càng thu hút nhiều người hơn. Và thay vì như trước đây chỉ có quần áo, mũ dép... của trẻ em, thì gần một năm nay, trong tủ có chứa cả quần áo, túi xách... dành cho người lớn.

"Tôi vui vô cùng khi chứng kiến những hình ảnh rất xúc động. Nào là có cô công nhân đưa con đến học, tranh thủ lại chiếc tủ xem đồ, thấy cái áo hợp với mình nên lấy đem về. Rồi hai hôm sau, cũng cô công nhân ấy, khi đến đón con, đã để lại một chiếc quần cho người khác có nhu cầu. Hay có cậu thanh niên thấy chiếc áo jeans hợp với mình nên gật gù trầm trồ, xuýt xoa mãi", bà Hồng kể thêm.
Cũng theo giáo viên này, khoảng gần hai tháng nay, từ khi chiếc tủ từ thiện mà bà sáng lập được đăng tải trên Facebook, được nhiều người chia sẻ, thì số lượng quần áo được người dân ở P.Phước Lộc cũng như TX.La Gi đóng góp rất nhiều, có thời điểm trong tủ có cả 500 - 600 bộ. Có nhiều bạn trẻ rủ nhau huy động và đem đến cả bao đồ với hàng chục bộ. Có người đến thấy đẹp nên đem về, nhưng thử không vừa nên đem đến, gấp gọn và để lại như cũ.
Anh Trần Thanh Hùng (ngụ P.Phước Lộc, TX.La Gi) cho biết: "Tôi từng đến tủ "Ai dư đến cho, ai cần đến lấy" để lấy đồ mặc khi thấy chiếc áo còn mới và hợp với mình. Cũng có những lúc tôi đem đến đó những bộ đồ mà mọi người trong gia đình mặc không vừa nữa. Tôi thấy chiếc tủ ấy rất có ý nghĩa, đặc biệt với những người nghèo".
Bà Hồng tâm sự: "Từ câu chuyện của chiếc tủ từ thiện này mà tôi vỡ lẽ ra nhiều điều. Nhất là trong bất kỳ ai cũng có lòng trắc ẩn, yêu thương người khác, cũng biết lo, biết nghĩ và sống vì cộng đồng. Chỉ là họ không có cơ hội để hành động. Khi tủ "Ai dư đến cho, ai cần đến lấy" ra đời, dường như là cơ hội để mọi người sống hết mình với nhau. Từ việc "lấy", "cho" những chiếc áo, cái quần là cách sống rất đẹp".
Người sống đẹp lan tỏa câu chuyện đẹp
Anh Phạm Tiến Học, Đội trưởng Đội săn bắt cướp TX.La Gi (Bình Thuận), chính là người đăng tải câu chuyện về chiếc tủ "Ai dư đến cho, ai cần đến lấy" trên Facebook. Anh Học cho biết vô tình thấy chiếc tủ ý nghĩa này nên "quyết tâm lan tỏa câu chuyện tốt đẹp ấy đến với nhiều người" bằng cách đăng lên Facebook.
"Tôi thấy rất vui vì bài viết thu hút nhiều người xem, bình luận, chia sẻ. Nhiều người cũng tag (đánh dấu) bạn bè, người thân của họ, rồi rủ nhau ủng hộ quần áo", anh Học nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.