Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước

Trong kho tàng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước thì tư tưởng về kiểm soát quyền lực nhà nước là một bộ phận quan trọng, tiêu biểu và đặc sắc nhất.

Điều này được thể hiện rất rõ trong tư tưởng lập hiến và bản Hiến pháp năm 1946 do Người làm trưởng ban soạn thảo.
 

Tất cả quyền bính là của toàn thể nhân dân Việt Nam

Trước hết, khi nói tới quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước thì điều đầu tiên trong tư tưởng và quan niệm của Người là: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Xuất phát từ quan điểm đó, Người nhấn mạnh chủ thể của kiểm soát quyền lực nhà nước trước tiên phải là nhân dân. Người cho rằng: một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân là một chính quyền “tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân... Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân”.
Với nhận thức sâu sắc đó, theo Người, khi nước đã được độc lập, quốc gia có chủ quyền thì điều đầu tiên là phải xây dựng được bản Hiến pháp để làm phương tiện thiết lập tổ chức quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Không có bản Hiến pháp đạo luật gốc của quốc gia, không thể có phương tiện pháp lý do nhân dân làm ra để giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho nhà nước.
Chính vì thế, ngay khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải “bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt”. Mặc dầu lúc đó thù trong, giặc ngoài, chính quyền non trẻ, ngàn cân treo sợi tóc. Thực hiện quyết tâm đó, sau một thời gian khẩn trương, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc ta (6.1.1946) đã bầu ra Quốc hội khóa I - Quốc hội thông qua bản Hiến pháp năm 1946 - hiến pháp đầu tiên của một nước độc lập, có chủ quyền. Toàn bộ nội dung Hiến pháp năm 1946 thể hiện nhất quán nguyên tắc “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu, nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Sử dụng Hiến pháp để giới hạn quyền lực nhà nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải sử dụng sức mạnh thần linh pháp quyền của Hiến pháp và pháp luật để giới hạn quyền lực nhà nước. Đây là nhân tố tiên quyết để hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo quan điểm của Người: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Vì thế nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, cũng tức là chủ thể tối cao của quyền lập hiến. Thông qua quyền này, nhân dân giao quyền, nhân dân ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho các cơ quan, cán bộ, nhân viên nhà nước. Bằng phương thức đó mà tổ chức quyền lực nhà nước mang sức mạnh của nhân dân, làm cho quyền lực nhà nước được hình thành một cách chính thức, cầm quyền một cách chính đáng, và buộc quyền lực nhà nước phải tổ chức và hoạt động trong giới hạn của Hiến pháp cho phép. Nói cách khác, kiểm soát quyền lực nhà nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là sử dụng Hiến pháp để giới hạn quyền lực nhà nước, buộc nhà nước phải tổ chức và hoạt động trong giới hạn của Hiến pháp.

Phân công rạch ròi quyền lực nhà nước

Người cũng cho rằng, cần phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và giữa các quyền có sự kiểm soát lẫn nhau.
Có thể nói Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã vận dụng học thuyết phân quyền về phương diện kỹ thuật một cách sáng tạo và độc đáo phù hợp với đặc thù và tương quan lực lượng trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền nhà nước non trẻ lúc bấy giờ. Nghiên cứu các quy định của Hiến pháp năm 1946 có thể thấy Hiến pháp không quy định nguyên tắc phân quyền nhưng việc phân công quyền lực nhà nước rất rõ ràng, minh bạch. Chủ tịch nước có quyền phủ quyết tương đối (yêu cầu thảo luận lại luật trong vòng 10 ngày) giống như chính thể tổng thống, chủ tịch nước được miễn trừ trách nhiệm (như chính thể nội các) nhưng nghị viện có quyền bất tín nhiệm đối với nội các, truy tố chủ tịch nước, phó chủ tịch nước hay nhân viên nội các về tội phản quốc. Các quy định này nhằm hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các nhánh lập pháp và hành pháp.

Dựa vào ý kiến của dân mà sửa chữa cán bộ, tổ chức

Thanh tra, kiểm tra, phê bình và tự phê bình là các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý. Người nói: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến vai trò cơ quan chuyên trách của nhà nước trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là các ban thanh tra trong bộ máy nhà nước. Đồng thời Người còn nhấn mạnh tính độc lập của các cơ quan này. Ngay trong Sắc lệnh số 64/SL ngày 23.11.1945 đã quy định rất rõ quyền hạn của Ban thanh tra, đặc biệt trong việc “đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong ủy ban nhân dân hay Chính phủ đã phạm tội” và “sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một tòa án đặc biệt để xử những nhân viên của các ủy ban nhân dân hay các cơ quan chính phủ do Ban thanh tra truy tố”. Những quy định trong Sắc lệnh số 64/SL ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, chính quyền non trẻ mới ra đời có mấy tháng, thể hiện sâu sắc quan điểm xây dựng một bộ máy nhà nước kiểu mới trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân.
Cùng với các hình thức kiểm tra, thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc góp ý “phê bình”, bày tỏ ý kiến của nhân dân đối với cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “... phê bình và bày tỏ ý kiến... đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”; “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Người đặc biệt nhấn mạnh hình thức phê bình trong kiểm soát quyền lực nhà nước, nhất là kiểm soát đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước. Người viết: “Để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa trên ý kiến của họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định sẽ không để xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích nhân dân góp ý kiến, phê bình đối với các cơ quan nhà nước. Người viết: “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phục vụ lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.