Hàn Phi - Tập đại thành tư tưởng pháp trị của Pháp gia
Hàn Phi (280 - 233 TCN) là công tử nước Hàn, tức con vua nhưng không phải là người thừa kế ngôi vua. Hoàn cảnh ấy giúp ông ngay từ bé đã nhìn thấy rõ các quan hệ vua-tôi và cách trị nước. Hàn Phi có tật nói ngọng. Không thành công trong việc nói, ông dốc hết tâm trí vào việc mong để lại cho đời sau cái học thuyết mà ông tin là sẽ làm cho dân yên, nước mạnh.
Xuất phát từ tình thế xã hội thời Xuân Thu-Chiến Quốc, các nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc bấy giờ đều có những triết thuyết để trị nước, an dân như: Lão Tử đề cao tư tưởng “vô vi”, “cai trị bằng cách không cai trị”; Khổng Tử dùng “nhân trị” và “đức trị”; Mặc Tử chủ trương hòa bình, kiêm ái, bình đẳng giữa người với người; chỉ riêng Hàn Phi kiên trì đề ra “luật pháp”, hay “pháp trị”, một khái niệm còn mới thời bấy giờ.
Không phải ông là người đầu tiên nêu lên học thuyết này mà trước đó, Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại đã khởi xướng. Trong tác phẩm “Hàn Phi Tử” của mình, Hàn Phi đã tiếp thu cả ba quan điểm, tổng hợp cả ba yếu tố “Pháp - Thế - Thuật” của các nhà triết học Pháp gia này và trình bày hết sức rõ ràng về ba yếu tố, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các tư tưởng, quan điểm của các bậc tiền bối và thêm vào đó phát triển những tư tưởng đặc sắc của riêng mình. Người đời vinh danh Hàn Phi là “tập đại thành” bởi vì công lao và sự tinh tế trong sự tổng hợp ba yếu tố “Pháp - Thế - Thuật”. Theo Hàn Phi, trong phép trị nước, ba nhân tố này có quan hệ mật thiết với nhau cả về nội dung lẫn hình thức. Trong đó, “Pháp” là nội dung của chính sách cai trị, còn “Thế” và “Thuật” là phương tiện công cụ để đạt mục đích đó.
Tư tưởng Pháp trị của Hàn Phi
Then chốt của việc xây dựng đất nước giàu mạnh, dưới tư tưởng của Hàn Phi, là phải dựa vào pháp luật. Có pháp luật và pháp luật được thi hành một cách phổ quát, đúng đắn thì xã hội mới ổn định, xã hội ổn định lại là tiền đề quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh, làm cho dân chúng được yên bình, hạnh phúc.
Pháp luật là văn bản và phải được công khai, “Pháp là cái chép để ở trong sách vở, đặt nơi cửa công, ban bố cho trăm họ"; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, kẻ có công thì sẽ được thưởng, kẻ có tội phải bị trừng trị, “Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu.”; dùng pháp luật làm quy chuẩn chung, "Cho nên bậc vua sáng khiến pháp luật chọn người chứ không tự mình tiến cử, khiến cho pháp luật đo lường công lao, chứ không tự mình tính toán." Ông hết sức coi trọng tác dụng của pháp luật và chủ trương xây dựng một lý luận pháp trị hoàn chỉnh, trong đó lấy “Pháp” làm hạt nhân, kết hợp chặt chẽ “Pháp”, “Thuật” với “Thế”.
Xuyên suốt trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi là hai nội dung thưởng và phạt, được xem như là công cụ sắc bén để trị nước. Tuy nhiên, công cụ này - quyền thưởng phạt, phải do nhà vua nắm giữ thì mới khống chế được bề tôi, để rơi vào tay bề tôi thì nhà vua sẽ bị áp đảo. Hàn Phi viết: “Có quyền thế thì sẽ có được sự tôn quý, còn nếu bị mất quyền thế thì sẽ bị mất luôn quốc gia, sẽ có nguy cơ bị giết hại”. Chính vì lẽ đó, vua phải ra sức củng cố uy quyền, không ngừng nâng cao địa vị và vai trò của mình trong việc cai trị đất nước thông qua việc ban hành pháp luật rõ ràng, thi hành pháp luật nghiêm minh và hơn nữa là phải sử dụng các thuật cai trị.
Tuy nhiên tư tưởng pháp trị của Hàn Phi đã ẩn giấu trong mình những hạn chế, khiếm khuyết. Trước hết, ông chỉ thấy con người ở khía cạnh vụ lợi. Điều đó chưa đúng. Con người còn có những lý tưởng cao đẹp và sẵn sàng quên mình cho những lý tưởng ấy dù cho quyền lợi cá nhân bị vi phạm. Hàn Phi đã có phần ảo tưởng khi xây dựng một lý thuyết pháp trị vững chắc dựa trên quyền lợi một ông vua, pháp luật đặt ra chỉ phục vụ một con người, chứ không phải đại chúng. Sự bình đẳng trước pháp luật mà Hàn Phi chủ trương là bình đẳng của nô lệ trước pháp luật đối với nhau. Nó không phải lý thuyết pháp trị hiện đại dựa trên quyền lợi của nhân dân lao động, khẳng định sự bình đẳng trước lao động và giá trị của cá nhân người lao động.
“Hàn Phi Tử” được xem là “cuốn sách giáo khoa dạy làm vua” độc đáo, khắc họa rõ nét chế độ phong kiến phương Đông, được viết ra bởi một thiên tài toàn diện - một trong những đầu óc lỗi lạc nhất của Trung Hoa và của nhân loại, người Trung Quốc đầu tiên dám nhìn thẳng vào sự thật với tất cả sự tàn nhẫn của nó để tìm cách đưa đến một cuộc sống yên ổn cho người dân trong khuôn khổ của thời đại dân chủ.
Cuốn sách “Hàn Phi Tử” được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị học trong Tủ sách Nền tảng Đổi đời. Độc giả có thể tìm đọc và chọn mua sách tại các không gian Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee trên toàn quốc hoặc tại App Trung Nguyên Legend Café.
TRI THỨC LÀ ÁNH SÁNG!
TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC!
(Đón đọc kỳ sau: “Đồng tiền lên ngôi: Cái nhìn toàn diện về lịch sử tài chính thế giới”)
Bình luận (0)