Tư tưởng vượt thời đại trong ‘Khuyến học’ và thế hệ thanh niên lập chí kiến quốc

21/10/2019 12:00 GMT+7

Xuất bản cách đây gần 150 năm nhưng những tư tưởng được đánh giá là vượt thời đại của Fukuzawa Yukichi trong Khuyến học vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho đến tận ngày nay.

Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) - tác giả cuốn sách Khuyến học

Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) - tác giả cuốn sách Khuyến học

Khuyến học - một cuốn sách đặc biệt, nằm trong danh mục hơn 100 đầu sách quý thuộc Tủ sách Nền tảng đổi đời được Chủ tịch - Nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết chọn lựa và trao tặng thế hệ thanh niên Việt Nam. Đặc biệt hơn khi ngay những trang đầu tiên của cuốn sách có câu: “Khuyến học - cuốn sách tạo sự hùng mạnh cho nước Nhật”, được xuất bản cách nay gần 150 năm nhưng những tư tưởng được đánh giá là vượt thời đại của tác giả Fukuzawa Yukichi vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho đến tận ngày hôm nay và là nền tảng cho thanh niên Việt tạo dựng ý thức tinh thần công dân trên lộ trình Sáng Tạo - Khởi Nghiệp - Kiến Quốc.
Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số liệu thống kê thì tỷ lệ thất bại của startup Việt Nam lên đến 80% trong năm đầu tiên và 92% trong 3 năm tiếp theo. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này và một trong những nguyên nhân sâu xa nhất chính là thế hệ thanh niên Việt Nam vẫn còn thiếu những yếu tố nền tảng trong hành trang khởi nghiệp của mình.
Theo Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ thì thanh niên khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn thiếu nhiều thứ, từ tri thức, ý chí cho tới nền tảng hỗ trợ. Đối với ông, cuốn sách Khuyến học của Fukuzawa Yukichi chính là “một tác phẩm mà tất cả các bạn trẻ đều cần để tạo dựng ý thức tinh thần công dân, phát xuất là công dân quốc gia và tột cùng là công dân toàn cầu”, từ đó mài chí lớn và chuẩn bị tâm thế tự tin dấn thân vào con đường khởi nghiệp.
Với ý thức cao độ về trách nhiệm công dân ấy, thế hệ thanh niên Việt Nam sẽ thấu hiểu và quán triệt hệ thức thành công được Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đúc rút từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại để lựa chọn ra “Tủ sách nền tảng đổi đời” với hơn 100 đầu sách quý gồm 12 lĩnh vực căn cốt nhất và trao tặng cho thanh niên Việt thông qua Hành trình từ Trái Tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu thanh niên Việt mà Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã tâm huyết khởi xướng trong gần 10 năm qua.

Sức mạnh của Tinh thần Quốc dân

“Trong chúng ta, ai cũng biết Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới chỉ trong một thời gian ngắn từ hoang tàn của chiến tranh, dẫn đầu thế giới ở rất nhiều lĩnh vực, sở hữu sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học kỹ thuật vượt trội với những thương hiệu đi khắp toàn cầu không hề thua kém phương Tây: Toyota, Sony, Honda, Panasonic… hàng hóa của Nhật hiện diện trong nhiều gia đình ở mọi nơi trên thế giới, biên giới của nước Nhật đã không còn giới hạn trong phạm vi biên giới vùng lãnh thổ. Đã có nhiều sách và nhiều nhà nghiên cứu nêu lên những lý giải làm nên thành công của dân tộc Nhật, nhưng từ đâu và ai đặt nền tảng vững chắc cốt lõi cho tất cả các thành công đó?” - đây chính là vấn đề mà Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ đã đặt ra trong phần đầu bức thư ngỏ của cuốn Khuyến học với những thông điệp mà ông tâm huyết gửi gắm cho thế hệ thanh niên Việt Nam.
Theo Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, những tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong cuốn Khuyến học chính là “ánh sáng soi rọi” cho con đường cách mạng văn minh hóa của dân tộc Nhật Bản, mở đầu cho một nước Nhật hiện đại và sau này đã trở thành cường quốc thế giới từ cuối thế kỷ 19: “Chính Fukuzawa Yukichi với tác phẩm Khuyến học là nền tảng trung tâm khai sinh ra nước Nhật hiên đại trong bối cảnh toàn bộ các nước châu Á trong khu vực u tối không có hướng phát triển, chìm đắm vào những tư tưởng phong kiến Nho giáo cổ hủ, lỗi thời. Cá nhân ông đã đặt nền móng tư tưởng cho sự trưởng thành của dân Nhật, nền tảng cho các thành tựu kinh tế của người Nhật.
Khuyến học viết cho người Nhật vào những năm 1870, sau một thời gian ông đi sang các nước Phương Tây quan sát thành tựu về văn hóa, kinh tế và xã hội. Cuốn sách chứa đựng giá trị cốt lõi: tinh thần độc lập cá nhân, chí tự cường dân tộc, kết dân tộc thành một mối làm nền tảng cho nước Nhật hùng mạnh”.
Một bạn trẻ ở Trường cao đẳng Sư phạm Trà Vinh đang đọc sách Khuyến học từ Hành trình Từ Trái Tim trao tặng

Một bạn trẻ ở Trường cao đẳng Sư phạm Trà Vinh đang đọc sách Khuyến học từ Hành trình Từ Trái Tim trao tặng

Là người luôn đau đáu về vận mệnh của dân tộc Việt, luôn nuôi dưỡng khát vọng lớn về một dân tộc Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ hơn ai hết là người vô cùng thấu tỏ sức mạnh của tinh thần quốc dân - với nền tảng là lòng yêu nước và tư duy về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với dân tộc mình.
Đó cũng chính là giá trị cốt lõi trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi mà Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ mong muốn thế hệ thanh niên Việt Nam thấm nhuần, ông lý giải: “Phương Tây khi đó đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa, Fukuzawa Yukichi nhận thức rõ nguy cơ Nhật Bản sẽ trở thành một nước thuộc địa bởi nguyên nhân “đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật mà không có Quốc dân Nhật”, nên ông đã khởi xướng tinh thần - độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân - độc lập cá nhân về tư duy, về trách nhiệm của mỗi người dân đối với vận mệnh của dân tộc. Bởi lẽ đối với ông, người dân không có chí khí tự cường, đua tranh, không có tinh thần dẫn dắt thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm. Chính cái Tinh thần quốc dân, khát vọng dân tộc hùng mạnh được Fukuzawa Yukichi nêu lên trong tác phẩm Khuyến học cùng với đức tin về dân tộc Nhật Bản là con cháu của Nữ thần Mặt Trời đã tạo nên một thế hệ dân tộc đầy chí khí để vượt qua mọi nghịch cảnh, thử thách bên trong lẫn bên ngoài, làm nên sự thần kỳ của nước Nhật như chúng ta đã thấy”.
Trong cuốn Khuyến học, Fukuzawa Yukichi từng nói: "Nếu không có chí khí độc lập, tinh thần độc lập thì mọi hình thái của văn minh chỉ còn là hình thức, hoàn toàn vô dụng".
Ông quan niệm, một đất nước dù có hạ tầng hiện đại đến đâu nhưng nếu thiếu đi dân khí thì cũng chỉ có cái xác mà không có phần hồn của nền văn minh. Trong các giá trị nền tảng của đời sống, tinh thần độc lập được Yukichi coi là trung tâm bởi suy cho cùng, một quốc gia có độc lộc lập tức là không bị lệ thuộc vào văn hóa, hệ tư tưởng, văn minh của bất kỳ quốc gia nào. Bám theo giá trị bất biến này, con người sẽ luôn vượt qua nghịch cảnh, ngược dòng thác lũ của sự ô hợp để trỗi dậy mạnh mẽ. Sống độc lập về vật chất, tinh thần, độc lập trong trách nhiệm với đất nước, ý thức rằng mình là cái tôi duy nhất để luôn có tinh thần vươn lên bình đẳng với các cá nhân, quốc gia khác chính là những tư tưởng cốt yếu nhất mà Fukuzawa Yukichi đã đả thông cho người Nhật.

Sức sống trường tồn của một tư tưởng lớn

Nói về thứ “tinh thần dẫn dắt” mà Fukuzawa Yukichi đã nêu lên trong cuốn Khuyến học, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ đặc biệt nhấn mạnh “Tinh thần thoát Á nhập Âu” và “Tinh thần đua tranh với phương Tây và vượt mặt phương Tây”. Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ ra rằng: “Trong Khuyến học, Fukuzawa Yukichi dám dũng cảm đưa ra những quan điểm mang tính chất khai sáng về tư tưởng cho người dân Nhật. Ông đã thoát ra khỏi tâm lý bầy đàn, phá bỏ và thoát ra khỏi sự ảnh hưởng những lề luật cổ hủ của Nho giáo hàng nghìn năm tại nước Nhật khi ông viết “Trời không tạo ra người đứng trên người”, “đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử” và “không phải tất cả mọi điều trong Luận ngữ đều đúng”, bỏ đi những rào cản về thiết chế hạ tầng kìm hãm sự tiến bộ xã hội, kinh tế và tri thức cho người dân Nhật để học tập và du nhập có chọn lọc các thành tựu trong mọi lĩnh vực của các nước Phương Tây thời bấy giờ”.
Tư tưởng “thoát Á” là một tư tưởng vô cùng táo bạo đối với nước Nhật thời bấy giờ. Tuy nhiên, có lẽ chính bối cảnh một châu Á “u tối không có hướng phát triển, chìm đắm vào những tư tưởng phong kiến Nho giáo cổ hủ, lỗi thời” lại là thời điểm cho sự bứt phá, tự tin vượt qua rào cản của dân tộc Nhật Bản. Có lẽ, chính Fukuzawa Yukichi đã có công làm thức tỉnh hàng triệu người dân Nhật - vốn có niềm tin mãnh liệt là con cháu của Nữ thần Mặt Trời, tạo tiền đề cho tinh thần quốc dân của Nhật Bản trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Các bạn sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh chăm chú đọc cuốn sách Khuyến học

Các bạn sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh chăm chú đọc cuốn sách Khuyến học

Bằng những kiến giải của mình, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ cũng làm rõ những ảnh hưởng mà tư tưởng của Fukuzawa Yukichi đã tác động lên cả một thế hệ người dân Nhật: “Fukuzawa Yukichi chủ trương mạnh mẽ học tập, tiếp thu học hỏi áp dụng có chọn lọc những thành tựu quản lý xã hội, quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục… của các nước phương Tây. Trong quá trình học hỏi, người Nhật bổ sung sáng tạo 2 hệ tư duy: tư duy logic, hệ thống và tư duy thực dụng ứng dụng trong kinh tế và chính trị. Nước Nhật thời bấy giờ tư duy lại về động cơ học tập, giúp họ thay đổi não trạng từ đi học để làm quan, vinh thân phì gia bằng động cơ học vì lợi ích của quốc gia dân tộc, học vì sự hùng mạnh của quốc gia, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Sẵn sàng phá bỏ những điều đã từng làm nên thành công trong quá khứ nhưng hiện tại là những rào cản, không còn phù hợp với thời cuộc để tiếp tục học tập những cái mới hơn của thế giới.
Chính từ nền tảng này, Nhật Bản đã thiết kế xây dựng lại toàn bộ thiết chế cơ sở từ thượng tầng cấp quản lý nhà nước đến hạ tầng kiến trúc vật chất, tạo đà cho sự phát triển của Nhật Bản đến tận ngày hôm nay. Không chỉ học tập chọn lọc mọi thành tựu của phương Tây, trong Khuyến học, Fukuzawa Yukichi nêu lên tinh thần dám đua tranh với các nước phương Tây về kinh tế, khoa học kỹ thuật, hun đúc cho người dân Nhật một tinh thần doanh thương, một ngạo khí đua tranh vượt mặt chính những cường quốc phương Tây đã tạo nên một loạt tập đoàn hùng mạnh quy mô trên toàn cầu. Chính tinh thần dám lấy các nước phương Tây làm đối trọng, làm mục tiêu đua tranh để vượt lên là động lực để thúc đẩy kinh tế, khoa học kỹ thuật Nhật Bản phát triển thành một cường quốc”.

Lập chí vĩ đại và Cội nguồn dân tộc Việt

Với tầm nhìn của mình, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ nhận định rằng: “Sự hùng mạnh của một quốc gia. Không phải phụ thuộc vào diện tích lớn nhỏ. Không phụ thuộc vào dân số ít nhiều. Không phải phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên nhiều hay ít… Mà sự hùng mạnh của một quốc gia phụ thuộc vào ba thành tố căn bản: I. Khát vọng lớn của quốc gia! II. Trí huệ - sự Minh triết của quốc gia! III. Sự Đoàn kết toàn diện của quốc gia”.
Nhật Bản là quốc gia có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích nhỏ bé, dân số ít nhưng nhờ dân khí tốt đã trở thành đất nước hùng cường. Nền dân khí ấy không tự nhiên mà có. Nó phải trải qua quá trình rèn giũa và tỉnh thức. Chính Fukuzawa đã giúp tái thiết lại nền dân khí quốc gia thông qua việc đả thông những tư tưởng căn bản nhất. Ông từng nói: “Tựa sách là Khuyến học nhưng không có nghĩa tôi chỉ khuyên các bạn đọc sách. Đề cập tinh thần cơ bản của con người, đề cập mục đích thật sự của học vấn mới là chủ đích mà tôi muốn nói với người dân Nhật Bản”.
Thông qua con đường tích lũy thực học, Yukichi khuyến khích người dân phải có đủ tri thức để thấu hiểu thế nào là độc lập, tự do, đâu là nhu cầu quan trọng nhất của loài người (là ăn, mặc, ở, lo cho gia đình hay là cống hiến cho xã hội). Ông khuyến khích người Nhật có tư tưởng bình đẳng để từ đó luôn cạnh tranh lành mạnh, học hỏi dựa trên tinh thần dung hòa (học cái tốt, bỏ cái xấu), không tôn thờ một triết lý nào mà luôn có tinh thần hoài nghi, diễn thuyết phản biện để tiếp tục phát triển.
Khuyến học là một trong những cuốn sách mà Hành trình Từ Trái Tim trao tặng được các bạn thanh niên Việt yêu thích trên mọi miền đất nước

Khuyến học là một trong những cuốn sách mà Hành trình Từ Trái Tim trao tặng được các bạn thanh niên Việt yêu thích trên mọi miền đất nước

Đó là con đường mà Fukuzawa Yukichi đã đi - trong lúc nguy nan của dân tộc đã bám lấy và làm sáng tỏ những giá trị truyền thống - xây dựng nền dân khí cho riêng nước Nhật. Để rồi như ông nói: “Vận hội sẽ mở ở những nơi phát huy được chí khí của mình”.
Khuyến học chính là lời giải thích cho câu hỏi vì sao nước Nhật cũng là người châu Á da vàng nhưng chỉ mất 30 năm duy tân đã vượt xa Việt Nam cả trăm năm. Vì sao họ đã làm nên thành công khiến thế giới nể phục còn chúng ta thì chưa và mỗi người Việt hôm nay có thể học hỏi gì từ một quốc gia như vậy? Đây cũng là những dụng ý sâu xa khi Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cuốn sách này để gửi đến tận tay người dân cả nước thông qua chương trình Hành trình Từ Trái Tim nhằm hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.
So sánh Việt Nam với Nhật Bản, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho rằng: “Nước Việt ta có những điều kiện lý tưởng ở 3 yếu tố đầu tiên. Xét về chí khí, chúng ta còn là con Rồng cháu Tiên. Vậy nên, Việt Nam không có lý do gì để thua kém Nhật Bản”.
“Dân tộc Việt chúng ta là Con của Rồng Tiên, đừng quên chúng ta có nguồn cội là Rồng Tiên. Vậy mà trong 4.000 năm qua, dân tộc ta đã hy sinh và đổ biết bao xương máu nhưng trong tiềm thức của dân tộc chỉ dừng lại ở trạng thái “dựng nước và giữ nước”. Đây là thời khắc thứ ba, thời khắc chúng ta hãy cùng nhau lập Chí Tự Cường - Chí Đua Tranh - Chí Dẫn Dắt và Chí Vĩ Đại. Dân tộc ta phải Vĩ Đại và nhất định sẽ vĩ đại, dân tộc ta phải xứng đáng là Con của Rồng Tiên, đúng phẩm chất Con của Rồng Tiên. Đúng với phẩm chất vĩ đại của dân tộc Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.