Từ ước mơ về một nền giáo dục độc lập

PGS-TS Phạm Xuân Thạch
(Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
02/09/2023 10:00 GMT+7

Từ ngay sau ngày độc lập, đã có thể thấy ước mơ của cả dân tộc Việt Nam về một nền giáo dục độc lập, giàu văn hóa, phụng sự quốc gia…

Những sắc lệnh đầu tiên, triết lý kiến tạo đầu tiên

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày nay, chúng ta đang nói rất nhiều về chính phủ kiến tạo, về tinh thần phục vụ của hệ thống công quyền nhưng có thể nói, tinh thần kiến tạo, tinh thần phục vụ đã được thể hiện ngay trong 2 năm đầu của nhà nước non trẻ khi ấy.

Nhắc đến thành tựu của Chính phủ lâm thời do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam trong giai đoạn đầu độc lập và kháng chiến chống Pháp, các nhà nghiên cứu thường nhắc tới thành tích quan trọng là xóa nạn mù chữ. Điều đó không sai, bởi làm sao có thể xây dựng được một nền dân chủ đích thực khi người dân không có trình độ học vấn, tri thức cơ bản.

Từ ước mơ về một nền giáo dục độc lập - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra công tác bình dân học vụ tại Thái Bình, Hà Tĩnh sau ngày đất nước độc lập.

Đó là một công việc khó bởi tỷ lệ người biết chữ trong chế độ thuộc Pháp là vô cùng thấp và thành phần người mù chữ lại vô cùng phức tạp. Kỳ tích đó cho thấy tính chất dân chủ thực sự của chế độ mới, cũng như khả năng vĩ đại của chính quyền mới trong việc quy tụ sức mạnh toàn dân để giải quyết vấn đề sống còn của đất nước. Đó là một bài học còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Tuy vậy, kỳ tích giáo dục khi đó đã không chỉ giới hạn trong việc xóa nạn mù chữ mà nó còn thể hiện qua viễn kiến và hành động về một hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại, độc lập, từ tiểu học đến đại học.

Tư liệu cho thấy chỉ trong 1 ngày 10.10.1945, không lâu sau ngày độc lập, Chính quyền đã ký 3 sắc lệnh liên quan đến giáo dục: thành lập Đại học Văn khoa (tương đương với Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ngày nay); thành lập Hội đồng cố vấn học chính để làm nhiệm vụ cải cách giáo dục, và thành lập Quỹ tự trị đại học.

Tiếp theo đó, trong năm đầu độc lập, hàng loạt sắc lệnh đã được ký liên quan đến giáo dục mà hết sức quan trọng là thành lập Hội đồng sách giáo khoa (7.1946); nhập Trường Viễn đông bác cổ, các thư viện công, các học viện và nhà bảo tàng vào quyền quản lý của Bộ Quốc gia giáo dục (9.1945); thành lập Nha Thanh niên và thể dục (7.1946); quy định bộ máy của Bộ Quốc gia giáo dục gồm các Nha tổng giám đốc đại học vụ, trung học vụ, tiểu học vụ, bình dân học vụ, thanh niên và thể dục (7.1946)…

Một sắc lệnh đặc biệt quan trọng là Sắc lệnh số 146 vào tháng 8.1946, mang tính chất một "tổng quy học chế", điều chỉnh những vấn đề cơ bản nhất của nền giáo dục của nước Việt Nam mới, thay thế cho Tổng quy học chế Đông Dương của chính quyền thực dân ban hành vào năm 1917. Sắc lệnh này quy định rõ tính chất của nền giáo dục mới là đại chúng hóa, dân tộc hóa và khoa học hóa, theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ.

Có thể nói, Sắc lệnh 146 đã cho thấy triết lý giáo dục đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam độc lập, một thứ mà cho đến nay giáo dục Việt Nam vẫn đang nhọc nhằn kiến tạo. Sắc lệnh cũng cho thấy mơ ước về một nền giáo dục toàn dân khi Điều 11 quy định rõ "ở tất cả các bậc học, học sinh không phải trả học phí, và các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh cũng không phải nộp một khoản phí nào", đồng thời Điều thứ 12 cũng quy định "học sinh xuất sắc mà nghèo sẽ được học bổng của Chính phủ".

Nó cho thấy vấn đề giáo dục nằm ở trung tâm những vấn đề quan trọng nhất của chế độ mới và Chính phủ lâm thời có một viễn kiến về một nền giáo dục toàn dân và đại chúng nhưng trên một căn bản vững chắc của khoa học cơ bản, tri thức hàn lâm (thể hiện qua việc đặt các học viện, bảo tàng và thư viện công vào quyền quản lý của Bộ Quốc gia giáo dục) cũng như hiểu biết về sự tự trị đại học hiện đại.

Từ ước mơ về một nền giáo dục độc lập - Ảnh 2.

Các họa sĩ trong khóa Kháng chiến (1950 - 1954) do họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy

T.L

Tầm nhìn nền giáo dục phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ

Trong kháng chiến chống Pháp, chính sách nhất quán thực hiện tầm nhìn về nền giáo dục "phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ" được thực hiện với những thành tựu quan trọng. Toàn bộ hệ thống các trường phổ thông và đại học được chuyển về các vùng tự do ở Khu 4 và chiến khu Việt Bắc. Nhiều trường cao đẳng quan trọng liên tục được tuyển sinh và giảng dạy, điển hình là Trường Y. Sự nghiệp cải cách giáo dục được thực hiện từ năm 1950. Ngành sư phạm và việc đào tạo giáo viên được củng cố qua các lớp mùa hè.

Đặc biệt, một loạt "trường" đặc biệt được thành lập trong giai đoạn 1949 - 1950 như Khóa kháng chiến đào tạo mỹ thuật (tên gọi được đặt sau này, để tưởng nhớ người đã lãnh đạo khóa đào tạo này), Trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa hay lớp Toán đại cương ở Nghệ An, thành lập dưới sự cho phép của Bộ Quốc gia giáo dục từ chiến khu Việt Bắc.

Tất cả các lớp học đặc biệt này đều được tổ chức một cách hết sức quy củ với sự chỉ đạo của Bộ Quốc gia giáo dục, nhưng với những hình thức rất linh hoạt, kể cả đào tạo từ xa (nhận tài liệu và nộp bài tập qua đường bưu chính, điển hình như trường hợp học viên Hoàng Tụy tham gia lớp Toán đại cương) và chọn lọc thành phần học viên ưu tú.

Một điều cũng hết sức quan trọng là toàn bộ hệ thống này trọng dụng nhân tài một cách vô điều kiện với một hàng ngũ giáo sư thuộc tầng lớp tinh hoa của hệ thống hàn lâm trước cách mạng như Nguyễn Đình Hòe, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Thúc Hào… Trong đó có cả những người có bằng cấp rất cao của hệ thống giáo dục ưu tú nước ngoài như Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên (Pháp), Trần Văn Giàu (Liên Xô) bên cạnh những trí thức tự học ưu tú mà điển hình là Trương Tửu.

Có thể nói, sự trọng dụng nhân tài, đặt năng lực chuyên môn lên trên những hình thức hành chính đã là mảnh đất tốt lành cho một thế hệ trí thức dấn thân hy sinh và phụng sự một nền giáo dục vì lý tưởng quốc gia và dân chủ.

Giáo dục Việt Nam trong năm độc lập đầu tiên và trong kháng chiến chống Pháp là sự hiện thực hóa một ước mơ của cả dân tộc về một nền giáo dục độc lập, tiên tiến và dân chủ, phụng sự quốc gia. Nó là kết quả của một thế hệ trí thức dấn thân và được dấn thân.

Kết quả của nền giáo dục ấy không chỉ thể hiện ở những cá nhân xuất chúng, những gương mặt trí thức quan trọng trưởng thành trong những lớp Kháng chiến như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm trong ngành họa; hay Nguyễn Đình Tứ, Hà Học Trạc, Hoàng Tụy… của ngành khoa học tự nhiên; mà còn ở sự tiếp nối nhanh chóng để xây dựng nên những cơ sở giáo dục bậc cao như Trường ĐH Tổng hợp, Trường ĐH Sư phạm, Trường cao đẳng Mỹ thuật… ngay sau năm 1954 với những khóa đầu tiên vô cùng xuất sắc.

Nhìn lại những thành tựu của giai đoạn vô cùng gian khó đó sẽ cho chúng ta bài học về việc xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, nhân bản và dân chủ dựa trên việc trân trọng những giá trị tinh hoa, niềm tin vào giới trí thức bất kể nguồn gốc xuất thân và khát vọng về một quốc gia độc lập. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.