Trước đó, thấy bé đau bụng, ói khi ăn, người nhà mua thuốc giảm đau, chống ói, thuốc kháng a xít cho uống. Sau đó, trẻ tiếp tục ói nhiều, ói ra máu, ngất xỉu nên người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngày 24.8, trẻ tím tái, khó thở, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp 70/50 mmHg, chi lạnh, da xanh, miệng nhợt nhạt.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán trẻ sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa. Xét nghiệm thể tích khối hồng cầu khẩn còn 18%, bình thường ở trẻ chỉ số này là 38-45%.
Trẻ được xử trí truyền dịch chống sốc, truyền máu hồng cầu lắng, truyền thuốc giảm tiết dịch dạ dày vitamine K1, đặt ống thông dạ dày. Tuy nhiên diễn tiến bệnh phức tạp trẻ bứt rứt, huyết áp dao động, nhịp tim nhanh trên 120 lần/phút, ống thông dạ dày tiếp tục ra máu... nên được hội chẩn chuyên khoa tiêu hóa, ngoại tổng hợp tiến hành nội soi cấp cứu.
Kết quả nội soi ghi nhận viêm dạ dày dạng nốt nhiều vùng bên trong dạ dày. Vùng hành tá tràng có ổ loét kích thước 4 x 5 mm phun máu nên được tiêm cầm máu.
Sau nội soi cấp máu cấp cứu, trẻ tỉnh, còn đừ, mạch huyết áp ổn định dần không cần truyền máu nữa. Trẻ được tiếp tục điều trị viêm loét dạ dày tá tràng theo chuyên khoa.
Bác sĩ Tiến lưu ý viêm loét dạ dày tá tràng ít gặp ở trẻ em nhưng biến chứng xuất huyết tiêu hóa rất nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
“Phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ, vì có những thuốc gây viêm loét xuất huyết dạ dày tá tràng, cũng như che lấp những triệu chứng dấu hiệu chỉ điểm bệnh lý 'gốc' mà nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, định bệnh và điều trị”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Bình luận (0)