Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học

03/12/2024 13:55 GMT+7

Từ 14-15 giờ ngày 3.12, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến 'Chọn ngành học cho tương lai: Chọn môn thi tốt nghiệp vào được nhiều ngành đại học nhất'.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Chọn môn thi tốt nghiệp vào được nhiều ngành đại học nhất" diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.

Năm 2025 được xem là cột mốc đặc biệt của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ vì đây là kỳ thi đầu tiên đổi mới theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, việc chọn môn thi có vai trò quan trọng không chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cả xét tuyển vào ĐH. Đồng hành với thí sinh và phụ huynh trong năm đổi mới công tác thi và xét tuyển, Báo Thanh Niên khởi động chuỗi chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến – hoạt động đầu tiên của chuỗi tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ tuyển sinh năm 2025.

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Buổi đầu tiên của chương trình sẽ tập trung vào những nét mới trong tuyển sinh ĐH năm 2025, trong đó có thông tin về tổ hợp môn xét tuyển. Không chỉ cung cấp các thông tin mới nhất về tuyển sinh, chuyên gia tuyển sinh còn tư vấn học sinh lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp với năng lực và có cơ hội xét tuyển ĐH theo nguyện vọng mong muốn.

Chương trình diễn ra từ 14-15 giờ, gồm các chuyên gia:

  • Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM;
  • Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM;
  • Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
  • Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 2.

Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn chiều nay

ảnh; ngọc long

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có khá nhiều thay đổi so với trước đây

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thông tin: Với kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, hiện có các văn bản đang trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến trước khi ban hành chính thức. Dù chỉ dự thảo nhưng thông tin về bức tranh thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH đã được định hình khá rõ.

Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có khá nhiều thay đổi so với trước đây và dẫn đến nhiều thay đổi trong kế hoạch xét tuyển các trường ĐH. Kỳ thi tốt nghiệp giảm số lượng môn thi so với trước đây, đặc biệt là thay đổi đề thi. Năm 2025, Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn. Cụ thể, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Bên cạnh đó, cách tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT cũng có những thay đổi lớn so với trước đây.

Về tuyển sinh ĐH, hiện nay từ văn bản dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh, xét tuyển sớm là một nội dung dự kiến có điều chỉnh mạnh so với trước đây. Bên cạnh đó những điểm mới liên quan trực tiếp tới thí sinh còn sự thay đổi tổ hợp xét tuyển trong năm tới.

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

ảnh:ngọc long

Dự kiến các phương thức xét tuyển của các trường ĐH 

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thông tin hàng năm, trường có 4 phương thức xét tuyển chỉnh: Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và 2 phương thức xét dựa vào điểm học bạ THPT. Năm 2025, trường cũng dự kiến có các phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và phương thức trong giai đoạn xét tuyển sớm. Tuy nhiên, trường sẽ công bố cụ thể phương thức sau khi có quy chế chính thức của Bộ GD-ĐT. Trường cũng dự kiến mở rộng chính sách xét tuyển học bổng cho thí sinh sớm hơn, để thí sinh có lựa chọn chính sách học bổng phù hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay trường ủng hộ chủ trương từ phía Bộ GD-ĐT trong công nhận phương thức tuyển sinh đa dạng, đảm bảo cơ hội xét tuyển đa dạng cho học sinh.Trong đó, riêng quy định xét tuyển học bạ, dự thảo yêu cầu các trường xét cả điểm năm lớp 12 của học sinh, điều chỉnh này cần thiết. Tuy nhiên, việc chờ kết quả học tập lớp 12 có thể ảnh hưởng đến kế hoạch xét tuyển sớm của nhiều trường theo phương thức này. Nếu dự thảo thành chính thức, năm 2025 trường dự kiến sẽ có 4 phương thức: điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm thi V-SAT và kết quả học bạ theo tổng điểm 3 môn năm lớp 12.

Bí quyết chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt điểm cao | Chọn ngành học cho tương lai

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin: Đến thời điểm này, trường dự kiến sẽ sử dụng các phương thức xét tuyển cho năm 2025 gồm: Xét dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét điểm các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; xét tuyển thẳng. Trường đã dự kiến phương án này và sẽ công bố khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh chính thức.

Học sinh có bao nhiêu cách lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH?

Bàn về việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng thực ra việc lựa chọn môn để thi tốt nghiệp THPT và các trường ĐH sẽ lựa chọn xét tuyển môn nào là vấn đề khá phức tạp trong năm tới. Vấn đề nằm ở chỗ, các môn học sinh đã lựa chọn học từ năm lớp 10 – theo chương trình GDPT 2018. Học sinh phải chọn 2 trong số các môn mà các em đã chọn theo học từ lớp 10, do đó không phải học sinh nào cũng có thể lựa chọn theo 36 cách khác nhau từ cách thi tốt nghiệp năm nay. Đến thời điểm này, có lẽ cả học sinh và trường ĐH đều đang “nhìn nhau”. Có một điểm chung ràng buộc, mục tiêu của chương trình GDPT mới là định hướng nghề nghiệp. Nếu để học sinh chọn tổ hợp môn nhưng không theo định hướng nghề nghiệp thì giảm mục tiêu của chương trình.

Các trường ĐH xây dựng tổ hợp môn xét tuyển ra sao? 

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cho hay đến nay các trường ĐH cũng không hình dung được khi học sinh chọn tổ hợp môn nào phổ biến nhất. Hiện các trường khi xây dựng tổ hợp môn hiện căn cứ trên yêu cầu đào tạo, ví dụ công nghệ thông tin thì môn toán là bắt buộc bên cạnh môn tin học hoặc công nghệ. Nhưng hiện nhà trường không có khảo sát nào về việc bao nhiêu học sinh học các môn này. Do đó, các trường ĐH hiện đang gặp khó khăn trong việc xây dựng tổ hợp môn xét tuyển năm tới.

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 4.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM

ảnh: ngọc long

"Mong muốn của các trường ĐH là có phương án để học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với môn học lựa chọn bậc phổ thông đồng thời phù hợp với yêu cầu, đặc thù ngành đào tạo là quan trọng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến khâu tuyển sinh đầu vào mà còn để khi học và ra trường'', thạc sĩ Ngọc Bích nêu quan điểm.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương cho hay từ chia sẻ của một số trường phổ thông có thể thấy 2 xu hướng lựa chọn môn học theo hướng khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. ''Chúng ta làm sao để có sự hòa hợp giữa trường ĐH và học sinh. Trường ĐH mong muốn tạo ra các tổ hợp để phù hợp với học sinh và phù hợp với yêu cầu học ĐH. Có thể trường không có điều chỉnh nhiều so với năm trước. Vấn đề trường quan tâm là trong bậc THPT, học sinh đang học những môn cụ thể như thế nào. Học sinh có thể tham khảo tổ hợp xét tuyển của trường trong năm 2024, năm tới sẽ không khác nhiều. Trường cũng dự kiến không có sự khác biệt về tổ hợp xét tuyển giữa phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT'', thạc sĩ Phương thông tin.

Theo thạc sĩ Trương Quang Trị, theo tinh thần dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trường sẽ xây dựng tổ hợp môn có tối thiểu 3 môn, trong đó có môn bắt buộc toán hoặc văn. Năm tới, trường cũng mong muốn giữ sự ổn định trong cách thức xét tuyển so với năm trước. Ví dụ khối ngành sức khỏe liên quan toán-hóa-sinh, khối ngành kỹ thuật có thêm môn vật lý…

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 5.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

ảnh: ngọc long

Chọn các môn thi tốt nghiệp thế mạnh, yêu thích và có khả năng đạt điểm cao nhất

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 6.

Bạn đọc Nguyễn Phúc Huy (TP.HCM) đặt câu hỏi: ''Tôi năm nay có con thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Quan sát thông tin năm tới tôi có một băn khoăn muốn nhờ tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho lời khuyên. Cụ thể, trong năm đầu tiên của bước chuyển đổi mới thi cử vào 2025, học sinh nên chọn tổ hợp môn truyền thống (A00, A01, D01) hay mạnh dạn chọn tổ hợp có chứa các môn học mới (như công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật) và vì sao?''

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ: ''Qua tiếp xúc với học sinh và phụ huynh, chúng tôi nhận thấy rõ sự băn khoăn này. Trước đây, thống kê cho thấy có tới 95% học sinh khi xét tuyển ĐH chọn các tổ hợp xét tuyển truyền thống như: A00, A01, D01… Với điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp, thì việc chọn môn thi tốt nghiệp làm sao cho phù hợp với cách xét tuyển của trường ĐH không chỉ băn khoăn của thí sinh mà cả trường ĐH. Trong bối cảnh này, nếu các trường ĐH vẫn giữ các tổ hợp truyền thống sẽ có những bất cập khi chương trình GDPT mới có thêm các môn học mới như: công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật. Lời khuyên với học sinh là chọn các môn thi tốt nghiệp thế mạnh, yêu thích và có khả năng đạt điểm cao nhất.

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 7.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

ảnh: ngọc long

Sinh viên thực tập ở nước ngoài, cần điều kiện gì?

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 8.

Bạn đọc Ngọc Diễm (TP.HCM), đặt câu hỏi: ''Em rất thường xuyên tìm hiểu thông tin các trường ĐH. Mới đây, em đọc thông tin trên web Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM thấy nhiều sinh viên trường được sang Nhật Bản thực tập quốc tế. Em muốn hỏi chương trình này dành cho sinh viên nào, sau thực tập cơ hội việc làm của các sinh viên này ra sao ạ?

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cho hay: Sinh viên nhiều ngành của trường đã tham gia thực tập tại Nhật Bản. Sinh viên phải vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp với các doanh nghiệp Nhật Bản, kèm theo những điều kiện ràng buộc khác mà đặc biệt là trình độ ngoại ngữ. Với định hướng đưa sinh viên tham gia hội nhập thị trường lao động bên ngoài, ngoài Nhật Bản trường còn đẩy mạnh chương trình thực tập sinh viên tại Thái Lan, Singapore và Mỹ thời gian tới.

Điều kiện học chương trình quốc tế ngay tại Việt Nam

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 9.

Bạn đọc Bảo Trâm (Tiền Giang), thắc mắc: "Chương trình cử nhân chuẩn quốc tế HUTECH có những ưu điểm gì, em đang tìm hiểu lựa chọn một chương trình quốc tế ngay tại Việt Nam thì cần lưu ý những tiêu chí gì?''

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương thông tin: ''Trong nhiều năm qua, chương trình này nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh phổ thông. Không chỉ dành cho sinh viên vững ngoại ngữ, chương trình này còn là giải pháp cho sinh viên mong muốn nhận bằng kỹ sư/cử nhân đồng thời với việc vững ngoại ngữ khi ra trường. Để lựa chọn một chương trình quốc tế, các yếu tố cần xem xét như: chương trình có được công nhận ở Việt Nam, học phí, học bổng, điều kiện ngoại ngữ, các đơn vị quốc tế hợp tác thực hiện chương trình cụ thể…''.

Thêm cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác

Chọn môn thi tốt nghiệp THPT để có nhiều lựa chọn vào đại học- Ảnh 10.

Bạn đọc Minh Khai (Bình Phước) hỏi: ''Mới đây Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ký kết thỏa thuận sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Cho em hỏi năm tới Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển ra sao?''

Thạc sĩ Trương Quang Trị giải đáp: ''Theo kế hoạch dự kiến, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức được sử dụng trong xét tuyển đầu vào năm 2025. Qua đó, thí sinh có thêm cơ hội tham gia xét tuyển vào trường năm tới''.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.