Trước khi đi, cần cẩn thận kiểm tra xe kỹ từ bánh xe, phanh xe, dầu phanh… đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn cho xe và người điều khiển trên xe khi leo dốc xuống đèo.
Đặc biệt là hệ thống phanh tốt thì chuyến đi đèo đầu năm mới an toàn.
Tư thế ngồi lái xe cũng rất quan trọng, nên chỉnh ghế ngồi cao lên, thắt dây an toàn khi đi đường nhiều cua để có thể quan sát tốt hơn và đỡ bị lắc trong quá trình xuống hoặc lên dốc.
Khi cầm bánh lái cũng phải cầm 2 tay, tay phải cầm vô lăng phía ngoài, tay trái cầm ở giữa để dễ dàng xoay bánh lái khi cần thiết. Khi vào cua phải giảm tốc độ, chân phải đặt trên phanh, thả chân ga ra để sẵn sàng phanh xe khi gặp xe ngược chiều hoặc chướng ngại vật.
Khúc cua có loại quan sát được và loại không quan sát được, tuy nhiên có thể áp dụng tuần tự kỹ thuật đầu tiên là giảm ga, rồi bóp còi, mở cua, nhấp phanh rồi sau đó cắt cua nhằm giảm lắc trượt, nhất là khi cần cua trái. Cần lái xe ở góc rộng, đi đúng phần đường của mình Khi quan sát phía trước nếu không có chướng ngại vật thì nên cắt cua, chiếm đường một chút sẽ đi dễ hơn, xe đỡ lắc. Cua càng gấp thì càng phải ôm cua nhanh nên khi đi đường đèo thì nên đi từ số 2 đến số 4.
Theo nguyên tắc thông thường, cứ lên dốc bằng số nào thì lúc xuống đèo phải đi bằng số ấy để đảm bảo xe không bị giật, hay mất lái bất thình lình. Cần chú ý đến các biển báo, xem gương cầu lồi ở những góc cua tay áo xem có xe đi cùng chiều hay ngược chiều để có thể tránh va chạm khi đi trên đường.
Nếu đang đổ đèo phát hiện phanh xe hỏng thì phải bình tĩnh, tìm cách giảm tốc độ bằng động cơ xe như dồn số làm chậm tốc độ lại, không bao giờ được tắt máy. Sau khi dồn số xe không thể giảm được tốc độ thì tìm cách bóp còi gây chú ý, bật đèn ra hiệu để nhờ sự giúp đỡ, khi không tìm được cách để giảm tốc thì tìm cách nhảy ra khỏi xe để đảm bảo an toàn tính mạng.
Bình luận (0)