Tư vấn mùa thi 2017: Học để tạo việc làm

20/02/2017 05:19 GMT+7

Chọn ngành học để ra trường không chỉ tìm được việc mà còn có thể tạo việc làm cho mình và cho người khác.

Thông điệp này đã được chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi 2017 do Báo Thanh Niên, Bộ GD-ĐT phối hợp Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) sáng 19.2.
Chương trình có gần 2.000 học sinh (HS) tham dự, được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài phát thanh - truyền hình Lâm Đồng hơn 2 tiếng đồng hồ.
Ngành nào cũng có thể khởi nghiệp
Trả lời câu hỏi “khởi nghiệp như thế nào với ngành sử học?” của một HS, thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng việc khởi nghiệp không liên quan đến học ngành nào. Vấn đề là học thế nào để có thể tạo ra việc làm cho mình và cho người khác. PGS, TS Đỗ Phú Trần Tình, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và sau ĐH Trường ĐH Kinh tế - Luật, thì khuyên bạn trẻ nên suy nghĩ trước tới việc lập nghiệp thay vì khởi nghiệp, mà trước hết là cần tích lũy tri thức.
Tương tự, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng tất cả các ngành nghề đều có cơ hội khởi nghiệp, nhiều hay ít phụ thuộc vào việc bạn học như thế nào. Bên cạnh đó cần có một quá trình trải nghiệm thực tế, qua đó biết xã hội đang cần gì để có thể kinh doanh lập nghiệp.

Thông tin thêm về việc này, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói ngay thời điểm này HS cần trả lời được 3 câu hỏi: nghề, ngành và trường nào phù hợp với bản thân. “Nếu chọn sai nghề thì rất có thể bạn sẽ có tên trong danh sách bị buộc thôi học trong tương lai. Nếu học xong nhưng tố chất không phù hợp thì có thể bạn sẽ làm trái nghề, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ngày càng cao… Vì vậy ngay từ bây giờ việc quan trọng là phải chọn đúng ngành học. Việc khởi nghiệp nên được thực hiện khi đã đủ các yếu tố cần thiết về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm”.
Giải đáp băn khoăn khi chọn nghề trong thời đại công nghiệp 4.0, thạc sĩ Đỗ Phú Trần Tình tư vấn: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ giúp em trở thành công dân toàn cầu. Muốn vậy thì dù học ngành nào em cũng phải giỏi kiến thức, vững ngoại ngữ chứ không chỉ tiếng Anh, có kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng thích ứng văn hóa tốt”.

tin liên quan

Rèn phân tích sự kiện lịch sử khi ôn thi THPT quốc gia
Theo tiến sĩ Trần Ngọc Khánh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, do yêu cầu kiến thức toàn diện, đề thi môn lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia đòi hỏi học sinh phải rèn kỹ năng tư duy, sáng tạo.

Giỏi thuyết trình, học ngành nào ?
Đặt câu hỏi trực tiếp tại sân trường, HS Vân Anh (Trường THPT Lương Thế Vinh) băn khoăn: “Em có khả năng nói trước đám đông, thuyết trình và hùng biện tốt, yêu thích nghiên cứu khoa học và có khả năng về các môn xã hội thì học ngành gì?”. Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng với nhóm ngành kinh tế thì HS có thể theo chọn ngành marketing, một ngành yêu cầu cao về khả năng giao tiếp để thuyết phục khách hàng. Thạc sĩ Lê Trọng Vinh bổ sung, việc xác định được rõ khả năng của bản thân rất quan trọng trong định hướng nghề nghiệp. Có khả năng hướng ngoại, giao tiếp tốt rất phù hợp để thành công trong các ngành như quan hệ quốc tế, báo chí - truyền thông.
Trong khi đó, HS Phương Trang (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết bản thân có khả năng lãnh đạo, chỉ huy người khác và khả năng ứng biến bất ngờ nên học ngành nào? Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, tư vấn với các tố chất này HS có thể chọn học ngành quản trị kinh doanh (chuyên ngành quản trị du lịch).
HS Thùy Linh (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) thì hỏi bạn rất mong muốn trở thành biên tập viên thì học ngành gì, ngành này cần những tố chất nào? Theo thạc sĩ Lê Trọng Vinh, có 2 ngành đào tạo liên quan gồm báo chí truyền thông và ngữ văn. Một trong các tố chất cần có với ngành này là khả năng viết. Bổ sung thông tin, tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết HS có thể theo học ngành quan hệ công chúng.

Nhân lực khối ngành sư phạm mầm non
Trả lời câu hỏi của HS về nhu cầu nhân lực khối ngành sư phạm mầm non trong những năm tới, ông Huỳnh Quang Long, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, thông tin nhu cầu giáo viên bậc học này rất lớn. Sinh viên học ngành này cơ hội việc làm không chỉ trong hệ thống công lập mà còn ở các trường tư thục.
Nhiều HS đặt câu hỏi liên quan đến khối trường công an, quân đội. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý thí sinh phải làm hồ sơ sơ tuyển bên cạnh hồ sơ dự thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định mới năm nay, HS chỉ được phép đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào khối trường này. Chỉ tiêu xét tuyển các trường này tiếp tục giảm so với năm ngoái. Trong đó, số ngành xét tuyển nữ cũng hạn chế với chỉ tiêu riêng, vì vậy mức điểm chuẩn dành cho nữ khá cao.

Giải đáp câu hỏi của HS Huỳnh Thị Thanh Thảo (Trường THPT Đức Trọng) về xét tuyển khối ngành y dược bằng học bạ, tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết các ngành này trường vừa xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia vừa xét tuyển học bạ. Riêng với hình thức xét học bạ, điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải từ 6 trở lên.
Còn tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ muốn trở thành luật sư thì sau khi tốt nghiệp trường ĐH Luật, sinh viên còn phải vượt qua một khóa học khác ở bên ngoài. Tuy nhiên, trường này sẽ đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ để sinh viên ra trường có thể trở thành luật sư.
Tạo cơ hội cho học sinh thực hiện hoài bão
Khái niệm khởi nghiệp đã không còn xa lạ, thậm chí có nhiều người đã nắm rõ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chưa bao giờ việc khởi nghiệp thuận lợi như hiện nay. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là học ngành gì ra trường có việc làm mà còn học thế nào để khởi nghiệp, để tự tạo việc làm cho mình và mọi người. Với tinh thần đó, chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên sẽ tạo cơ hội để các em thực hiện những hoài bão của mình.
Ông Huỳnh Quang Long (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng)
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị hỗ trợ tổ chức chương trình: Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Trường THPT Đức Trọng, Đài PT-TH Lâm Đồng, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Lâm Đồng, VNPT Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng, VietinBank Lâm Đồng, HDBank Lâm Đồng, Khu du lịch Làng Cù Lần. Chúng tôi chân thành cảm ơn Trường ĐH Lạc Hồng và Trường ĐH Lâm nghiệp đã trao 10 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho học sinh Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng). Cảm ơn Công ty Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.