Tư vấn mùa thi - 22 năm làm bạn với học sinh

24/12/2020 09:18 GMT+7

Từ những ngày đầu tại hội trường Nhà thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa cho đến hiện tại, 22 năm qua, với nỗ lực nâng cao chất lượng từng ngày, chương trình Tư vấn mùa thi là người bạn sát cánh cùng học sinh trên mọi miền đất nước.

 

Luôn nhớ về những ngày đầu

Nhà báo Vĩnh Thắng, nguyên Trưởng ban Giáo dục - Thanh niên và cuộc sống,
Báo Thanh Niên , nhớ lại: “Có thể nói tiền thân của chương trình Tư vấn mùa thi là Giới thiệu mùa thi. Trước nữa khi còn là Tuần tin Thanh Niên, từ năm 1990 đã có chương trình Tư vấn giáo dục.

Báo Thanh Niên cũng là tờ báo đầu tiên tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp về Tư vấn mùa thi trên internet trong những năm đầu tiên có internet ở VN. Dù không còn làm tại Báo Thanh Niên, dù chương trình đã tiếp cận học sinh có nhiều điểm khác so với trước kia, nhưng tôi vẫn luôn dõi theo và nhớ mọi thứ về Tư vấn mùa thi

Nhà báo Vĩnh Thắng, nguyên Trưởng ban Giáo dục - Thanh niên và cuộc sống, Báo Thanh Niên

Báo Thanh Niên là tờ báo đầu tiên có trang tư vấn về các vấn đề của giáo dục. Đến năm 1998, tôi nhận được ý kiến đề xuất làm chương trình tư vấn về tuyển sinh cho học sinh ở TP.Nha Trang từ anh Nhựt Quang, lúc đó là giáo viên của một trường THPT ở địa phương này. Sau đó vài năm, chương trình đổi tên thành Tư vấn mùa thi, tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh Tây Nam bộ. Từ đó đến nay, tên này của chương trình đã đi qua thời gian hơn 20 năm”.
“Điều chương trình đã làm được ngay từ những ngày đầu tiên cho đến nay là luôn được các cơ quan ban ngành tin tưởng, được cộng đồng xã hội tin cậy. Báo Thanh Niên cũng là tờ báo đầu tiên tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp về Tư vấn mùa thi trên internet trong những năm đầu tiên có internet ở VN. Dù không còn làm tại Báo Thanh Niên, dù chương trình đã tiếp cận học sinh có nhiều điểm khác so với trước kia, nhưng tôi vẫn luôn dõi theo và nhớ mọi thứ về Tư vấn mùa thi”, nhà báo Vĩnh Thắng chia sẻ.

Anh Vĩnh Thắng (thứ 2 từ trái qua) giới thiệu những điểm cần lưu ý trong tuyển sinh đại học 2007

Thay đổi cách tiếp cận với học sinh

Anh Nhựt Quang, người mà nhà báo Vĩnh Thắng nhắc đến ở trên, khi ấy vẫn còn là một giáo viên dạy toán của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Đề nghị của anh lúc ấy không ngờ đã làm thay đổi cả cách mà các tờ báo, các trường ĐH, CĐ tiếp cận với học sinh cho đến hiện tại. Đó là để các trường ĐH tiếp cận trực tiếp với học sinh. Sau Báo Thanh Niên, đến nay rất nhiều tờ báo và các đơn vị khác đã thực hiện mô hình tương tự.
Anh Nhựt Quang nhớ lại: “Khi còn làm giáo viên, tôi thường yêu cầu học sinh cắt sẵn những tờ “giấy nửa” để nếu ngại phát biểu trước lớp thì “cần gì cứ ghi vào, chuyển ngay cho thầy”. Ban đầu là những câu hỏi chiếu lệ, nhưng rồi những gì ghi trên mảnh giấy nhỏ này càng lúc càng đa dạng. Một lần, có tờ giấy ghi: “Thưa thầy, em bị điểm liệt thì có được tốt nghiệp THPT không?” làm tôi thoáng nghĩ “Sắp học hết cấp 3 rồi mà vẫn ngớ ngẩn lạ, đã là “liệt” mà còn đòi tốt nghiệp à?”. Từ đó, tôi mới thấy rằng học sinh còn quá thiếu thốn thông tin trước khi thi vào các trường ĐH, CĐ nên cần phải làm một điều gì đó. Cũng năm 1998 đó, tôi đề xuất với anh Xuân Hòa (phóng viên thường trú Báo Thanh Niên ở tỉnh Khánh Hòa), anh Vĩnh Thắng, từ đó chương trình Giới thiệu mùa thi (sau này là Tư vấn mùa thi) ra đời. Đó cũng là cái duyên để tôi về làm phóng viên của Báo Thanh Niên sau đó”.
Ngày 15.3.1998, chương trình có tên gọi Giới thiệu mùa thi đã diễn ra tại Nhà thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa với sự phối hợp của Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT. Ngoài học sinh tại TP.Nha Trang, đồng nghiệp của anh Nhựt Quang cũng dẫn học sinh từ H.Cam Ranh (hiện tại là TP.Cam Ranh) tới tham dự. Gần một tháng sau, ngày 5.4, chương trình diễn ra với quy mô lớn hơn tại tỉnh Bạc Liêu.
Từ một mẩu “giấy nửa” năm ấy, giờ đây hàng trăm ngàn học sinh đã có chương trình Tư vấn mùa thi làm bạn mỗi năm. Từ những học sinh còn mù mờ thông tin trước ngưỡng cửa vào ĐH, qua 22 năm, đã có hàng trăm ngàn em chọn được cho mình ngành học, trường học đúng sở thích và sở trường.
Tư vấn mùa thi - 22 năm làm bạn với học sinh

Nhà báo Trọng Phước (bìa trái) trong chương trình Tư vấn mùa thi ở An Giang năm 2005

Ảnh: Quang Minh Nhật

Nối dài những chuyến đi

Tham gia chương trình từ những ngày đầu tiên, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, trưởng bộ môn quản lý hàng hải Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chưa bao giờ hết hào hứng khi nhớ lại những chuyến đi cùng Tư vấn mùa thi khắp mọi miền đất nước.

Nhớ mãi 550 km và 3 buổi tư vấn trong ngày

Khi về làm việc trực tiếp tại tòa soạn Báo Thanh Niên ở TP.HCM, tôi vẫn tiếp tục tham gia các đợt đi tư vấn của chương trình. Có nhiều kỷ niệm nhưng tôi vẫn nhớ nhất chuyến đi tư vấn tại tỉnh Phú Yên năm 2003 với các đồng nghiệp của báo, đại diện các trường ĐH-CĐ như các thầy cô Huỳnh Thanh Hùng, Nguyễn Ngọc Diện, Nguyễn Thị Hồng Cúc, Nguyễn Phước Hải, Trần Quang Khải… ở thời điểm mà phương tiện di chuyển và đời sống nhiều nơi còn khó khăn.
Lúc đó, với 14 thành viên, đoàn chúng tôi vượt qua hơn 550 km bằng đường bộ từ TP.HCM đến TX.Tuy Hòa (Phú Yên) vào tối 14.3.2003. Tiếp chúng tôi tại trụ sở Tỉnh đoàn Phú Yên, Bí thư Nguyễn Thái Học (nay là Phó trưởng ban Nội chính T.Ư) phân trần: “Đây là lần đầu đón đoàn tư vấn tuyển sinh, cơ sở vật chất chưa đầy đủ lắm nhưng các em học sinh lớp 12 rất trông chờ nên mong các anh chị vui lòng bố trí cả 3 buổi tư vấn trong một ngày”.
Ngay sáng sớm hôm sau, chúng tôi đi tiếp khoảng 50 km đến địa điểm tư vấn cho khoảng 600 học sinh trường THPT Phan Đình Phùng và Phan Chu Trinh tại huyện miền biển Sông Cầu. Trưa hôm đó, đoàn chỉ kịp chợp mắt trong chốc lát trên các ghế bố của một cái quán nhỏ sát biển rồi tiếp tục “hành quân” đến TT.Chí Thạnh, thuộc H.Tuy An. Đây là một huyện nghèo lúc đó, chỉ có nhà văn hóa ngoài trời là chứa đủ khoảng 1.000 học sinh đang chờ để được tư vấn. Bắt đầu tư vấn lúc 15 giờ thì trời còn rất nắng, tất cả học sinh đều sẵn sàng trang bị thêm mũ nón, nhiều áo khoác để “che chắn” ngồi nghe dưới sân. Các thầy cô và chuyên gia tư vấn của Báo Thanh Niên ngồi trên khán đài “lộ thiên” nên nắng nóng gắt vẫn không tránh khỏi. Cả đoàn đều dùng xấp tài liệu vừa cầm trên tay che đầu vừa trả lời các câu hỏi của các em học sinh. Vậy mà buổi tư vấn vẫn thành công ngoài sức tưởng tượng, các em học sinh ra về với mồ hôi nhễ nhại nhưng khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên vì đã tiếp nhận được nhiều thông tin quý giá về kỳ thi sắp đến.
Sau buổi tư vấn ở Tuy An, đoàn còn tiếp tục lên xe về Tuy Hòa cho kịp làm buổi tư vấn thứ 3 trong ngày tại Nhà hát Nhân dân TX.Tuy Hòa, với sự tham dự của 1.500 học sinh các trường THPT phía nam tỉnh Phú Yên.
Nhựt Quang
“Làm công tác đào tạo và tuyển sinh của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trong một thời gian dài nên tôi đã được tham gia nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh, gắn bó nhất là chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên. Tôi vẫn nhớ chuyến đi tư vấn trong khoảng thời gian đầu tiên của chương trình tại Phú Quốc. Buổi ấy có cả ca sĩ Thủy Tiên tham gia. Chỉ tư vấn 1 buổi nhưng ấn tượng với tôi vô cùng sâu đậm. Tôi nhận ra rằng đây là chương trình đáp ứng nhu cầu lớn về thông tin của các em và từ đó tôi tìm hiểu thật nhiều, thật kỹ mọi thông tin để có thể giải đáp bất cứ câu hỏi gì của các em. Không chỉ thông tin của trường tôi mà các em còn hỏi thông tin nhiều trường khác, hỏi về mọi thứ trên đời. Những chuyến đi kéo dài đến nay đã hơn 20 năm và Tư vấn mùa thi với tôi đã là một điều gì đó cực kỳ thân thiết”, tiến sĩ Vũ tâm sự.
“Đi Tư vấn mùa thi mới biết thông tin nhiều em có được quá hiếm hoi. Có năm tôi về H.Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) để tư vấn tại một trường THPT xa xôi. Tôi nhớ mãi vì khi đoàn đến, chứng kiến được cả trường còn không có trọn vẹn được 1 cuốn Những điều cần biết về  tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT. Cả trường chỉ có được vài trang sách trong đó để photo, đưa thông tin cho học sinh. Những điều ấy luôn khiến chúng tôi cố gắng hơn để cung cấp thông tin tối đa cho học sinh và giáo viên”, tiến sĩ Vũ chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Cúc, người được biết đến nhiều trong thời gian qua khi lấy bằng tiến sĩ lúc gần 70 tuổi, là người gắn bó với chương trình Tư vấn mùa thi ngay từ những ngày đầu tiên. Cô Cúc kể lại: “Tôi tham gia chương trình Tư vấn mùa thi với Báo Thanh Niên vào năm 2003. Đêm hôm đó, nhóm tư vấn mùa thi ra bãi biển vừa ngắm biển vừa gặm bắp nướng. Những gương mặt lo âu vì không biết ngày mai lên diễn đàn nói gì. Những thầy cô giáo chỉ biết lên lớp với những bài giảng đúng chuyên ngành của họ. Họ chưa từng học môn học tư vấn tuyển sinh. Sáng hôm sau, ngồi trên khán đài là những gương mặt trầm tư. Bên dưới có hàng ngàn cặp mắt tròn xoe nhìn lên. Sau đó, học sinh đặt câu hỏi và mọi thứ bắt đầu dễ dàng hơn. Qua năm tháng, cứ như thế chương trình Tư vấn mùa thi luôn được các trường và học sinh quan tâm”, tiến sĩ Cúc nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.