Tư vấn tâm lý mùa thi: Cách thoát khỏi hội chứng 'cháy sạch' mùa thi

08/06/2022 06:05 GMT+7

Khi chỉ còn chưa đầy một tháng ôn tập để chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh rơi vào trạng thái không mong muốn đó là hội chứng burnout.

Theo y học, hội chứng burnout (hội chứng “cháy sạch”) là dạng bệnh lý xuất phát từ tình trạng suy nhược thần kinh, thường gặp ở nhóm trí thức. Người bệnh kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần do áp lực, căng thẳng gây ra, bỗng dưng mất hứng thú học tập, làm việc cũng như năng lực tranh đua.

“Như bếp đã cháy hết”

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải, tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Hà Nội khóa 1978 -1984, hiện là giảng viên của Học viện Thần học Thánh Tôma và vài học viện Thần học nữ trên toàn quốc, cho biết burnout được ví như bếp lửa đã cháy hết và trở thành tro tàn, nhằm diễn tả hình ảnh một người đã mất hết năng lượng.

“Nguyên nhân là người đó đã dồn hết tinh thần, trí lực, tâm huyết và đặt nhiều kỳ vọng vào công việc nghiên cứu và học tập. Nếu kết quả đạt được mỹ mãn thì không sao; nhưng một khi kết quả không như mong muốn thì sức khỏe tâm thần của họ sẽ trượt dốc”, bác sĩ Lan Hải lý giải.

Sẵn sàng nạp năng lượng cho mình và đôi khi cần học cách “thua” để tự đối phó với tình trạng kiệt sức

Độc Lập

Kiệt quệ về mặt cảm xúc; cảm giác trống rỗng, không có khả năng đón nhận cảm xúc mới; không thể giãi bày tâm trạng; thể chất mệt mỏi... là một số triệu chứng dễ nhận biết ở người bị “cháy sạch”. Cho đến nay, các nhà chuyên môn vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng về cơ chế bệnh lý của burnout.

Trong một trường hợp cụ thể, Lê Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết từng có giai đoạn cảm thấy mệt mỏi khi nhắc tới việc học và thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt.

“Thậm chí, mình như muốn ngất xỉu tại chỗ đông người. Việc cố gắng nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong lúc học bài khiến mình đờ đẫn, mệt mỏi... Đỉnh điểm là đầu tháng 3, mình chán nản, muốn buông xuôi mọi thứ và dường như có thể dễ dàng từ bỏ giấc mơ đại học”, Minh Anh kể.

Sự thông cảm và trợ giúp từ gia đình sẽ giúp thí sinh tránh các trạng thái tâm lý trầm trọng hơn như trầm cảm, hành động tự tử hoặc để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải

Tương tự, theo Lê Hoàng Phúc, sinh viên năm nhất Trường ĐH Sài Gòn, giai đoạn ôn thi đại học năm 2021 là khoảng thời gian khó khăn. “Hai từ “mệt mỏi” mới có thể diễn tả bản thân mình khi đó. Mình chỉ có thể ngủ 4 giờ/ngày trong suốt 4 tháng ôn thi liên tục. Mình đã cảm thấy rất cô đơn và kiệt quệ tinh thần khi phải “tự lực cánh sinh”. Chưa hết, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở TP.HCM vào thời điểm đó nên mình không có cơ hội ra ngoài để giải tỏa tinh thần, dẫn đến tâm trạng bí bách, khó chịu và không tập trung 100% vào việc ôn tập”, Phúc nhớ lại.

Từ những bất ổn tâm lý khi lần đầu tiên đối mặt với thử thách lớn trong đời, Phúc nhiều lần hoài nghi năng lực bản thân, cho rằng mình không đủ giỏi để học đại học. Nhẹ nhàng nhưng trống rỗng là cảm giác của Phúc sau khi ra khỏi phòng thi. “Mình cảm thấy mọi giác quan đều tê liệt, không cảm nhận được gì. Ba ngày sau thi, mình vẫn không thể tin được mình đã hoàn thành một trong những kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời”, Phúc bày tỏ.

Từ 2 trường hợp kể trên, bác sĩ Lan Hải nhận thấy điểm tương đồng của đa số những người bị burnout là: thừa năng lực làm việc và học tập, yêu thích sự hoàn hảo, tính tình tháo vát, đòi hỏi tính chuyên nghiệp đến mức “đỉnh” trong công việc, không hài lòng với chính mình dẫu không thất bại hay không ai nhận ra thất bại của họ.

Sắp xếp thời gian học tập hợp lý để vừa hoàn thành mọi việc đề ra, vừa giữ cho sức khỏe tinh thần ổn định

Giữ cho sức khỏe tinh thần ổn định

Cũng thông qua trường hợp của Minh Anh và Hoàng Phúc, bác sĩ Nguyễn Lan Hải khuyên thí sinh nên tìm kiếm ý nghĩa thực sự của việc học, sẵn sàng nạp năng lượng cho mình và đôi khi cần học cách “thua” để tự đối phó với tình trạng kiệt sức.

“Hội chứng burnout ở đây là do ta khơi lên ngọn lửa quá cao hoặc tự “gắp lửa bỏ tay… mình”. Các bạn không chấp nhận kết quả học tập dưới mức mong muốn, cho dù trên thực tế, thành tích đạt được đã rất đáng khen, chỉ vì các bạn đặt mục tiêu ở mức vượt quá thực lực”, bác sĩ Lan Hải nhận định.

Chia sẻ bí quyết để không rơi vào tình trạng burnout, một số học sinh như Phạm Duy Toàn, học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), nhấn mạnh tầm quan trọng của cách sắp xếp thời gian học tập hợp lý để vừa hoàn thành mọi việc đề ra, vừa giữ cho sức khỏe tinh thần ổn định.

“Mình từng rơi vào tình trạng burnout nhưng hiện tại tinh thần ổn định. Dù thỉnh thoảng một vài chuyện khiến mình đau đầu nhưng khi vượt qua thì mình sẽ học được điều gì đó, chẳng hạn như rèn luyện khả năng xử lý vấn đề. Thường ngày, mình dốc sức hoàn thành công việc với suy nghĩ “làm trước, hưởng sau”. Khi còn ít năng lượng, mình sẽ làm một số công việc nhẹ nhàng hơn để tránh căng thẳng quá độ”, Duy Toàn chia sẻ.

Bản thân Minh Anh sau khi dành ra vài ngày tự điều chỉnh cảm xúc cũng đã có động lực bước tiếp. Thời gian này, Minh Anh dồn toàn bộ sự tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng cách tuân theo phương pháp làm việc “Pomodoro” (phương pháp quản trị thời gian tối đa). Nhờ phương pháp này, nữ sinh cho biết tinh thần được kiểm soát khá tốt.

Nhớ lại thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT đầy khó khăn, Hoàng Phúc cho hay tương lai chính là điểm tựa để vững vàng hơn. Phúc chia sẻ: “Nhiều lần mình từng nghĩ đến chuyện không học lên đại học, nhưng không thể mường tượng được tương lai của quyết định ấy. Vì thế, mình đã thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn. Hiện tại, mình rất hạnh phúc với con đường đã chọn. Ngày nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT, mình đã ôm mẹ và khóc rất nhiều vì đã chiến thắng trong cuộc đấu trí với những hoài nghi về bản thân”.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cũng khẳng định: “Sự thông cảm và trợ giúp từ gia đình sẽ giúp thí sinh tránh các trạng thái tâm lý trầm trọng hơn như trầm cảm, hành động tự tử hoặc để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này”.

Nếu thấy các biểu hiện của burnout ngày một nghiêm trọng, bác sĩ Nguyễn Lan Hải khuyên gia đình nên đưa con em đi khám để được tư vấn, điều trị đúng cách và sớm trở lại nhịp làm việc, học tập bình thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.