Chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên khởi nguồn từ năm 1998 với đội ngũ lực lượng tư vấn hùng hậu, hằng năm đều đến trực tiếp với học sinh các địa phương. Tuy việc đưa thông tin trực tiếp đến tận nơi như thế rất hiệu quả, nhưng đoàn tư vấn cũng không thể đi hết các nơi.
Chính vì vậy vào năm 2003, Báo Thanh Niên phát triển thêm hình thức tư vấn trực tuyến tại tòa soạn ngay trên trang Thanh Niên Online vừa ra đời để khắc phục những hạn chế về nguồn lực và giúp các trường, các thí sinh trên cả nước có cơ hội tiếp cận thông tin chính xác và đầy đủ nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, là người rất gắn bó với các chương trình tư vấn tuyển sinh và thường xuyên đưa ra rất nhiều lời khuyên quý giá cho các thí sinh. Ông nhận định: "Từ năm 1998 đến năm 2002, năm nào Báo Thanh Niên cũng tiếp tục các chương trình tư vấn trực tiếp đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đến năm 2003 - cách đây 20 năm, Báo Thanh Niên là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng chương trình tư vấn mùa thi với quy mô lớn qua hình thức tư vấn trực tuyến. Lúc đó, đây là hình thức rất mới, trở thành thương hiệu của Báo Thanh Niên".
Việc giải đáp nhiều nhất những câu hỏi bạn đọc gửi đến hộp thư tư vấn mùa thi là mục tiêu ban đầu của chương trình tư vấn trực tuyến. Từ các câu hỏi nhận được, những người làm công tác nội dung đã chuyển tải câu trả lời trên trang thông tin điện tử của báo - Thanh Niên Online như một hình thức khác của hộp thư này. Sau đó, chương trình có sự tham gia trực tiếp của chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường ĐH, CĐ để có những câu trả lời chất lượng hơn.
Những năm đầu, chương trình được đặt tên "Tư vấn mùa thi trực tuyến trên mạng Thanhnien Online", tổ chức cố định vào 16 giờ 30 chiều thứ sáu hằng tuần, kéo dài 1 giờ đồng hồ và diễn ra liên tục trong hơn 1 tháng trước thời điểm thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi.
Tên gọi này tiếp tục sử dụng vào những năm tiếp theo. Hình thức trực tuyến sơ khai lúc ấy là kỹ thuật viên nhập câu hỏi của bạn đọc khắp cả nước lên hệ thống; các chuyên gia trả lời câu hỏi, kỹ thuật viên gõ và đưa câu trả lời lên Thanh Niên Online.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, kể lại: "Thời gian đầu mới tham gia tư vấn trực tuyến (năm 2003) với Báo Thanh Niên, đại diện các trường thường là trưởng phòng đào tạo, mỗi lần tư vấn có khoảng 5 - 8 thầy cô ở nhiều trường ĐH-CĐ khác nhau họp thành một nhóm chuyên môn tư vấn. Cả thành viên mỗi nhóm cũng xem như một gia đình, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp câu hỏi nào khó; câu nào tâm đắc cùng chia sẻ để dành, sau này gặp lại có thể yên tâm trả lời ngay. Có khi trong cùng một đợt tư vấn các thầy cô phải hội ý cùng nhau xem "ý tứ" của thí sinh thế nào để trả lời cho đúng. Loại câu hỏi này thường tòa soạn gửi cho vài trường cùng trả lời rồi biên tập lại để đăng trên trang web của báo".
Chương trình không ngừng được đổi mới để thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn trở thành hình thức tư vấn truyền hình trực tuyến hôm nay. Không như cách truyền thống, bên cạnh truyền tải thông tin qua ngôn từ thì các chương trình tư vấn truyền hình còn đến với bạn đọc một cách sống động qua âm thanh, hình ảnh được truyền tải trực tiếp từ phim trường của báo. Bạn đọc có thể tiếp cận thông tin từ nhiều giác quan khác nhau thay vì chỉ đọc thuần túy như trước đây.
Trong chương trình truyền hình được phát trực tiếp, thí sinh và phụ huynh không chỉ lắng nghe mà còn đối thoại trực tiếp với các chuyên gia của chương trình. Nếu trước đây, thí sinh chỉ có thể tương tác thông qua website, thì nay còn được tiếp cận qua các trang mạng xã hội Facebook và YouTube của báo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nhớ lại: "Chương trình tư vấn trực tuyến về sau không chỉ là dạng livestream hay thu hình rồi phát lại trên mạng internet mà trở thành một dạng truyền hình trực tuyến và trực tiếp, có thể lưu giữ và được xem lại. Những năm sau đó, truyền hình trực tiếp không chỉ thực hiện tại tòa soạn Báo Thanh Niên mà còn tổ chức tại nhiều đài truyền hình địa phương để tiệm cận với quy mô khán giả và không gian địa lý nhiều hơn, rộng hơn".
Theo tiến sĩ Nghĩa, chương trình tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên mau chóng giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo được công bằng trong việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Ngày nay, hầu hết gia đình hoặc người thân đều dùng điện thoại thông minh có kết nối được với internet. Với điều kiện này, bằng cách theo dõi chương trình tư vấn trực tuyến, hầu như thí sinh cả nước có thể tìm được thông tin tuyển sinh cùng một lúc, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết khi mùa tư vấn thường rơi vào mùa mưa. Ngoài ra, chương trình mỗi buổi tư vấn trực tuyến thường khoảng 60 phút là đủ cho thí sinh có thể tiếp nhận được các thông tin cần thiết cho mình, khỏi phải phập phồng "không biết đã đầy đủ chưa".
Bình luận (0)